UBTVQH đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 5

Trong ngày đầu tiên của phiên họp thứ 19 (sáng 10/7), Uỷ  ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đánh giá về kết quả Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII vừa qua cũng như góp  ý cho việc xây dựng chương trình Kỳ họp thứ  6.

Bên cạnh những kết quả tốt trong tổ chức nội dung và cách thức thực hiện thảo luận của Kỳ họp thứ 5 (từ ngày 20/5 - 21/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng nêu rõ một số hạn chế cần khắc phục, sửa đổi như: Số liệu thống kê ở một số báo cáo chưa thống nhất, việc chuẩn bị tài liệu của một số báo cáo, dự án luật chưa đảo bảo tiến độ, ảnh hưởng tới chất lượng thảo luận của đại biểu Quốc hội.

Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến thảo luận tổ và hội trường có nội dung chưa thực sự đầy đủ; công tác tổ chức lấy phiếu tín nhiệm còn có sai sót về kỹ thuật, chưa thống nhất về hình thức, tiêu chí đánh giá các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm…

Các uỷ viên UBTVQH cho rằng cần rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn Kỳ họp cuối năm (Kỳ họp thứ 6), vốn có ý  nghĩa quan trọng đối với việc giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã  hội…

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Kỳ họp thứ 6 diễn ra trong 30 ngày. Trong đó, Quốc hội dành 19,5 ngày thảo luận về luật và Hiến pháp; xem xét, thảo luận về kinh tế, xã hội là 9 ngày, trong đó xem xét Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế là 3,5 ngày…

Góp ý Chương trình Kỳ họp thứ 6, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị tăng thời gian thảo luận Hiến pháp tại tổ lên 1 ngày thay vì chỉ 0,5 ngày để tận dụng cao nhất các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý kiến nghị Quốc hội phải dành tới 5 ngày để thảo luận Hiến pháp, chứ không chỉ 3 ngày như đề xuất của Văn phòng Quốc hội. Bởi theo ông Phan Trung Lý: “Nếu chỉ bố trí 3 ngày, cứ phát biểu xong rồi thì không giải quyết được vấn đề. Đồng thời bố trí thời gian thảo luận Hiến pháp ngay đầu Kỳ họp để có thời gian tiếp thu chỉnh lý”.

Về việc tiếp nhận góp ý của nhân dân đối với Hiến pháp từ nay tới tháng 9/2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng sẽ không tổ chức lấy ý kiến nhân dân nữa mà Uỷ ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chỉ tổ chức tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Ban soạn thảo tiếp thu, giải trình cặn kẽ các ý kiến đóng góp của nhân dân thì thời gian thảo luận tại Quốc hội sẽ không cần kéo dài.

Cùng với Hiến pháp, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng nhận được sự quan tâm của UBTVQH. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị để Luật đi vào cuộc sống thì cần thảo luận hiệu quả, theo đến cùng vấn đề khi thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Chính phủ cần có một phiên thảo luận dự án Luật này trước khi đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận vào tháng 9 để trình ra Quốc hội.

Bên cạnh các nội dung chính của Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần bổ sung các báo cáo liên quan đến việc thực hiện các quy hoạch nhà máy thuỷ điện và đi cùng với đó là chính sách định cư, ổn định đời sống đồng bào vùng có thuỷ điện.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 37/2012/NQ-QH về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, Uỷ ban Tư pháp cần mời các Bộ liên quan báo cáo giải trình việc hiện Nghị quyết, để từ đó xây dựng báo cáo thẩm tra, trình ra Quốc hội cho ý kiến, để công tác phòng chống tội phạm có hiệu quả hơn./.

Theo Chinhphu.vn


© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)