 |
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
(Ảnh: Lê Sơn)
|
Hội nghị đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 báo cáo tình hình triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các Bộ, ngành địa phương trong toàn quốc đến thời gian này.
Theo
báo cáo, tính đến ngày 4/3 đã có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương và 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ gửi báo cáo về tình hình tổ chức lấy ý
kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Việc
lấy ý kiến nhân dân được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm
túc, công khai, dân chủ, bám sát Kết luận của Hội nghị Trung ương 2 và 6
khoá XI, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch
của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chính phủ...
Các
đối tượng lấy ý kiến rất phong phú, đa dạng, có chất lượng, phản ánh
được ý kiến chính đáng của nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương đôn đốc
việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, không để các đối tượng xấu lợi dụng
đợt sinh hoạt chính trị dân chủ này để chống phá, xuyên tạc đường lối
của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tuy
nhiên, qua kiểm tra quá trình triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân
cũng đã gặp phải một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc do việc tổ chứclấy ý
kiến được tiến hành trong thời gian gấp lại trùng vào thời gian nghỉ
Tết, mùa lễ hội trong khi đó các bộ, ngành lại tập trung cao cho triển
khai công tác năm 2013 do vậy, việc bố trí nhân lực gặp không ít khó
khăn. Đồng thời, cũng triển khai trùng thời điểm lấy ý kiến nhân dân cho
dự thảo Luật đất đai sửa đổi nên phần nào ảnh hưởng đến việc nghiên
cứu, lấy ý kiến nhân dân. Mặt khác, do trình độ dân trí không đồng đều,
những nơi vùng cao, vùng sâu điều kiện kinh tế khó khăn, công tác tuyên
truyền phổ biến còn hạn chế nên không thu hút được sự quan tâm đóng góp
của đồng bào. Nhiều bộ, ngành, địa phương phải tiến hành hướng dẫn, tập
hợp lại các ý kiến đóng góp của người dân do không có hướng dẫn sớm,
cũng như còn lúng túng trong triển khai, kinh phí chưa được cấp kịp
thời, nhất là các tỉnh thành phố khó khăn về ngân sách...
Phát
biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn cho biết: Đây
thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn đảng, dân, quân
trên địa bàn tỉnh. Đã có trên 2.000 ý kiến đóng góp về Dự thảo. Đa số
các ý kiến cho rằng: Hiến pháp thể chế quan điểm chủ trương của Đảng
trong cương lĩnh xây dựng đất nước; đảm bảo phát triển kinh tế theo cơ
chế thị trường có sự quản lý của nhà nước; về cơ bản phát huy quyền làm
chủ của nhân dân. Tuy nhiên, qua tập hợp nhiều ý kiến cho rằng, quyền
làm chủ nhân dân trong Dự thảo chưa được quy định rõ ràng; vai trò giám
sát, phản biện của Mặt trận tổ quốc chưa thể hiện rõ trong Hiến pháp;
cần bổ sung quyền ứng cử bầu cử.
Trong
triển khai, cũng gặp khó khăn do địa bàn rộng, dân trí còn thấp. Việc
góp ý chủ yếu tập trung vào khối cán bộ công nhân viên chức còn nhân dân
chủ yếu là tuyên truyền, quán triệt để nhận được sự đồng thuận.
Đại
diện tỉnh Đăk Lăk cũng phản ánh: Do địa bàn rộng, giao thông đi lại khó
khăn nên việc tổ chức lấy ý kiến không hề dễ dàng. Trong khi đó, nhiều
người dân chưa nhận thức rõ quyền nghĩa vụ của mình để đóng góp ý kiến
vào Dự thảo.
Một số địa phương đề nghị cần gia hạn thời gian lấy ý kiến để nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến cho Dự thảo.
Bộ
trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường lưu ý các địa phương cần tập trung thực
hiện lấy ý kiến vào các đối tượng ở vùng nông thôn, các chức sắc, tôn
giáo, đồng bào dân tộc thiểu sổ bởi hiện nay các Bộ, ngành, địa phương
chủ yếu lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở các đối
tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Bộ
trưởng Hà Hùng Cường cũng đề nghị các địa phương cố gắng đảm bảo thời
hạn hoàn thành báo cáo tổng hợp ý kiến vào ngày 15/3 để gửi đến Ban chỉ
đạo. Đối với việc tiếp tục thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân sau
ngày 31/3, Ban Chỉ đạo sẽ báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh kế hoạch để
các Bộ, ngành, địa phương có phương án thực hiện.
Kết
luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo của
Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đã biểu dương và đánh
giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước trong
công tác đóng góp ý kiến vào Dự thảo trên tinh thần đảm bảo dân chủ,
công khai, chất lượng và hiệu quả tốt.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong thời gian tới, để công tác lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Hiến pháp năm 1992 tiếp
tục được thực hiện hiệu quả, chất lượng, bảo đảm về tiến độ, các Bộ,
ngành, địa phương xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến cho Dự thảo cần đảm
bảo tính dân chủ, khách quan, trung thực theo hướng dẫn số
239/HD-UBNDTSĐHP của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đối với
những nội dung góp ý trái với đường lối của Đảng cần phải phản bác lại
trên cơ sở lý luận khoa học.
Phó
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: Việc lấy ý kiến đóng góp cần có sự
tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý để bản Hiến
pháp có tính sâu sắc và chất lượng. Các Bộ, ngành, địa phương duy trì
tiếp nhận ý kiến nhân dân để góp phần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp cho đến khi được thông qua vào cuối năm 2013.
Về
công tác tuyên truyền cho đợt lấy ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng đề
nghị các cấp uỷ chỉ đạo các phương tiện truyền thông tuyên truyền đúng
định hướng, đảm bảo tự do, dân chủ, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà
nước về việc sửa đổi Hiến pháp. Các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh
công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp năm 1992./.
• Theo CPV