Theo đó, cán bộ,
công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong các cơ
quan hành chính sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, các doanh nghiệp, cơ
sở kinh tế sẽ được nghỉ ngày thứ hai, 29-4-2013 và đi làm bù vào thứ
bảy, ngày 4-5-2013. Điều này cho thấy, mùa du lịch năm nay có thể “nóng”
ngay từ đầu hè.
Đua nhau mở hội
Tuần lễ Du lịch Hạ Long với tâm điểm là Lễ hội Carnaval diễn ra
vào mỗi dịp nghỉ lễ 30-4 đã trở thành thương hiệu và cũng là chương
trình "đinh", khởi đầu mùa du lịch của vùng đất mỏ Quảng Ninh. Để lễ hội
đường phố này ngày càng thu hút du khách, ngay từ trung tuần tháng 3,
đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Ninh đã họp
bàn cụ thể và kỹ lưỡng về công tác tổ chức. Theo đó, quy mô của
Carnaval Hạ Long 2013 có chủ đề "Sắc màu Quảng Ninh - Hội tụ và lan tỏa"
vẫn sẽ diễn ra hoành tráng dựa trên nguồn lực xã hội hóa. Tuy nhiên,
khác với những lần trước, năm nay, lễ hội này sẽ được "nội" hóa hoàn
toàn, chú trọng khai thác, tôn vinh tối đa bản sắc, giá trị văn hóa
truyền thống dân tộc. Từ lựa chọn tổng đạo diễn, tác giả kịch bản đến
90% số lượng diễn viên tham gia Carnaval đều là "cây nhà lá vườn".
 |
Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5. Ảnh: TTXVN |
Cũng diễn ra vào đúng dịp nghỉ lễ 30-4, cuộc thi trình diễn pháo hoa
quốc tế Đà Nẵng - DIFC 2013 đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong
hoạt động du lịch của thành phố. Bên cạnh những sản phẩm đặc sắc mới đưa
vào khai thác như cầu Rồng phun lửa, tuyến cáp treo đạt 4 kỷ lục thế
giới... trong khuôn khổ cuộc thi được đông đảo người dân và du khách
mong đợi này còn có thêm nhiều hoạt động phụ trợ mới lạ. Có thể kể đến
ngày hội văn hóa ẩm thực quốc tế, ngày hội đọc sách, biểu diễn nghệ
thuật và các tour du lịch mới như tham quan Đà Nẵng bằng trực thăng,
hành trình về Linh Ứng tự, bắn súng sơn tại khu du lịch Trường Mai... Vì
thế, thị trường du lịch của thành phố bên sông Hàn đang "nóng" dần lên.
Những ngày này, Cửa Lò cũng đang tích cực chỉnh trang đô thị, hoàn tất
những công việc cuối cùng để chuẩn bị ra mắt chương trình khai hội mùa
du lịch 2013 diễn ra thường niên vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền
Nam thống nhất đất nước với quy mô lớn. Trong đêm khai mạc, người dân và
du khách thập phương sẽ được đón xem chương trình văn hóa, văn nghệ đặc
sắc ca ngợi đất nước, quê hương, ca ngợi con người, vùng quê xứ Nghệ.
Trong năm 2013, Cửa Lò phấn đấu mục tiêu đón 2,1 triệu lượt khách với
doanh thu dịch vụ du lịch gần 1.400 tỷ đồng.
Chính quyền địa phương vào cuộc
Trùng vào dịp nghỉ lễ 30-4 hằng năm, trên khắp ba miền Bắc - Trung - Nam
diễn ra vô số lễ hội mở màn mùa du lịch hè, trong đó tập trung nhiều
nhất ở những địa phương có tiềm năng du lịch biển. Có một thực tế từ
nhiều năm nay, các địa phương làm du lịch kiểu thời vụ, chưa đi sâu vào
chất lượng nên "mở" thì rùm beng, ầm ĩ nhưng "đóng" lại bằng sự phiền
lòng của du khách. Không ít lễ hội rơi vào cảnh "khách một chủ nhà mười"
dù có địa phương bội thu nhờ việc tổ chức lễ hội. Thế nhưng, do chưa
tính toán kỹ phương án thu hút khách bền vững và lâu dài nên song hành
với những hoạt động bề nổi kia là tình trạng quá tải, cảnh du khách bị
đeo bám, "chặt chém"… Thực trạng này làm phương hại lớn đến hình ảnh và
uy tín của du lịch nước ta.
Như Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá, dù có tổ
chức bao nhiêu lễ hội, sự kiện đặc sắc, sử dụng bao nhiêu hình thức
quảng bá, các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch…
nhưng nếu không dẹp được nạn đeo bám và "chặt chém" thì du khách vẫn
ngoảnh mặt, "quay lưng". "Ngành du lịch chỉ là người đưa khách đến, tiếp
khách, còn những gì đang diễn ra hằng ngày lại tùy thuộc vào từng
phường, xã, địa phương cụ thể. Có thời điểm tập trung làm quyết liệt thì
ngăn chặn được phần nào vấn nạn này nhưng chỉ cần buông lỏng một chút
là lại đâu vào đấy, nên cần phải có những giải pháp đồng bộ trên quy mô
cả nước", ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Nhận thức được điều này, chính quyền một số địa phương đã và đang tích
cực vào cuộc. Đơn cử như ở Cửa Lò, bên cạnh việc đầu tư thêm hệ thống
nhà vệ sinh công cộng, quy hoạch lại các điểm dịch vụ ăn sáng, bán đồ
lưu niệm và một số dịch vụ khác, thị xã du lịch biển này đã tổ chức các
lớp tập huấn tập trung vào 3 chương trình quan trọng là nâng cao kỹ năng
phục vụ du khách, trình độ ngoại ngữ và tăng cường công tác quản lý nhà
nước về du lịch cho đội ngũ cán bộ địa phương. Còn Ban tổ chức DIFC
2013 cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn kê khai giá
phòng theo hai mức ngày thường và lễ hội, không được tăng quá 50% so với
giá công bố. Chi tiết về giá phòng khách sạn đã được công bố rộng rãi
trên các trang thông tin điện tử của thành phố. Từ nay đến sau khi kết
thúc cuộc thi pháo hoa quốc tế, đội kiểm tra liên ngành thành phố liên
tục kiểm tra, rà soát việc công khai niêm yết giá của các cơ sở lưu trú.
Mọi phản ánh của du khách sẽ được ghi nhận qua đường dây nóng và xử lý
tức thì. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng tăng cường lực lượng an ninh trước,
trong và sau thời điểm diễn ra Carnaval Hạ Long để du khách đến đây đều
cảm thấy thoải mái và hài lòng.
Xem ra chính quyền địa phương cũng đang rốt ráo lo cho một mùa du lịch
mới an toàn trong mắt du khách. Thế nhưng, hiệu quả đến đâu thì còn phải
chờ !./.
• Theo Hanoimoi