Múa cổ: Nên phát triển hay chỉ nên phục hồi?

Hội thảo khoa học “Phục hồi phát huy múa cổ Thăng Long – Hà Nội” giai đoạn 2 diễn ra ngày 15.12 vừa qua đã đặt ra các vấn đề khó khăn trong công tác phục hồi, giữ gìn và phát huy những điệu múa cổ của đất Kinh kỳ.

Hội thảo nằm trong dự án "Phục hồi và phát triển múa cổ Thăng Long - Hà Nội" do Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đảm nhận. Dự án này bắt đầu được  thực hiện từ năm 2005 đến năm 2010 (được chia làm 2 giai đoạn) và là một trong những dự án quan trọng không chỉ phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà sẽ là tài sản cho thế hệ mai sau.

Giai đoạn 1: Thành công bước đầu

Theo sử sách, văn bia hay trong các câu chuyện còn lưu truyền tại các làng xã, đất Thăng Long có khá nhiều điệu múa. Điều đó cũng dễ hiểu vì Thăng Long - Kẻ Chợ là đất tụ hội trăm vùng và khi về Thăng Long, người dân những vùng đó đều mang theo các tập tục, văn hóa, cộng thêm văn hóa bản địa đã làm dày thêm văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Các điệu múa cổ này không chỉ bắt nguồn từ lao động sản xuất mà còn có xuất xứ từ tôn giáo hay các tích trong dân gian, tạo ra sự phong phú cho múa cổ Hà Nội. Song do nhiều nguyên nhân, rất nhiều điệu múa đã rơi rụng, thậm chí thất truyền.

Dự án "Phục hồi và phát triển múa cổ Thăng Long - Hà Nội" đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang bước sang giai đoạn 2.

Ở giai đoạn 1, sau 4 năm vất vả, các nghệ sĩ múa Hà Nội đã khai thác được 28 điệu múa cổ có giá trị như: "Múa hội trống cổ" (xã Phú Mỹ, Phú Xuyên), "Múa Tứ linh" (làng Lỗ Khê, Đông Anh), "Múa vật" và "Múa chạy cờ" (làng Triều Khúc, Thanh Trì), "Múa Thị Hồ Huỳnh Cân" (chùa Đống Lim, Long Biên)…


Một điệu múa cổ

Ngoài ra, trong giai đoạn này cũng đã diễn ra 4 cuộc liên hoan tổ chức vào dịp Tết các năm tại sân khấu vườn hoa Lý Thái Tổ và chương trình "Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa" vào dịp Đại lễ.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện giai đoạn 1, các nghệ sỹ múa đã tìm lại được gần 300 nghệ nhân múa cổ. Để có được kết quả này,  các nghệ sỹ múa phải chia nhau đi tìm theo các địa chỉ trong sử sách, theo lời kể và các văn bia.

Việc tìm lại các nghệ nhân không hề đơn giản bởi theo thời gian, làng xã xưa và nay đôi khi không trùng khớp hoặc sai lệch. Quan trọng hơn là đình, đền hay chùa là những nơi lưu giữ văn bản một thời bị bỏ bễ hoặc bị phá do quan niệm chưa đúng. Mặt khác, các điệu múa cổ cũng bị cho là tàn dư của chế độ phong kiến nên rất nhiều làng xã không duy trì, nay đã mai một, thất truyền. Rồi các nghệ nhân tuổi ngày càng cao hơn...

Với những thành công bước đầu ở giai đoạn 1, dự án này đã cho thấy tâm huyết của những nghệ sỹ múa khi muốn phục dựng và lưu giữ những di sản quý cho các thế hệ sau.

Mục tiêu của giai đoạn 2 là phát huy múa cổ

Ở giai đoạn 2, trước đó dự án đã xác định mục tiêu của giai đoạn này là phát huy múa cổ; quay phim, ghi hình tư liệu; biên soạn tập Từ điển múa cổ và tiến tới lập hồ sơ chi tiết cho múa cổ Thăng Long - Hà Nội thành công trình nghiên cứu khoa học.

Trong buổi hội thảo diễn ra ngày 15.12, các nhà nghiên cứu đều khẳng định, trong những năm qua, việc sân khấu hóa, đạo diễn hóa, nghệ sĩ hóa các điệu múa cổ có thể tạo được ấn tượng nhất định đối với công chúng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những ấn tượng về hình thức chứ không phải là toàn bộ diện mạo nghệ thuật của múa cổ Hà Nội.


Bảo tồn nguyên trạng các điệu múa cổ là thách thức không nhỏ

Đồng thời, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh về thái độ ứng xử với nghệ thuật cổ và phải tạo dựng môi trường thuận lợi cho múa cổ phát huy. Tuy nhiên, vấn để bảo tồn vẫn luôn là một bài toán khó.

Đặc biệt, để bảo tồn một cách nguyên trạng là cả một sự thách thức lớn đối với những người làm nghề hiện nay. Bởi hầu hết các điệu múa còn lại đến ngày nay thông qua phương thức truyền khẩu trong dân gian nên đã bị “tam sao thất bản” và biến tấu đi rất nhiều.

Hơn nữa, một vấn đề khác được đặt ra đối với công tác bảo tồn múa cổ là: Các điệu múa cổ vốn được biểu diễn ở đình chùa với sân khấu 4 mặt trong không gian làng xã, khi đưa lên sân khấu có làm mất đi hồn cốt của nó? Đấy là còn chưa kể sự tác động cá nhân của các biên đạo múa trong quá trình dựng lại các điệu múa cổ.


Múa cổ có trở thành di sản hay không là việc của các nhà quản lý văn hóa

Về vấn đề  này, NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cho rằng: múa cổ cần được đặt trong phạm trù vận động, bởi nó được lưu giữ qua sự truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Còn theo bà Lê Thị Hồng Thắng (Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội), phát triển múa cổ phải theo quy luật tự thân, không tách múa cổ ra khỏi môi trường sinh ra nó là không gian văn hóa, lễ hội làng quê.

Cũng có ý kiến cho rằng cho rằng không nên phát triển múa cổ mà chỉ nên phục hồi và phát huy giá trị của nó... Việc ứng xử ra sao với các điệu múa cổ không chỉ dừng lại ở việc tìm và phục hồi mà còn cần nghĩ đến vấn đề phát huy các điệu múa cổ như thế  nào để vừa bảo tồn được nguyên gốc đồng thời giữ lại làm tài sản vô giá cho những thế hệ mai sau.

Trong cuộc hội thảo ngày 15.12, trả lời vấn đề này ông Nguyễn Văn Bích - chủ tịch hội - nói: "Chúng tôi sẽ hoàn chỉnh các điệu múa cổ và đề tài múa cổ sẽ được hoàn thiện như một công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Việc múa cổ có trở thành di sản hay không thì đó là việc của các nhà quản lý văn hóa có cho rằng nó quan trọng và mang tầm cỡ di sản hay không".

  • Theo Chi Anh (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)