Đến dự có ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Bắc Son,
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo giải báo chí toàn quốc.
Đây là một trong những hoạt động chính kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, do
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Ủy ban Nhân dân thành phố
Hà Nội và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức.
Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là một trong những hoạt
động trọng tâm của báo giới cả nước chào mừng Đại lễ. Sau hơn 1 năm phát động,
đã có hơn 700 tác phẩm dự thi ở tất cả các loại hình báo chí; thể hiện những góc
nhìn phong phú, sinh động về Thủ đô; là những suy ngẫm, chiêm nghiệm về mảnh đất
1 thiên niên kỷ qua gánh vác trọng trách thiêng liêng: trung tâm chính trị ,
kinh tế, văn hóa, xã hội trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
 |
Nhóm tác giả đoạt giải A
|
Không chỉ truyền tải đến bạn đọc
những bài viết khai thác vẻ đẹp vốn có của Thăng Long – Hà Nội, nhiều nhà báo
còn mạnh dạn nêu lên những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, những thách
thức mà đô thị 6 triệu dân đang phải đối mặt trong quá trình phát triển, qua đó
tham vấn cho cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố những biện pháp giải
quyết.
Từ 700 tác phẩm được tuyển chọn, qua sơ tuyển đã có 121 tác phẩm báo chí thuộc 5
loại giải đã lọt vào chung khảo. Tại vòng chung khảo, Hội đồng đã quyết định
trao giải thưởng cho 6 giải A, 20 giải B, 33 giải C và 33 giải khuyến khích.

|
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc nhận
hai giải C và B
|
Đây là các tác phẩm báo chí xuất
sắc, nêu bật lịch sử hình thành, phát triển truyền thống Thăng Long-Hà Nội ngàn
năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình, phản ánh những thành tựu
trong quá trình phát triển và bảo vệ Thăng Long-Hà Nội.
Trong số các tác phẩm giành giải A, phải kể đến loạt bài viết "Phố cổ Hà Nội,
ứng xử như thế nào cho phải" của nhóm tác giả Hải Giang - Thu Hiền báo Hà Nội
mới. Trong đó, nhóm tác giả không chỉ phát hiện và nêu bật những vấn đề không
thể giải quyết để bảo tồn phố cổ- một trong những di sản quý của Thủ đô, các tác
giả đã đề xuất một số giải pháp thiết thực.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Đảng, Nhà nước, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính
trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá cao ý
nghĩa quan trọng của cuộc thi và biểu dương sự hưởng ứng nhiệt tình, có hiệu quả
của các nhà báo. Và đây là hoạt động của Đại lễ thiêng liêng, đáp ứng tình cảm
nguyện vọng của những người làm báo trong cả nước đối với Thăng Long - Hà Nội.
Giá trị văn hóa, văn hiến và lịch sử thấm đẫm trong đất và người Thăng Long cùng
những thành tựu to lớn, toàn diện của Thủ đô trong những năm đổi mới là nguồn
cảm hứng vô tận đối với những người cầm bút.
- Theo Trọng Hiếu (VnMedia)