Sau tết giá hàng hóa ổn định, giá dịch vụ tăng cao

 Giá cả nhiều mặt hàng sau Tết tương đối bình ổn, giá dịch vụ trông giữ xe, ăn uống có chiều hướng tăng cao.

Trái với mọi năm, năm nay, nhìn chung giá cả nhiều mặt hàng sau Tết Nguyên đán tương đối bình ổn, đặc biệt là tại hệ thống siêu thị.

Tuy nhiên, giá mặt hàng thực phẩm tươi sống tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn vẫn đứng ở mức cao, tương đương với thời điểm trước Tết Nguyên đán và cao hơn 15-20% so với ngày thường. Đặc biệt tăng cao nhất là nhóm hàng dịch vụ ăn uống, trông giữ xe.

Tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Bưởi, Thành Công, Nghĩa Tân, chợ Hôm, tiểu thương đã bán hàng trở lại. Tuy nhiên phần lớn là rau xanh còn hàng thực phẩm tươi sống vẫn chưa nhiều.

Các tiểu thương cho biết, hiện mặt hàng thực phẩm tươi sống sức mua thấp, nguồn cung ít, do nhiều đơn vị cung cấp hàng chưa làm việc trở lại. Vì vậy, giá thực phẩm thời điểm này vẫn ở mức cao. Cụ thể, giá thịt bò 330.000 đồng/kg, ngao 30.000 đồng/kg; thịt lợn thăn và sườn thăn 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tăng cao nhất là dịch vụ ăn uống, nhiều cửa hàng ăn giá cao hơn 20-30%  so với trước tết.

Bà Bùi Thị Thanh, một người mua hàng tại chợ Hôm cho biết, so với năm ngoái, năm nay hàng hóa có tăng một chút nhưng không nhiều. Cho đến thời điểm này, giá cả trở lại tương đối bình thường. Giá các mặt hàng ăn uống như bún riêu, phở… có tăng nhưng đó là thông lệ sau tết một số mặt hàng về ăn uống tranh thủ tăng giá.

Trong khi đó, tại nhiều siêu thị, cửa hàng, giá vẫn được niêm yết và bán theo chương trình bình ổn. Các siêu thị cũng đã tổ chức tặng quà, lì xì đầu năm cùng nhiều chương trình giảm giá nên sức mua tương đối lớn. Nhờ có siêu thị, thị trường bên ngoài cũng đỡ đi việc tranh thủ thời cơ, bán tăng giá.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, nhìn chung giá cả thị trường dịp Tết, năm nay tương đối bình ổn, có chăng thì chỉ tăng nhẹ chứ không tăng giá đột biến.

Tuy nhiên ông Phú cho rằng, hiện tượng tự tăng giá theo kiểu "té nước theo mưa" của những tiểu thương đối với nhóm dịch vụ hàng ăn và các dịch vụ khác như trông giữ xe hiện nay cần được lưu ý và quản lý chặt chẽ để tránh việc thiết lập mặt bằng giá mới đối với nhóm dịch vụ này trong năm 2013.

“Cơ quan chức năng nếu quản lý và kiểm tra tốt giá dịch vụ trông giữ xe thì sẽ không có hiện tượng tự động tăng giá cao trong dịp lễ tết. Giá ăn uống như bún ốc, bún riêu, phở... lại không nằm trong danh mục nhà nước quản lý nên rất khó xử lý. Đối với các mặt hàng tươi sống do sau tết ngư dân ít đánh bắt cá, vận chuyển hàng thực phẩm rất khó khăn nên nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá cả tăng. Các cơ quan quản lý đã nhiều năm buông lỏng quản lý giá dịch vụ, nhất là dịch vụ trông giữ xe” - ông Phú cho biết.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2013 cả nước - thời gian trước Tết tăng thấp 1,25%. Trong đó, hai trung tâm Hà Nội và TP HCM có mức tăng thấp hơn. Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá cơ bản bình ổn và thấp hơn giá thị trường khoảng từ 5%-15%.

Đây là tín hiệu vui cho công tác bình ổn giá thị trường của các ngành chức năng trong năm mới Quý Tỵ. Tuy nhiên, những hiện tượng tự tăng giá cần được cơ quan quản lý kiểm tra và xử lý./.

Theo VOV

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)