Các tỉnh ven biển Bắc Bộ khẩn trương phòng tránh bão

Các tỉnh ven biển Bắc Bộ đã cấm biển, kêu gọi tàu thuyền, người dân tại các chòi canh, nuôi trồng thủy sản vào khu vực an toàn; khẩn cấp sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm vào nơi tránh bão an toàn.

Trao đổi với PV Báo điện tử Chính phủ khi đang thị sát công tác chống bão tại đê biển Giao Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Tỉnh đã thực hiện lệnh cấm biển. Toàn bộ 2.089 bộ tàu thuyền của tỉnh đã về nơi neo đậu an toàn.

Nam Định: Tập trung di dời dân đến nơi an toàn

Về công tác đi dân, ông Tuấn cho biết: Hiện các huyện ven biển của tỉnh (Giao Thủy; Hải Hậu; Nghĩa Hưng) đang tập trung di dân, gồm: Di chuyển khoảng 2.000 lao động tại hơn 700 chòi canh, nuôi trồng thủy sản; di dân tại chỗ 47.000 hộ, tương đương khoảng 208.000 người; di chuyển khoảng 3.000 hộ (khoảng 10.000 người) từ ngoài đê, bãi vào khu vực an toàn.

Tỉnh nghiêm cấm để người ở lại trên tàu thuyền và các chòi canh ven biển. Ngoài ra, tỉnh yêu cầu lực lượng công an phối hợp bảo đảm trật tự, an toàn để người dân yên tâm đi sơ tán. Công tác di dân sẽ hoàn thành trước 5 giờ chiều nay, ông Tuấn khẳng định.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo Công ty thủy lợi tập trung tiêu rút nước đệm để phòng úng cho hơn 20.000 ha lúa và rau màu vụ đông. Khuyến khích người dân nhanh chóng thu hoạch tôm, cá, ngao, sò với phương châm “non nhà hơn già đồng”.

Ông Tuấn cho biết thêm: Hiện các địa phương đang tập trung kiểm tra, rà soát các công trình đê sông, đê kè biển, phát hiện và xử lý ngay các sự cố đê điều. Trước bão, Nam Định có 16 hạng mục công trình đê điều bị hư hỏng, đến nay đã tu sửa hoàn thiện xong một số khu vực như: Đê bối Ngọc Lâm, kè Nghĩa Thắng, kè Nghĩa Phúc (huyện Nghĩa Hưng), kè Cồn Tròn, mái kè Táo Khoai, dốc Gót Tràng, Hải Thịnh 3, kè cống Cai Đề… (huyện Hải Hậu). Hiện, Nam Định tập trung khẩn trương tu sửa hư hỏng tại kè bãi tắm Quất Lâm (huyện Giao Thủy) và kè bãi tắm Thịnh Long (huyện Hải Hậu).

Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đang triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn cho các khu vực trọng điểm chống lụt bão xung yếu. Tiến hành dự trữ đá hộc, đá dăm, vải chống trà, vải lọc, bao nilon, rọ thép, phương tiện, nhân lực, máy móc thiết bị hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ".

Tỉnh cũng giao lực lượng bộ đội, công an, phối hợp với các địa phương, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, ứng trực 24/24h sẵn sàng ứng cứu ngay khi cần thiết. Đối với các địa phương, tỉnh giao chủ động cho học sinh nghỉ, hoãn các cuộc họp không cần thiết, tập trung chỉ đạo chống bão.

Thái Bình: Khẩn cấp chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”

Hiện tại, Ban Chỉ đạo PCLB tỉnh Thái Bình đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp để phòng, chống trước khi bão đổ bộ vào đất liền theo phương châm “4 tại chỗ”.

Mọi công tác di chuyển toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn sẽ được hoàn thành trước 17 giờ ngày 10/11.

Với hoạt động của tàu thuyền trên địa bàn tỉnh, ngay từ trưa 9/11, tỉnh Thái Bình đã có lệnh cấm biển đối với toàn bộ hơn 1.200 tàu thuyền với 3.461 lao động.

Tỉnh Thái Bình cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động trên 2.000 lao động tại các chòi canh, hơn 1.800 lao động ngoài biển di dời vào trong đê chính để bảo đảm an toàn. Không để bất cứ người dân nào ở ngoài đê chính khi bão đổ bộ vào.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cũng đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm bảo vệ sản xuất, nhất là bảo vệ cây vụ Đông. Công ty khai thác Thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình đã chủ động bơm tiêu nước và tranh thủ mở cống để hạ mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống.

Hải Phòng: Ngừng vận tải thủy

Đến trưa nay, Hải Phòng đã sơ tán hàng nghìn người dân, thông báo hỗ trợ các phương tiện đánh bắt trên sông, biển về nơi tránh bão an toàn và hoàn thành công tác chuẩn bị để đối phó với bão Haiyan.

Hiện tại, Hải Phòng không còn phương tiện hoạt động xa bờ trên biển. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các địa phương đã thông tin cho hơn 4.100 phương tiện với hơn 12.000 lao động chủ động về nơi trú tránh. Việc di chuyển và neo đậu tàu thuyền, lồng bè hoàn thành trước 15 giờ.

Thành phố cũng quyết liệt, khẩn trương thực hiện bằng mọi biện pháp thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi trú tránh an toàn, không để người ở lại các phương tiện, chòi canh thủy sản trong ngày hôm nay.

Bên cạnh đó, Hải Phòng đình chỉ các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, phà đò, hoạt động vui chơi giải trí biển từ 15 giờ; tổ chức sơ tán người già, trẻ em ở các khu vực trũng thấp xung yếu, trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản hoàn thành trước 17 giờ; hoành triệt cửa khẩu qua đê, cống xung yếu dưới đê trước 15 giờ. Thành phố tạm dừng các cuộc họp trong ngày mai (11/11) để tập trung chỉ đạo, tổ chức phòng chống bão…/.

Theo Chinhphu

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)