Chuyên mục
Từ khóa
  Gửi câu hỏi
Năm 1972 ba tôi có tham gia hoạt động kháng chiến ở chiến trường Campuchia, và đi trong thời gian là 3 năm. Ba tôi đã mất năm 1996, gần đây tôi có đọc trên báo và thấy có chế độ trợ cấp 1 lần cho lính Campuchia. Tôi xin hỏi là ba tôi đã mất vậy thân nhân có được hưởng trợ cấp 1 lần đó không?

Hỏi bởi: Nguyễn Mậu Thành lúc 16/07/2012 1:44:29 CH

Trả lời:  Theo quy định tại khoản a, Điều 1 Quyết định 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ thì các đối tượng là: “Quân nhân, công an nhân dân, công nhân, viên chức trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở các chiến trường B,C,K về gia đình từ ngày 31 tháng 12 năm 1976 trở về trước nhưng chưa được hưởng một trong các chế độ phục viên, xuất ngũ (bao gồm cả trợ cấp xuất ngũ theo Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), chế độ thôi việc, chế độ bệnh binh, mất sức lao động hàng tháng và chế độ hưu trí hàng tháng,…” nếu đã từ trần trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì “một trong những người sau đây được hưởng chế độ một lần theo mức tương ứng quy định tại Quyết định này: vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần”. Như vậy trường hợp của ông đủ điều kiện xem xét hưởng chế độ theo quy định.
Tôi là Thương binh hạng 4/4 tỷ lệ mất sức lao động là 21%. Tôi đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 590.000đồng/1 tháng theo Nghị định số 52 ngày 30/6/2011. Vậy làm thế nào để biết được cách tính lương Thương binh như tôi mà ra được 590.000/tháng . Tôi có biết Mức chuẩn để tính theo Nghị định 52 là 876.000đồng. Xin chân thành cảm ơn!

Hỏi bởi: Hoàng Thị Yến lúc 12/07/2012 3:51:25 CH

Trả lời:  Nghị định số 52/2011/NĐ-CP ngày 30/6/2011 của Chính phủ quy định mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng và các mức trợ cấp, phụ cấp được thực hiện kể từ ngày 01/5/2011. Ban hành kèm theo Nghị định này các bảng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với từng đối tượng người có công với cách mạng. Theo đó, mức trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật 21%, hưởng mức trợ cấp là 590.000 đồng/tháng, mỗi tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động được xác định tương ứng với 28.000 đồng. (H1)
Tôi là Cán bộ hưu trí nay đang hưởng 02 chế độ Hưu trí và Thương binh 2/4 - 61%. Tôi xin hỏi nay tôi muốn chuyển phụ cấp khu vực hưu trí sang phụ cấp khu vực của thương binh không. Vì khi tôi còn công tác thì phụ cấp khu vực của hưu trí tôi được hưởng và không được hưởng phụ cấp thương binh, nay tôi đã về hưu muốn được chuyển phụ cấp sang phụ cấp thương binh có được không, vì phụ cấp khu vực thương binh cao hơn

Hỏi bởi: Nguyễn Mạnh Cường lúc 12/07/2012 2:10:59 CH

Trả lời:  Theo khoản 8 mục I Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Ủy ban dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực thì "Thương binh (kể cả thương binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh), bệnh binh hưởng trợ cấp hàng tháng mà không phải là người hưởng lương, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội" thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp khu vực. Theo quan điểm trên, ông là thương binh nhưng cũng lại là người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nên không thuộc diện thương binh được hưởng phụ cấp khu vực./. (Hcs1)
Kính thưa cục người có công. kính thưa Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội. Tôi có một số điều thắc mắc cần hỏi Bộ như sau : Hiện nay tôi đang theo học năm thứ 3 Trường đại học nông lâm huế ,là con của người có công với cách mạng ,đi học theo hệ cử tuyển .Những năm trước đây khi đang học phổ thông và đến năm 1 của đại học, tôi vẫn hưởng tiền ưu đãi giáo dục và đào tạo dành cho học sinh ,sinh viên theo chế độ của Bộ giáo dục và đào tạo đối với con em người có công với cách mạng .Nhưng từ năm học 2010 đến giờ tôi không được hưởng tiền ưu đãi giáo dục và đào tạo đối với con em người có công với cách mạng đó nữa . Tôi về huyện hỏi tiền đó thì họ nói tỉnh cắt rồi,xuống hỏi tỉnh thì tỉnh cũng nói cắt . Trong khi đó những sinh viên là con em của người có công với cách mạng của các tỉnh khác họ vẫn nhận tiền ưu đãi giáo dục và đào tạo đó hàng năm . Chỉ trừ tỉnh Quảng Nam là họ nói không có tiền ưu đãi giáo dục và đào tạo cho học sinh , sinh viên đối với con em người có công với cách mạng đó n

Hỏi bởi: A BƯỜNG lúc 11/07/2012 3:41:52 CH

Trả lời:  Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc tuyển chọn, đào tạo, thực hiện các chế độ, chính sách đối với người học theo chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học, trung cấp theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Đề nghị các anh, chị hỏi Bộ Giáo dục - Đào tạo để được hướng dẫn trả lời./. (OanhCS2)
Kinh thưa Quy Cuc! Tước đây tôi tham gia hoạt động kháng chiến từ năm 1961 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Hiện tôi được đang hưởng chế độ thương binh (43%). Trước đây, con tôi bị dị dạng, tật bẩm sinh, được hưởng chế độ con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Hiện nay sức khoẻ tôi suy kiệt, tôi có đến Phòng Lao động THương binh và Xã hội huyện hướng dẫn thủ tục hồ sơ thi được trả lời là tôi không có hồ sơ bệnh án thể hiện theo các danh mục bệnh tật theo quyết định 09 của Bộ Y tế. Nhưng tôi thiết nghĩ nếu tôi là người tham gia kháng chiến nếu không bị nhiễm chất độc hoá học thì còn tôi thì tại sao con tôi bị ảnh?(được nhà nước giải quýêt chế độ đối với con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học). Kính mong quý Cục hướng dẫn tôi có đủ điều kiện đề hưởng chế độ nay hay không.Rất mong Quy Cục sơn có ý kiến, tôi chân thành biết ơn./.

Hỏi bởi: le truong giang lúc 06/07/2012 6:45:06 CH

Trả lời:  Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có quy định: “Điều kiện để hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học: - Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8 năm 1961 đến 30 tháng 4 năm 1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hoá học. - Bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh do hậu quả của chất độc hoá học. Trường hợp không có vợ hoặc chồng hoặc đã có con trước khi tham gia kháng chiến mà bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên do hậu quả của chất độc hoá học”. Trường hợp của ông theo như ông trình bày thuộc diện người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học sinh con dị dạng, dị tật thì hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH ngày 7/4/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung Mục VII Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm các giấy tờ sau: 1. Giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học (Mẫu số 1-HH) do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) cấp. Căn cứ để cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học gồm: a) Bản khai cá nhân (Mẫu số 2-HH) b) Một trong những giấy tờ chứng minh tham gia kháng chiến: lý lịch; quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy X Y Z xác nhận hoạt động ở chiến trường; giấy chuyển thương, chuyển viện; giấy điều trị; Huân chương, Huy chương chiến sĩ giải phóng hoặc giấy tờ khác liên quan đến hoạt động ở chiến trường; c) Một trong những giấy tờ chứng nhận tình trạng bệnh, tật sau: Giấy chứng nhận tình trạng con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị dị dạng, dị tật của Uỷ ban nhân cấp xã. d) Biên bản họp và đề nghị của Hội đồng xác nhận người có công cấp xã (Mẫu số 3-HH) thành phần gồm đại diện: Đảng uỷ; Uỷ ban nhân dân; Hội đồng nhân dân; các tổ chức đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (nếu có), Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Biên bản phải có chữ ký và dấu của: Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cấp xã. 2. Biên bản giám định bệnh tật của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động (Mẫu số 6-HH)”. Sau khi có đủ các giấy tờ nêu trên Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ ra Quyết định trợ cấp (Mẫu số 4-HH) và Phiếu trợ cấp (Mẫu số 5-HH)./. (Ocs2)
Tôi muốn hỏi mức chuẩn tiền trợ cấp của người có công hiện nay là bao nhiêu

Hỏi bởi: đang van luong lúc 29/06/2012 8:20:06 SA

Trả lời:  Ngày 28/5/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2012/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; theo quy định tại Nghị định này, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công là 1.110.000 đồng và được thực hiện kể từ ngày 01/5/2012.(Hkhtc)
Tôi là BB 2/3 (61%)có thắc mắc như sau: Theo NĐ54 thì đối tượng TBB 61% trở lên khi chết thì vợ khi đến tuổi thì được hưởng Tuất, nhưng theo CV 613 cục người có công lại hướng dẫn là: Tại thời điểm TBB đó chết thì người vợ đủ 55 tuổi mới đủ điều kiện hưởng Tuất. Như vậy, tôi thấy hai văn bản quy định có sự khác nhau, cụ thể Sở LĐTBXH TP Đà Nẵng không tiếp nhận giải quyết hồ sơ khi người vợ đến tuổi như quy định tại NDD54, Vạy xin hỏi Cục ngời có công cho ý kiến và trả lời, Cảm ơn./.

Hỏi bởi: Nguyễn Minh Hoàng lúc 25/06/2012 4:10:33 CH

Trả lời:  Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 20, Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định bệnh binh suy giảm khả năng lao động do bệnh tật từ 61% trở lên chết thì thân nhân được trợ cấp tiền tuất như sau: " Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng bệnh binh khi đến tuổi 60 trở lên đối với nam, 55 trở lên đối với nữ; con bệnh binh từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con bệnh binh bị tàn tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng". Như vậy tại thời điểm bệnh binh từ trần, người vợ chưa đủ 55 tuổi thì không đủ điều kiện để giải quyết chế độ tuất bệnh binh. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ dự thảo Pháp lệnh sửa đổi bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, theo dự thảo Pháp lệnh bệnh binh suy giảm khả năng lao động do bệnh tật từ 61% trở lên chết thì cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng bệnh binh sẽ được giải quyết trợ cấp tuất khi đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, 55 tuổi đối với nữ./. (Hcs2)
Mẹ tôi là Giáo viên tyrong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mẹ tôi được nhà nước tặng Huy chương kháng chiến hạng nhì. Vậy mẹ tôi có thuộc đối tượng người có công với cách mạng không? Để xác nhận và hưởng chế độ theo pháp lệnh người có công thủ tục phải như thế nào xin cảm ơn.

Hỏi bởi: Vũ Văn Úy lúc 19/06/2012 11:18:16 SA

Trả lời:  Tại Điều 27 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ quy định: “Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh là người tham gia kháng chiến trong khoảng thời gian từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hoặc Huân chương chiến thắng, Huy chương Kháng chiến hoặc Huy chương Chiến thắng”. Tại điểm 1, Mục IX, phần I Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 7 năm 2006 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định thủ tục hồ sơ người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc gồm: “1.1. Bản khai cá nhân (mẫu số 9-KC1) 1.2. Bản sao huân chương kháng chiến, Huy chương kháng chiến, Huân chương chiến thắng, Huy chương chiến thắng hoặc chứng nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thời gian hoạt động kháng chiến của cơ quan Thi đua – Khen thưởng cấp huyện. 1.3. Quyết định trợ cấp một lần của Giám đốc Sở Lao động – thương binh và Xã hội (mẫu số 9-KC2)”. (Gcs2)
Can cu diem b khoan 2 dieu 29 cua Nghi dinh 54 vaf khoan 3,4 cua dieu 32 PLNCC. Phong da tiep nhan ho so gom: - Don xin huong tro cap i lan co xac nhan cua UBND xa Phuong. - Huy chuong khang chien cua Ong Dam ( da linh tro cap 1lan theo quy dinh) - Huy chuong khang chien cua gia dinh ong Dam De giai quyet theo can cu tren tuy nhien Phong CS NCC So LDTBXH tra loi theo khoan 5 dieu 33 PLUD Khong giai quyet. Nhu vay co dung khong? theo toi co su nham lan trong thuc hien chinh sach. Vi Truong hop cua Ong Dam tren khong thuoc doi tuong quy dinh tai dieu 9,10 va dieu 30.Rat mong su quan tam huong dan cua CNCC de thong nhat trong thuc hien che do chinh sach NCC.

Hỏi bởi: Dang Xuan Hop lúc 19/06/2012 11:13:24 SA

Trả lời:  Nội dung câu hỏi chưa rõ nên Cục Người có công chưa đủ cơ sở để trả lời
Tôi có Ông nội là liệt sỹ hi sinh năm 1951, khi đó Bố tôi mới được 9 tháng tuổi và Bố tôi chưa được hưởng chế độ gì đối với con liệt sĩ từ mười tám tuổi trở xuống. Xin hỏi Bố tôi có được truy lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng đối với con liệt sĩ từ 18 tuổi trở xuống theo Pháp lệnh Số: 26/2005/PL-UBTVQH11 hay không? Nếu có thì xin cho hỏi Bố tôi phải làm hồ sơ thủ tục gì để được hưởng chế độ?

Hỏi bởi: Vũ Thị Ninh lúc 15/06/2012 4:07:02 CH

Trả lời:  Theo qui định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ thì thân nhân liệt sĩ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng kể từ ngày liệt sĩ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”; con liệt sĩ từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu vẫn còn tiếp tục đi học, con liệt sĩ bị bệnh tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp tiền tuất vẫn bị suygiảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Nội dung câu hỏi chưa nêu rõ ông nội của bà được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công từ ngày tháng, năm nào nên Cục Người có công không có cơ sở trả lời. Đề nghị bà liên hệ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh (nơi đang quản lý hồ sơ liệt sĩ) để được xem xét trả lời theo thẩm quyền./. (Lycs1)
Ông Nguyễn Văn Năm tham gia Du kích xã năm 1965 đến năm 1972 thóat ly vào huyện đội, năm 1977 sức khỏe yếu đơn vị cho phục viên giải quyết chế độ bệnh binh, sau đó tiếp tục công tác đến năm 1991 nghĩ mất sức lao động. Hiện nay ông đang hưởng chế độ thương binh và mất sức lao động, nay ông đề nghị giải quyết chế độ bệnh binh. NHư vậy, trường hợp của ông Nguyễn Văn Năm có được xem xét giải quyết chế độ bệnh binh không? có văn bản nào quy định không Kính mong Cục người có công sớm trả lời để tôi trả lời cho đối tượng Xin chân thành cám ơn

Hỏi bởi: Phạm Đình Ca lúc 02/06/2012 9:43:00 SA

Trả lời:  Trước đây, theo qui định tại Thông tư số 48/TBXH ngày 30 tháng 9 năm 1985 của Bộ Thương binh và Xã hội thì hai năm một lần, bệnh binh được giám định lại sức lao động tại Hội đồng giám định y khoa. Nếu sau giám định lại tỷ lệ mất sức lao động chỉ còn ở mức 40% trở xuống thì thôi hưởng trợ cấp bệnh binh. Bệnh binh về bản chất là người mất sức lao động không có khả năng tham gia công tác được nghỉ hưởng chế độ. Trường hợp ông Nguyễn Văn Năm được giải quyết chế độ bệnh binh năm 1977, sau đó không hưởng chế độ bệnh binh mà tiếp tục tham gia công tác, nghĩa là sức khoẻ của ông đã được phục hồi. Đến nay, không có cơ sở để xem xét giải quyết hưởng lại chế độ bệnh binh đối với ông Nguyễn Văn Năm./. (Lcs2)
Cha tôi được công nhận lão thành cách mạng vào năm 2012, có 03 người con là anh Huỳnh Văn Dũng mất năm 2006, chị Huỳnh Thị Xíu mất năm 2011. Hiện tại chỉ có 01 mình tôi. Như vậy, tôi có phải là người khai vào bản khai thân nhân người có công để hưởng mức trợ cấp chung hay không và có cần phải có giấy thỏa thuận hoặc sự ủy quyền của chị dâu tôi (vợ của anh Dũng)không? (Do trong quá trình làm hồ sơ công nhận lão thành cách mạng của cha tôi, chị dâu tôi ủy quyền tôi làm hồ sơ nhưng không ủy quyền nhận trợ cấp). Và mức trợ cấp này có phải là trợ cấp cho con ruột của người có công hay là trợ cấp chung cho tôi và chị dâu tôi? Rất mong Cục người có công sớm trả lời cho tôi biết. Chân thành cám ơn!

Hỏi bởi: Huỳnh Thị Côi lúc 31/05/2012 11:24:21 SA

Trả lời:  Theo như nội dung bà hỏi thì trường hợp cha của bà thuộc trường hợp người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi. Theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 1, Nghị định số 89/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ thì: “Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại điểm 2 khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần: + Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng còn sống; con (trong trường hợp cha mẹ, vợ hoặc chồng không còn) của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 được hưởng trợ cấp chung một lần, mức trợ cấp là 50 triệu đồng”. Theo quy định trên trường hợp cha mẹ, vợ hoặc chồng của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 nếu không còn sống thì con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú theo quy định của pháp luật) được hưởng trợ cấp chung một lần mức trợ cấp là 50 triệu đồng./. (Hcs2)
Tại Điều 35 Chương III Nghị định số 54/2006/NĐ-CP quy định: “Người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ đang hưởng chế độ ưu đãi mà xuất cảnh trái phép theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Pháp lệnh … thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi kể từ ngày ra nước ngoài…”. Song, đối với trường hợp người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ đang hưởng chế độ ưu đãi mà xuất cảnh đi nước ngoài định cư hợp pháp đã tạm đình chỉ chế độ ưu đãi từ ngày họ ra nước ngoài. Nay, họ xin hồi hương về Việt Nam sinh sống và được cơ quan Công an đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh An Giang, đồng thời họ làm đơn xin hưởng lại chế độ ưu đãi đối với người có công, nếu như họ đủ điều kiện hưởng lại chế độ ưu đãi hàng tháng thì thời gian hưởng trợ cấp kể từ ngày Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ký quyết định hay hưởng từ thời điểm nào cho hợp lý? Hiện nay, trong Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng

Hỏi bởi: HUỲNH HỒNG VIỆT lúc 29/05/2012 4:29:54 CH

Trả lời:  Đối với trường hợp đối tượng người có công xuất cảnh nước ngoài định cư hợp pháp đã tạm đình chỉ chế độ ưu đãi kể từ ngày họ ra nước ngoài nay xin hồi hương về Việt Nam sinh sống, được cơ quan công an đăng ký hộ khẩu thường trú tại Việt Nam và đủ điều kiện hưởng lại chế độ ưu đãi hàng tháng thì thời điểm được hưởng lại trợ cấp kể từ ngày Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi cư trú ra quyết định./.(Lcs1)
Tôi là Nguyễn Thanh Minh, sinh năm 1948, người HĐKC chống Mỹ, không có vợ, không có con nay tôi lập hồ sơ xin hưởng chế độ chất độc hóa học theo Thông tư 08/2009 ngày 07/4/2009 của Bộ LĐTBXH. Nhưng, không được Sở Lao động TBXH thành phố Đà Nẵng chấp nhận với lý do: "không đúng quy định". Tuy nhiên, tại ý 3, mục c,điểm 1, phần I của thông tư 08 nêu rõ: Trường hợp người hoạt động kháng chiến không có vợ (chồng) hoặc có vợ (chồng) nhưng không có con hoặc đã có con trước khi tham gia kháng chiến, sau khi trở về không sinh thêm con, nay đã hết tuổi lao động (nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi) thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã). Như vậy, cho tôi hỏi trường hợp của tôi có được giải quyết chế độ CĐHH theo quy định không? Xin cảm quý lãnh đạo BỘ LĐTBXH.

Hỏi bởi: Nguyễn Thanh Minh lúc 21/05/2012 2:53:12 CH

Trả lời:  Theo như nội dung mà ông hỏi thì nếu ông đã tham gia kháng chiến chống Mỹ trong thời gian từ tháng 8 năm 1961 đến 30/4/1975 tại vùng bị quân đội Mỹ sử dụng chất độc hoá học, không có vợ, nay đã quá 60 tuổi có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường thì được lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học”. Việc có được giải quyết hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học hay không còn phải căn cứ vào nội dung của hồ sơ có đảm bảo tính pháp lý và do Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng là nơi ông cư trú thẩm định./. (Hcs2)
Kính thưa! Cháu là Nguyễn Đăng Hợi- cháu ruột của LS Nguyễn Đăng Thành. Cháu có việc này muốn hỏi và muốn được sự tư vấn, giúp đỡ của tất cả các thành viên tham gia như sau: Theo giấy báo tử ngày 27 tháng 4 năm 1976 của Đơn vị C5-E75-Sư đoàn 470 được ký bởi bác Thiếu tá Nguyễn Đức Vỵ thì trường hợp của bác cháu là Nguyễn Đăng Thành là Liệt sỹ. Tuy nhiên khi Cục chính trị báo tử về cho Ty thương binh xã hội tỉnh Nghệ an thì lại báo là Tử sỹ. Năm 2010 gia đình cháu đã vào tận Đơn vị ở Đắc Lắc và được Đơn vị xác nhận trường hợp của bác cháu là Liệt sỹ(Đơn vị Sư đoàn 470 còn lưu đầy đủ hồ sơ gốc) và có Công văn số 572/PXN ngày 22 tháng 6 năm 2010 yêu cầu các Cơ quan ban nghành liên quan tạo điều kiện giúp đỡ nhưng khi gia đình đi đến phòng Lao động TBXH huyện Đô Lương, Sở Lao động TBXD tỉnh Nghệ an thì không được giải quyết. Qua đây kính mong được sự tư vấn, giúp đỡ của tất cả các thành viên tham gia và xin hỏi trường hợp của bác Nguyễn Đăng Thành có được công nhận là Liệt sỹ không? Xin t

Hỏi bởi: Nguyễn Đăng Hợi lúc 21/05/2012 10:41:17 SA

Trả lời:  Theo như đơn đã trình bày thì ông Nguyễn Đăng Thành, nguyên là quân nhân thuộc đơn vị C5-E75-Sư đoàn 470. Vì vậy, việc đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với ông Nguyễn Đăng Thành thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc Phòng. Đề nghị anh liên hệ với Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng để được xem xét trả lời cụ thể theo thẩm quyền./.(Tcs1)
Trang 9 trong 17Đầu tiên    Trước   4  5  6  7  8  [9]  10  11  12  13  Tiếp   Cuối    

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)