Nhìn
chung, các ý kiến của đại biểu (ĐB) Quốc hội đều cho rằng, dự thảo lần
này đã giải quyết được một số vướng mắc trước đây về thời hạn giao đất,
đặc biệt là quy định chi tiết về cơ chế thu hồi đất, bồi thường về đất
khi Nhà nước thu hồi đất... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, vấn
đề thu hồi đất, giá đất... cần phải tiếp tục điều chỉnh để Luật sát thực
tiễn hơn.
 |
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương phát biểu ý kiến.
Ảnh: Dương Giang – TTXVN
|
Có nên quy định thành một điều riêng về trường hợp Nhà nước thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội ?
Về
thu hồi đất, nhiều ĐB tán thành, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã
hội nhưng phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; làm rõ công
trình hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt là vì mục đích dự trữ quốc
gia thì Nhà nước thu hồi đất, nhưng nếu vì lợi ích của doanh nghiệp thì
phải thỏa thuận với người sử dụng đất. Nhiều ĐB cũng đề nghị, quy định
cụ thể các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích phục vụ
lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội gộp thành một
điều vì rất khó tách bạch giữa mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công
cộng với mục đích phát triển kinh tế - xã hội.
Về
vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, để thực
hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng
đất các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho mục đích phục vụ lợi ích
quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước chỉ thu hồi
đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn, quan
trọng của đất nước được quy định tại Điều 62.
Đối
với các công trình hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt được quy định
tại điểm C, khoản 1, Điều 62 là các công trình phục vụ cho lợi ích quốc
gia, lợi ích công cộng. Các dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy
hoạch sử dụng đất hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng,
cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư để thực hiện dự
án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được quy định tại Điều 73.
Nhất
trí với quan điểm của Quốc hội, tuy nhiên, ĐB Đàm Thị Mỹ Hương (tỉnh
Ninh Thuận) cho rằng: Về thu hồi đất, quy định theo dự thảo Luật là quá
chung chung, chưa giải quyết đúng đắn được mong muốn của người dân khi
có đất bị thu hồi. ĐB đề nghị cần quy định trong Luật tại điểm C, khoản
1, làm cho toát ý công trình nếu vì mục đích quốc gia thì có thể chấp
nhận theo quy định dự thảo Luật, nhưng nếu vì lợi ích của doanh nghiệp
xăng dầu đầu tư thì cần phải có sự thỏa thuận với người dân thỏa đáng
trước khi bị thu hồi.
Về
vấn đề này, ĐB Trần Hồng Hà (TP Hà Nội) đồng tình với quy định chỉ thu
hồi đất cho dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Tuy
nhiên, theo ĐB, với lợi ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà quy
định chung chung như tại điểm G, khoản 1 sẽ dẫn đến tùy tiện trong cơ
chế áp dụng.
ĐB
dẫn chứng, thực tế ở Hà Nội có khá nhiều dự án bị ách tắc do cơ chế đền
bù giải phóng mặt bằng và theo đó là giải quyết đơn thư khiếu nại vô
cùng phức tạp. Đã có dự án nhà thầu đòi phạt chủ đầu tư với hàng trăm tỉ
đồng do chậm bàn giao mặt bằng thi công. Bởi vậy, ĐB đề nghị quy định
thành một điều riêng về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất cho dự án
phát triển kinh tế - xã hội.
ĐB
cũng cho rằng, thu hồi đất và thu hồi quyền sử dụng đất là hai khái
niệm khác nhau, mỗi hình thức thu hồi sẽ có chính sách khác nhau phù hợp
với từng đối tượng. Bởi vậy, cần tách ra thành hai khoản riêng quy định
về thu hồi đất và thu hồi quyền sử dụng đất.
ĐB
lý giải, trong thực tế, có trường hợp đất bị tổ chức, cá nhân lấn chiếm
thì Nhà nước sẽ thu hồi đất chứ không phải thu hồi quyền sử dụng đất vì
đối tượng đó không có quyền sử dụng đất.
Theo
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), nếu Luật lần này vẫn giữ nguyên quy định
các trường hợp thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội
thì vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là điểm nghẽn chưa có lời giải.
Bởi vậy, ĐB đề nghị, Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm thu hồi đất phục
vụ mục đích kinh tế -xã hội. Đây là một khái niệm không rõ ràng, phải
phân loại chính xác các loại dự án phát triển kinh tế - xã hội và tách
các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi
các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong chính sách thu hồi đất lần
này.
ĐB
cũng cho rằng, chỉ những dự án do Nhà nước quyết định phê duyệt đầu
tư thì Nhà nước mới thu hồi đất. Với dự án mà cơ quan Nhà nước chỉ ra
thông báo hoặc chấp nhận đầu tư thì không thuộc trường hợp Nhà nước thu
hồi đất, phải trưng mua quyền sử dụng đất.
ĐB
cũng đề nghị, Cơ quan soạn thảo làm rõ căn cứ vào yếu tố nào để đưa các
dự án nằm trong mục đích phát triển kinh tế - xã hội tại Điều 62 vào
diện cần phải thu hồi đất.
Để
bảo đảm tính lãng phí, tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên đất, ĐB cũng
đề nghị, Luật cần bổ sung chế tài xử lý đối với vi phạm của các tổ chức,
cá nhân có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng
đất hàng năm và thẩm quyền thu hồi đất tràn lan dẫn đến hậu quả như thời
gian vừa qua là có rất nhiều khu công nghiệp lấy đất và đền bù với giá
rất rẻ cho dân.. “Đến nay, phần lớn diện tích đất của các khu công
nghiệp chưa có người sử dụng. Đất đai bỏ hoang, khiến mục tiêu tăng cho
ngân sách không thực hiện được mà ngân sách phải rót thêm tiền để nuôi
bộ máy khu công nghiệp. Trong khi đó, người dân thì mất đất không có đất
canh tác, một bộ phận không nhỏ rơi vào cảnh đói nghèo.”, ĐB nhấn mạnh.
ĐB
cũng đề nghị, Luật cần làm rõ thời điểm thu hồi đất diễn ra khi nào,
tránh tình trạng cứ quy hoạch là thông báo thu hồi rồi lại để treo, lãng
phí lớn đến nguồn tài nguyên đất.
Thành lập một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất
Về
giá đất, ĐB Trần Ngọc Vinh băn khoăn: Vấn đề về thẩm quyền của UBND
tỉnh còn quy định quá lớn về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lại vừa
có quyền quyết định giá đất... sẽ làm cho cho giá đất được quyết định
thiếu khách quan, minh bạch. Đây là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về
đất đai trong khi vai trò của thẩm quyền tổ chức có chức năng tư vấn
định giá đất được quy định rất mờ nhạt trong dự thảo Luật.
Vì
vậy, để đảm bảo tính minh bạch về định giá đất, đề nghị cần thiết phải
thành lập một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ
quan có thẩm quyền quản lý đất đai, tách bạch cho được thẩm quyền về
quyết định đất đai và thẩm quyền quyết định về giá đất, tránh tình trạng
một cơ quan “vừa đá bóng, vừa thổi còi” dẫn đến tình trạng lạm dụng
gây thiệt hại đến quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất.
Về
vấn đề này, ĐB Trần Hồng Hà cho rằng, việc xác định giá đất đã và đang
nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo cử tri. Tuy nhiên, việc quy định
nguyên tắc xác định giá đất là chưa rõ ràng, cụ thể. Thế nào là quy định
đối với giá đất phổ biến trên thị trường là một câu hỏi khó cho các cơ
quan nhà nước trong việc xác định giá đất tính bồi thường, cũng như đảm
bảo quyền lợi cho người có đất bị thu hồi đất. “Chính quyền dựa vào đâu
để nói với người dân là giá đất đã được tính đúng, tính đủ? Người dân
căn cứ vào đâu để thấy rằng quyền lợi của mình đã được đảm bảo? Bởi vậy,
dự thảo Luật cần thể hiện rõ vai trò của các tổ chức tư vấn định giá
đất, đồng thời cần có cơ quan theo dõi diễn biến thị trường và cần có
quy định về giá đất định kỳ để làm cơ sở tham chiếu trong xác định giá
đất".
Nhiều
ĐB cũng cho rằng, mặc dù Ban soạn thảo đã tiếp thu bổ sung, đề nghị quy
định thêm việc xác định giá đất phải tính đến phần lợi nhuận trong
tương lai khi sử dụng đất của người dân bị thu hồi, làm sao đó để tiền
bồi thường đất cho người dân phải đảm bảo cho người dân khi bị thu hồi
đất phải có cuộc sống bình thường, bằng hoặc tốt hơn so với trước đây.
Các
ĐB cũng nhấn mạnh, đây là vấn đề thuộc chủ trương của Đảng, Nhà nước đã
nêu ra từ lâu. Nhưng ít nơi làm đúng, làm tốt, làm cho người dân bị thu
hồi đất hài lòng với chính sách được đền bù. Vì vậy, các ĐB mong muốn
và đề nghị Ban soạn thảo, Quốc hội tính làm sao khi Nhà nước thu hồi đất
của người dân phải tính công bằng với giá thị trường, đồng thời cần
phải tính đến phần lợi nhuận hình thành trong tương lai cho người dân có
đất bị thu hồi để có điều kiện tái ổn định cuộc sống./.
• Theo CPV