Miền Trung từ góc nhìn của các chuyên gia kinh tế

Theo các chuyên gia, miền Trung cần cải thiện kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, phát huy các nhân tố tác động mang tính đột phá

Vùng Duyên hải miền Trung được ví như “mặt tiền” hướng ra biển Đông với chiều dài hơn 1.400 km bờ biển, là nơi có nhiều cảng biển, sân bay, nằm ở vị trí thuận lợi trong giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế...

Thế nhưng, các tỉnh duyên hải miền Trung phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có.

Vùng Duyên hải miền Trung gồm 9 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận.

Năm 2012, tổng sản phẩm nội địa của vùng hơn 87.000 tỷ đồng, bình quân đầu người tăng 23% mỗi năm. Tuy nhiên, Kinh tế Duyên hải miền Trung lại chậm phát triển so với hai đầu đất nước. Dễ nhận thấy do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, lao động nông thôn chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn... đặc biệt là tư duy phát triển dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút đầu tư. Thực tế cũng đã xuất hiện xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích vùng.

Theo tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, hiện nay, cái gọi là ”cấu trúc quyền lực”  hay ”động cơ lợi ích” nằm ở chính quyền cấp tỉnh, thành phố, do đó, cần có một cơ quan tư vấn phát triển vùng Duyên hải miền Trung và cả sự đồng thuận giữa các tỉnh, thành phố để vùng hướng đến lợi ích chung: ”Cơ bản nhất là cần phải có quy hoạch phát triển chung của vùng. Đó là quy hoạch tổng thể, đồng thời là quy hoạch cho từng lĩnh vực, đó là quy hoạch vùng của quốc gia. Điều này đảm bảo là không thể phá vỡ quy hoạch. Thứ 2 tức là phải có một thể chế vùng, mà không có cái đó là không giám sát thực thi được, không có cơ quan đề xuất, không có cái gì để bảo đảm có cái nguồn lực để thực hiện”.

Về mặt thể chế, các chính sách ưu đãi được các địa phương áp dụng lâu nay chưa đồng bộ và thiếu sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Chẳng hạn, chính sách đối với khu kinh tế mở, khu kinh tế và khu công nghiệp đều như nhau, nên không phát huy lợi thế của từng vùng. Chính vì vậy, trong số 6 khu kinh tế, 54 khu công nghiệp trên địa bàn Duyên hải miền Trung, diện tích thuê đất mới chỉ đạt khoảng 40%. Đó là chưa kể diện tích đất doanh nghiệp thuê nhưng không triển khai xây dựng.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, để quá trình hoàn thiện thể chế tác động tích cực đến môi trường đầu tư, các địa phương vùng Duyên hải miền Trung cần bổ sung chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng: ”Các tỉnh có nhiều nỗ lực nhưng ở đây có 2 vấn đề về cải thiện môi trường đầu tư và chính sách chung, thứ 2 nữa là có sự liên kết để tránh dàn trải. Lâu nay chúng ta có quá nhiều tham vọng, đưa ra quá nhiều dự án, dàn trải đầu tư thành ra đấy là cái điểm mà liên kết vùng phải xử lý cho được để trong cái hữu hạn về nguồn vốn chúng ta có thể phát huy được cái chung của vùng mà có lợi cho từng địa phương”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thu hút đầu tư tạo động lực cho sự phát triển, các địa phương vùng Duyên hải miền Trung cần cải thiện kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính và phát huy các nhân tố tác động mang tính đột phá như: đất đai, nguồn nhân lực; Mở rộng liên kết tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chứ không giới hạn trong cụm ngành, địa phương.

Muốn như vậy, trước hết cần có sự tiếp cận phát triển theo quy mô vùng, đầu tư có trọng điểm, hình thành các cụm liên kết sản xuất để trở thành địa bàn đầu tư tiềm năng của cả nước./.

Theo VOV

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)