Lễ truy tặng Anh hùng LLVT nhân dân cho Liệt sĩ Nguyễn Đình Xô và gặp mặt biểu dương người có công tiêu biểu 2018


Các đại biểu tặng quà và chụp ảnh lưu niệm cùng người có công tiêu biểu
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2018), sáng 24/7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh long trọng tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sỹ Nguyễn Đình Xô và gặp mặt biểu dương người có công tiêu biểu năm 2018. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Ngọc Thịnh; lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh; Ban liên lạc cựu tù binh Việt Nam và một số tỉnh, thành phố cùng gần 500 đại biểu đại diện hơn 124.000 người có công trong tỉnh và các mẹ Việt Nam anh hùng; đại diện thân nhân gia đình liệt sỹ Nguyễn Đình Xô…

Liệt sỹ Nguyễn Đình Xô sinh năm 1946 tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh); nhập ngũ năm 1965 và được biên chế về Đoàn 250 (đóng quân ở Hiệp Hòa - Hà Bắc). Sau 3 tháng huấn luyện đồng chí vào nam chiến đấu được biên chế vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88A (nay là Trung đoàn 88, Sư đoàn 302, Quân khu 7). Ngày 28/7/1966, trong trận chiến đấu ác liệt, anh đã anh dũng chiến đấu với địch, bị thương nặng và rơi vào tay địch.

Từ khi bị bắt, địch đã đưa Nguyễn Đình Xô qua nhiều nhà tù và dùng các hình thức thẩm vấn, tra tấn vô cùng dã man, nhưng anh vẫn giữ vững phẩm chất, khí tiết của người chiến sỹ cách mạng, quyết không khai báo, không khuất phục. Đồng chí Nguyễn Đình Xô liên tục được giao làm Bí thư Chi đoàn trực tiếp nhận Chỉ thị từ Đảng bộ nhà lao do đồng chí Nguyễn Hữu Danh, Bí thư Chi bộ phụ trách.

Các đại biểu dự Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Liệt sỹ Nguyễn Đình Xô

Trong cuộc đấu tranh đòi nhà cầm quyền Sài Gòn chấp hành nghiêm Công ước Giơ-ne-vơ "về cách đối xử với tù binh", đồng chí Nguyễn Đình Xô luôn đi đầu bất chấp sự đàn áp đe dọa, sẵn sàng đối mặt với quân thù. Bản thân nhiều lần bị đánh đập nhưng luôn tỏ rõ ý chí hiên ngang, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, không hề run sợ trước đòn roi tra tấn của kẻ thù.

Đầu năm 1969, phái đoàn Hồng thập tự quốc tế ra Phú Quốc thị sát. Bọn giám thị và cai ngục vô cùng lo sợ, tìm mọi cách che giấu tội ác, cấm tù binh không được nói sự thật. Chúng tìm mọi cách hăm dọa nhằm bóp chết ý chí đấu tranh của những người tù cách mạng, nhưng Nguyễn Đình Xô đã cùng 11 đồng chí khác hiên ngang đứng lên vạch rõ tất cả những tội ác mà nhà tù Phú Quốc đã gây ra. Sự thật đó khiến cả nước Mỹ bàng hoàng, chính quyền Việt Nam Cộng hòa hết đường chối cãi. Sau đó, Nguyễn Đình Xô và các đồng chí của anh đã bị trả thù vô cùng dã man, hèn hạ.

Mặc dù phải căm chịu nhiều hình thức tra tấn kỳ lạ và khủng khiếp, nhưng Nguyễn Đình Xô và các đồng chí của anh không hề run sợ. Họ tiếp tục đấu tranh, thương yêu nhau như ruột thịt, giành lấy việc nặng, giành lấy sự hy sinh. Nhân cách ấy khiến quân thù lo sợ và căm tức. Sự dã man, hèn hạ của bọn cai ngục chẳng bao giờ có điểm dừng. Chúng đặt ra những tiêu lệnh vô cùng khắt khe, vô lý. Lẽ đương nhiên, những con người như anh Xô và các đồng chí của anh không bao giờ khuất phục.

Nguyên Chủ tich nước Trương Tấn Sang tặng quà Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh

Chúng dùng đinh cắm vào mười đầu ngón tay anh, gắn mỗi mũ đinh một cánh quạt, rồi bật quạt cho những chiếc đinh quay tít, rồi tiếp tục dùng loại đinh 8 phân đóng vào mắt cá chân... Anh vẫn cắn răng chịu đựng, lớn tiếng lên án những hành động dã man, hèn hạ. Không khuất phục được anh tên giám thị trưởng điên cuồng ra lệnh nhét anh vào bao tải, rồi múc từng gáo nước sôi từ từ dội từ chân lên đầu, một lần nữa hòng khuất phục anh. Máu chảy, bỏng nặng toàn thân, biết mình không thể qua khỏi.

Nguyễn Đình Xô đã vĩnh biệt anh em bạn tù, gia đình, quê hương, làng xóm vào ngày 12/4/1969. Sự hy sinh của anh đã tạo nên một cơn địa chấn làm lung lay kẻ địch cũng như tận gốc một chế độ bạo tàn, phi nhân tính và là ngọn lửa rực cháy trong sâu thẳm tâm hồn mỗi chiến sỹ, mỗi người Cộng sản. Chỉ sau ba ngày tổ chức Đảng đã công bố quyết định kết nạp Đảng và đặc cách chuyển Đảng chính thức cho anh. Tất cả trại giam long trọng tổ chức lễ truy điệu, phát động cuộc đấu tranh công khai phản đối hành vi man rợ của Bộ Chỉ huy nhà tù Phú Quốc. Cả trại dấy lên phong trào học tập tấm gương kiên cường, bất khuất của người Anh hùng Nguyễn Đình Xô.

Ngay sau khi đồng chí Nguyễn Đình Xô hy sinh, trong lòng bạn tù đã suy tôn phong tặng cho đồng chí Xô là Anh hùng. Đến năm 1999, Tỉnh ủy Bắc Ninh cho phép thành lập Hội cựu chiến sỹ tù đày Phú Quốc. Nhưng do khó khăn trong việc sưu tầm về quá trình công tác của đồng chí, hơn nữa đơn vị đồng chí Xô có sự thay đổi nên công việc phải tạm dừng. Đến tháng 12/2015, Thường trực Tỉnh ủy giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với Hội cựu chiến sỹ tù đày Phú Quốc và các cơ quan chức năng thiết lập hồ sơ. Ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Đình Xô.

Tại Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Nguyễn Đình Xô, tỉnh Bắc Ninh cũng đã tổ chức gặp mặt, biểu dương người có công tiêu biểu năm 2018, nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân người có công với cách mạng.

Nhân dịp này, nguyên Chủ tịch nước Trương Tân Sang, Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Thịnh đã trao quà cho 18 gia đình người có công tiêu biểu và Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy tỉnh Bắc Ninh; UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen cho 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”…

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)