Ngày
26/4 tới, khán giả Thủ đô sẽ được xem một phần cuốn nhật ký bằng tranh
ấy qua triển lãm "Còn lại với thời gian" do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ
chức nhân Kỷ niệm 55 năm đường Trường Sơn (5/1959 - 5/2014), 38 năm
chiến thắng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2013).
Vẽ giữa trận địa khét mùi thuốc súng
Chàng
thanh niên Nguyễn Đức Dụ vào chiến trường năm 1965 trong đoàn quân lính
công binh mở đường Trường Sơn. Đam mê vẽ từ nhỏ nên lúc nào ông cũng
mang theo giấy, bút chì "chép" lại những điều quan sát được. Năm 1968,
"họa sĩ lính" được điều chuyển về Cục Chính trị làm nhiệm vụ chuyên đi
vẽ ở các binh trạm, khu vận tải, các tuyến đường để phục vụ công tác
tuyên truyền. Ông còn nhớ: "Có lần, đến trận địa của ta ở Điểm cao 416
đúng lúc trận đánh đang diễn ra ác liệt, tôi chuẩn bị xông lên chiến đấu
thì một chiến sĩ hét lên: "Thôi! Không cần đồng chí đánh nhau! Hãy vẽ
đi! Lúc này không vẽ bọn tôi thì còn lúc nào?". Thế là giữa trận địa
khét lẹt mùi thuốc súng, tôi miệt mài vẽ. Thiếu đủ thứ, tôi phải lấy đất
trắng làm bột màu.

Ký họa Trạm 15 giao liên Trường Sơn
Năm
1990, tuy đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn nặng lòng với ký ức, với Trường
Sơn một thời hoa lửa, ông lại tiếp tục đi và vẽ một cách không mệt mỏi.
"Đặt cọ xuống, họ hiện ra thật rõ nét, mạnh mẽ, sống động và tôi cứ thế
vẽ, nguồn cảm hứng dường như vô tận và không bao giờ tắt. Tôi vẽ để được
nhớ về họ, được chuyện trò với họ" - họa sĩ tâm sự.
Tri ân đồng đội đã ngã xuống
Trải
qua bao mưa bom, bão đạn nên nhiều bức vẽ của họa sĩ Đức Dụ đã rách
mép, có bức hoen ố, thậm chí dính cả vết máu. Bởi thế, dù có trong tay
gia tài tranh đồ sộ, nhiều người hỏi mua với giá cao, nhưng ông kiên
quyết không bán vì coi chúng như đồng đội của mình. 120 tác phẩm về
Trường Sơn ông đem trưng bày lần này là những bức ông tâm đắc nhất với
mong muốn tri ân những đồng đội đã ngã xuống. Những bức "Bắn máy bay",
"Bốc hàng trong chiến dịch", "Trọng điểm Tha Mé mùa khô năm 1968", "Tổ
trực chiến trên cao điểm Suối Trăng"… tái hiện chân thực cảnh khói lửa
Trường Sơn, những chiến công và sự hy sinh anh dũng của bộ đội Cụ Hồ năm
xưa. Đặc biệt trong số đó có nhiều tác phẩm công bố lần đầu như "Tiểu
đoàn nữ mang tên Trưng Trắc" thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây nay là
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Đây
là lần thứ 14, những ghi chép bằng tranh về Trường Sơn của họa sĩ Đức
Dụ được trưng bày. 13 lần triển lãm trước đều thu hút đông đảo người yêu
tranh trong và ngoài nước, nhất là các cựu chiến binh. Đặc biệt, có một
bà mẹ đứng trước bức "Trạm 15 Giao liên Trường Sơn" vừa khóc, vừa nói:
"Con trai tôi đang ở trong này, nó tiến về miền Nam và ở luôn trong đó
không bao giờ về với tôi nữa".
Họa
sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, rất chân tình và
xúc động bày tỏ: "Bút pháp chân thực, những mảng màu uyển chuyển, trong
sáng mà đầy chất lãng mạn. Với hòa sắc lúc đậm lúc chát chúa như có âm
thanh của bom đạn, sắt thép và bụi đường, họa sĩ Đức Dụ đã cho ra đời
những tuyệt phẩm về tuyến đường lịch sử - đường Hồ Chí Minh".
• Theo KTDT