Chuyên mục
Từ khóa
  Gửi câu hỏi
Ba tôi là thương binh hạng 3/4, ba tôi đã từ trần năm 2002. Xin hỏi nay tôi làm đơn đề nghị cấp thẻ thương binh cho ba tôi được không (Quảng Nam)

Hỏi bởi: Nguyễn Đình Cả lúc 23/11/2011 1:13:46 CH

Trả lời:  Trả lời: Theo quy định hiện hành thì việc cấp Giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chỉ thực hiện đối với thương binh (người hưởng chính sách như thương binh) còn sống và đang hưởng chế độ ưu đãi, không quy định việc cấp lại thẻ đối với thương binh đã từ trần ./.
Tôi là thương binh bị suy giảm khả năng lao động 61%. Tôi có con đang theo học tại cơ sở giáo dục thường xuyên. Vậy con tôi có được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục không?

Hỏi bởi: Nguyễn Thị Nga lúc 22/11/2011 10:31:50 CH

Trả lời:  Theo qui định tại Thông tư Liên tịch số 16/2006/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 20/11/2006 của Liên bộ LĐ-TB&XH, GD&ĐT, TC thì không áp dụng chế độ ưu đãi trong giáo dục đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên. Theo đó, trường hợp con ông đang theo học tại cơ sở giáo dục thường xuyên nên không thuộc diện giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục.
Tôi năm nay 46 tuổi có con là liệt sỹ. Vậy tôi có được hưởng tuất hàng tháng không? Thời gian hưởng cấp từ khi nào?

Hỏi bởi: Nguyễn Thị Nga lúc 22/11/2011 10:30:29 CH

Trả lời:  Theo quy định của Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ khi liệt sỹ còn nhỏ; con liệt sỹ từ 18 tuổi tuổi hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con liệt sỹ bị bệnh, tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp tiền tuất vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Như vậy từ ngày 1/10/2005 những người là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ khi còn nhỏ, được giải quyết chế độ tuất liệt sỹ không tính đến tuổi tác. Trường hợp của bà thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng kể từ ngày liệt sỹ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng bằng “Tổ quốc ghi công”.
Gia đình tôi cần có những giấy tờ gì và liên hệ với cơ quan nào để giải quyết chế độ mai táng phí và trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học khi chết?

Hỏi bởi: Nguyễn Thị Nga lúc 22/11/2011 10:28:24 CH

Trả lời:  Theo qui định tại điểm 2.1 khoản 2, mục XII, phần I Thông tư só 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ LĐ-TB&XH thì sau khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học chết, thân nhân cần liên hệ với UBND cấp xã để được xem xét giải quyết. Các giấy tờ cần có bản khai người có công với cách mạng từ trần (theo mẫu qui định ) và giấy chứng tử.
Người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi mà phạm tội, bị cơ quan tòa án tuyên phạt tù thì chế độ ưu đãi sẽ giải quyết như thế nào?

Hỏi bởi: Nguyễn Thị Nga lúc 22/11/2011 10:19:28 CH

Trả lời:  Người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi mà phạm tội, bị cơ quan tòa án nhân dân tuyên phạt tù thì trong khi chấp hành hình phạt tù không được hưởng chế độ ưu đãi (qui định tại Khoản 1, Điều 44- Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 về ưu đãi người có công với cách mạng). Trường hợp người có công với cách mạng đang hưỏng chế độ ưu đãi mà phạm tội bị tuyên phạt tù nhưng có hưởng án treo thì vẫn được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và cơ quan, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát mọi hoạt động tuân theo pháp luật của họ. Khi người có công với cách mạng bị tuyên phạt tù, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố (hoặc Giám đốc Sở LĐ-TBXH) căn cứ vào bản án đã tuyên có hiệu lực pháp luật ra Quyết định đình chỉ (hoặc phục hồi) chế độ ưu đãi cho người đó.
Xin hỏi về chế độ CĐHH: vừa qua Cục Người có công ban hành Công văn 1609 và 538 quy định chỉ giới thiệu Hội đồng GĐYK hồ sơ có chứng từ, bệnh án điều trị trước ngày 7/4/2009. Đề nghị Cục Người có công cho biết đối với đối tượng hưởng theo QĐ 120 đã rà soát và dừng trợ cấp do không sinh con dị dạng dị tật, nhưng sau ngày 07/4/2009 mới mắc bệnh theo danh mục bệnh tật tại QĐ 09/2008/BYT (chứng từ, bệnh án sau ngày 07/4/2009)thì Sở giới thiệu đối tượng đến HĐGĐYK giám định bệnh để giải quyết chế độ được không?. Xin chân thành cảm ơn (Lê Xuân Dũng - Lâm Đồng).

Hỏi bởi: lê xuân dũng lúc 15/11/2011 3:13:24 CH

Trả lời:  Người hoạt động kháng chiến bị mắc bệnh theo danh mục bệnh, tật của Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20 tháng 2 năm 2008 của Bộ Y tế có chứng từ bệnh án trước ngày ban hành Thông tư số 08/ TT-BLĐTBXH ngày 7 tháng 4 năm 2009 của Bộ Lao động – Thưương binh và Xã hội thì xác lập hồ sơ ng¬ười hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học theo quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH và văn bản hướng dẫn số 1609/LĐTBXH-NCC ngày 23 tháng 5 năm 2011 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bố tôi là bộ đội tham gia kháng chiến chống mỹ, được thưởng nhiều huân huy chương trong đó có hai huân chương chiến công hạng ba, ông đã phục viên, được hướng chế độ trợ cấp một lần và hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng người có công bị nhiễm chất độc hóa học, nay bố tôi đã chết. Cho tôi hỏi các chế độ đối với bố tôi thế nào? Hiện nay mẹ tôi đã 72 tuổi và đang ở một mình ở quê vì tôi và các em tôi đều thoát ly và lấy chồng ở xa hết,vậy mẹ tôi có được hướng trợ cấp hàng tháng không? và các chế độ khác đối với mẹ tôi và chúng tôi thế nào? (Phùng Tô Hiệu- Nam Định)

Hỏi bởi: Phùng Tô Hiệu lúc 15/11/2011 3:12:49 CH

Trả lời:  Theo quy định hiện hành thì người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân chương chiến công chưa thuộc diện được xem xét là người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ quy định: Khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp mà người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học được hưởng trước khi chết./.
Bà ngoại tôi là Tạ Thị Chính sinh năm 1938.Nguyên quán: Thôn Đông Trung – Xã Hà Bình – Huyện Hà Trung – Tỉnh Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có nhiều đóng góp đối với cách mạng như: Nuôi cán bộ (nhà thơ Tố Hữu từ năm 1942 - 1945); Làm bí thư chi Đoàn kiêm Ban chấp hành Đoàn xã và thường vụ Đoàn xã Hà Bình; cho thương binh hạng nặng mượn nhà và đất để ở nhưng khi đất nước giải phóng thì không được chính quyền xã trả lại... Sau nhiều lần trực tiếp gặp chính quyền xã và phòng lao động và thương binh xã hội xã Hà Bình nhưng vẫn không được giải quyết. Cho tôi hỏi giờ chúng tôi phải gặp những ai và cần làm những thủ tục gì để bà ngoại tôi được hưởng chế độ? Xin chân thành cảm ơn! (Nghệ An)

Hỏi bởi: Nguyễn Thị Ngọc Hòa lúc 28/10/2011 8:42:29 SA

Trả lời:  Việc xét, kê khai thành tích tặng thưởng Huân, Huy chương tham gia kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng thuộc thẩm quyền của cơ quan Thi đua – Khen thưởng, đề nghị bà liên hệ tới Ban Thi đua – Khen thưởng địa phương để được xem xét trả lời theo thẩm quyền./.
Trường hợp người có công từ trần trước ngày ký quyết nghị khen thưởng Huân, Huy chương kháng chiến có được hưởng mai táng phí hay không. VD: Quyết nghị tặng Huy chương kháng chiến ngày 21/12/2009 nhưng từ trần tháng 11/2009 (hoặc trước đó nhưng sau ngày 01/10/2005). Mong được sớm trả lời để giải quyết. "(An Giang)

Hỏi bởi: Đoàn Tiến Phương lúc 28/10/2011 8:39:34 SA

Trả lời:  Tại Điều 28, Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế gồm: trợ cấp một lần và khi người hoạt động kháng chiến chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí. Người từ trần chưa được xác nhận là người có công (chưa phải người có công) thì không được xem xét giải quyết chế độ người có công từ trần, thân nhân không được hưởng chế độ mai táng phí.
Bố cháu là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1969 tại Tây Nguyên, đến năm 1976 mới phục viên. Sau khi về bố mẹ cháu sinh thêm 2 em, 1 em mắt bị lác từ nhỏ và 1 em sinh ra bị ngắn chân trái. Vậy bố cháu có được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học không? Nếu được hưởng trợ cấp, bố cháu có phải đi giám định sức khoẻ không.(Bùi Công Thành)

Hỏi bởi: Bùi Công Thành lúc 11/10/2011 9:38:38 SA

Trả lời:  Cục Người có công xin trả lời như sau: Người hoạt động kháng chiến có thời gian công tác tại vùng bị quân đội Mỹ sử dụng chất độc hoá học từ tháng 8/1961 đến 30/4/1975 nếu mắc một trong các bệnh, tật được quy định tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế và có con dị dạng, dị tật thì được xem xét xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Việc xác nhận theo hướng dẫn của Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải có biên bản giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa./.
Tôi là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% đang hưởng trợ cấp hàng tháng được giải quyết chế độ điều dưỡng như thế nào? Mức hưởng là bao nhiêu?

Hỏi bởi: Người dân lúc 03/10/2011 6:16:52 CH

Trả lời:  Theo qui định tại Khoản 1, Điều 3, Mục II Thông tư Liên tịch số 25/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT ngày 11/9/2010 của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TC, Bộ YT hướng dẫn chế độ chăm sóc sức khoẻ đối với người có công với cách mạng thì người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được giải quyết điều dưỡng mỗi năm một lần. Tại Khoản 1 Điều 4, Mục II Thông tư Liên tịch số 25/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT ngày 11/9/2010 của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TC, Bộ YT qui định: - Thời gian điều dưỡng tối đa là 10 ngày (không kể thời gian đi và về); - Mức chi bồi dưỡng: 1.5.000 đồng/người/lần, bao gồm: + Tiền ăn sáng và 2 bữa chính: 1.100.000 đồng + Thuốc bổ và thuốc chữa bệnh thông thường: 100.000 đồng + Quà tặng đối tượng: 100.000 đồng + Chi khác (khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, nghe chuyện thời sự, tham quan, chụp ảnh, phục hồi chức năng…): 200.000 đồng. Trường hợp điều đưỡng tại gia đình: mức chi điều dưỡng là 800.000đồng/ người/lần.
Bố tôi là thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật 61%. Tôi đã được thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo từ khi học trung học phổ thông, nhưng sau đó bố tôi mất khi tôi đã tốt nghiệp phổ thông và đang chuẩn bị thi vào đại học. Vậy tôi có tiếp tục hưởng chế độ ưu đãi nếu thi đỗ và tiếp tục học đại học không?

Hỏi bởi: Nguyễn Thị Nga lúc 03/10/2011 6:16:36 CH

Trả lời:  Theo qui định tại Thông tư số 16/2006/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BGDDT ngày 20/11/2011 của Liên bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT và Bộ TC thì con của thương binh là đối tượng được áp dụng chế độ ưu đãi trong giáo dục. Trường hợp của chị nếu thi đỗ và tiếp tục học lên đại học thì vẫn được hưởng chế độ ưu đãi này.
Tôi là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, do bệnh tật ngày càng nặng, phải dùng thiết bị kỹ thuật cao và thuốc đặc trị hết sức tốn kém nhưng lại không được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí dịch vụ. Như vậy có đúng không?

Hỏi bởi: Người dân lúc 03/10/2011 3:51:08 CH

Trả lời:  Theo hướng dẫn tại Mục II Phần I Thông tư liên tịch số 21/2005/TTLT/BLĐTB&XH-BTC-BYT ngày 27/7/2005 của Bộ LĐ – TB&XH, Bộ TC, Bộ YT thì người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đang hưởng trợ cấp hàng tháng được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí của dịch vụ nhưng tối đa không quá 20.000.000 đồng (hai mươi triệu) cho một lần sử dụng dịch vụ đó. Như vậy, nếu ông sử dụng dịch vụ cao hơn 20 triệu đồng thì ông chỉ được bảo hiểm y tế thanh toán tối đa không quá 20 triệu đồng là đúng với quy định,
Tôi là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% đang hưởng trợ cấp hàng tháng được giải quyết chế độ điều dưỡng như thế nào? Mức hưởng là bao nhiêu?

Hỏi bởi: Người dân lúc 03/10/2011 3:46:17 CH

Trả lời:  Theo qui định tại Khoản 1, Điều 3, Mục II Thông tư Liên tịch số 25/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT ngày 11/9/2010 của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TC, Bộ YT hướng dẫn chế độ chăm sóc sức khoẻ đối với người có công với cách mạng thì người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được giải quyết điều dưỡng mỗi năm một lần. Tại Khoản 1 Điều 4, Mục II Thông tư Liên tịch số 25/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT ngày 11/9/2010 của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TC, Bộ YT qui định: - Thời gian điều dưỡng tối đa là 10 ngày (không kể thời gian đi và về); - Mức chi bồi dưỡng: 1.5.000 đồng/người/lần, bao gồm: + Tiền ăn sáng và 2 bữa chính: 1.100.000 đồng + Thuốc bổ và thuốc chữa bệnh thông thường: 100.000 đồng + Quà tặng đối tượng: 100.000 đồng + Chi khác (khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, nghe chuyện thời sự, tham quan, chụp ảnh, phục hồi chức năng…): 200.000 đồng. Trường hợp điều đưỡng tại gia đình: mức chi điều dưỡng là 800.000đồng/ người/lần.
Bố em là người họat động kháng chiến bị nhiễm chất độc màu da cam. EM bình thường không bị ảnh hưởng gì. Hiện em đang là sinh viên.Vậy em xin hỏi theo các văn bản pháp qui mới nhất thì em có được hưởng chính sách miễn giảm học phí gì không ạ? Em xin cảm ơn (Thùy Dương)

Hỏi bởi: hoàng thị thùy dương lúc 23/09/2011 4:03:03 CH

Trả lời:  Khoản 1 điều 4 chương 2 Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 có quy định đối tượng được miễn, giảm học phí là: “ Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005”. Tại Khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định: “ Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học là người được cơ quan có thẩm quyền công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động do hậu quả của chất độc hoá học”. Như vậy, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm độc hoá học được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo là người được cơ quan có thẩm quyền công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động do hậu quả của chất độc hoá học./.
Trang 11 trong 17Đầu tiên    Trước   6  7  8  9  10  [11]  12  13  14  15  Tiếp   Cuối    

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)