Dự thảo Luật Viên chức chưa ổn

Sáng 26.10, QH làm việc tại hội trường, thảo luận dự thảo Luật Viên chức. Đây là dự án luật được thảo luận, góp ý và tiếp thu chỉnh lý từ nhiều kỳ họp trước và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên): Dự thảo luật chưa phân biệt rõ được khái niệm công chức và viên chức. Ảnh: KỲ ANH

Tuy nhiên, trong buổi thảo luận áp chóp ngày qua vẫn còn ngổn ngang ý kiến băn khoăn, tranh luận từ tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, bố cục đến những khái niệm chi tiết... Nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại nếu quyết thông qua, không khéo sẽ gây ra những trục trặc cả hệ thống...    

Chưa thấy viên chức khác gì công chức

Trong bản giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, UBTVQH đã giải thích dự luật chỉ điều chỉnh đối với viên chức trong sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, theo ĐB Bo Bo Thị Yến (Khánh Hoà) thì Luật Viên chức chỉ giới hạn phạm vi viên chức trong đơn vị công lập là không đầy đủ, tên luật cũng được xác định không chính xác. ĐB đề nghị nếu vẫn giữ phạm vi điều chỉnh như vậy thì phải đổi tên luật là Luật Viên chức công lập. Đồng tình với luồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau), ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cùng đề nghị nếu giữ phạm vi điều chỉnh như trên thì phải đổi tên thành Luật Viên chức sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, theo ĐB Vi Thị Hương (Điện Biên) thì khái niệm viên chức trong dự thảo luật cũng chưa phản ánh được những tiêu chí cơ bản để phân biệt với cán bộ, công chức; chưa phân biệt rõ chức danh nghề nghiệp giữa công chức và viên chức. ĐB đề nghị “dự thảo luật phải làm rõ khái niệm như thế nào là đơn vị sự nghiệp công lập, hiện có nhiều đơn vị không xác định được là cơ quan hành chính nhà nước hay đơn vị sự nghiệp”. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH ĐB Đinh Xuân Thảo cũng cho rằng, các tiêu chí về đơn vị sự nghiệp công lập chưa rõ ràng. Theo ĐB thì khó tách bạch công chức và viên chức, “có chăng chỉ khác là anh làm ở đơn vị nào”.

Tiền lương phải căn cứ vào chức danh nghề nghiệp

Về tuyển dụng viên chức, dự thảo luật quy định theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, theo ĐB Vi Thị Hương thì việc giao quá nhiều quyền cho một cá nhân cũng có thể dẫn đến sự độc đoán, lạm quyền hoặc thậm chí là cố ý làm trái. Theo ĐB Hương thì dự thảo nên quy định theo hướng người đứng đầu là người cuối cùng quyết định, nhưng phải thông qua một cơ chế khách quan để giúp đánh giá viên chức.

Theo ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) thì quy trình tuyển dụng viên chức như quy định trong dự thảo là chưa hợp lý. ĐB đề nghị ban soạn thảo chỉnh sửa quy trình tuyển dụng viên chức theo hướng việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phải được thực hiện trước rồi mới ký hợp đồng làm việc. Tiền lương phải căn cứ vào chức danh nghề nghiệp, còn vị trí việc làm sẽ được hưởng các khoản tiền thưởng, tiền đãi ngộ khác...

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi mà đội ngũ viên chức - đặc biệt là các nhà khoa học, các bác sĩ, giảng viên, giáo viên... những người có rất nhiều đóng góp cho đất nước và nhân dân - mà chuyển họ qua một chế độ dùng khái niệm ký hợp đồng làm việc để phân biệt giữa họ với công chức nhà nước thì e rằng sẽ làm họ sụt giảm ý chí và tâm huyết. Đặc biệt theo ĐB, nếu chuyển qua hình thức này thì theo Luật Bảo hiểm, tất cả họ đều phải đóng bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, việc thiếu thống nhất  người được tuyển dụng trước năm 2003 không phải chuyển qua chế độ làm việc theo hợp đồng sẽ dẫn đến thực trạng cùng cơ quan nhiều chế độ, nảy sinh phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tâm tư nguyện vọng của viên chức.

Với phạm vi điều chỉnh liên quan đến hơn 1,6 triệu viên chức, nhiều ĐB đề nghị ban soạn thảo, QH cân nhắc cẩn trọng trước khi thông qua luật này. “Dự thảo luật còn nhiều chỗ không ổn, thậm chí tôi lo lắng, không khéo sẽ gây ra trục trặc cả hệ thống” - ĐB Trần Du Lịch tâm tư.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Tạo điều kiện để người Việt Nam định cư nước ngoài làm viên chức. Vấn đề người Việt Nam định cư nước ngoài có được tuyển dụng vào làm ở các đơn vị công lập không cũng là vấn đề lớn, cũng tranh luận nhiều trong các quá trình soạn thảo cho đến TVQH và đến hôm nay cũng đang có ý kiến khác nhau. Nhiều ĐB mong muốn nhất quán chính sách của Nhà nước đối với người Việt Nam định cư nước ngoài. Bởi vì trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị cũng đã xác định đây là một bộ phận rất gắn bó với dân tộc Việt Nam, là một nguồn lực to lớn của đất nước chúng ta. Rất nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài (có quốc tịch Việt Nam) muốn gắn bó, muốn cống hiến, muốn phục vụ cho quê hương, đất nước. Vậy bây giờ chúng ta vẫn phải tạo điều kiện để  họ có thể làm việc được trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tất nhiên với những điều kiện, với những lĩnh vực, với những đơn vị nào đó thì sau này do Chính phủ quy định.

  • Theo Duy Thanh (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)