Những "khoảnh khắc Vàng" của nhiếp ảnh Dương Thanh Xuân

“Khoảnh khắc vàng Báo chí" - giải ảnh báo chí thường niên uy tín mang tầm quốc gia và là sân chơi hấp dẫn đối với những người cầm máy. Năm nay, sau 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, BGK đã chọn ra 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích (thể loại ảnh đơn) và 2 tác phẩm đồng giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 1 giải khuyến khích (nhóm ảnh).

Nhóm ảnh "Cứu dân trong bão" của tác giả Dương Thanh Xuân

Trong số các tác phẩm đoạt giải, đặc biệt phải kể đến “Cứu dân trong bão” – giải nhất nhóm ảnh KKV của tác giả Dương Thanh Xuân. Từng bức ảnh trong nhóm ảnh là khoảnh khác gay cấn của cuộc chiến vật lộn với thiên tai để cứu dân của các chiến sĩ bộ đội. Anh đã chia sẻ với HNMO về những "khoảnh khắc vàng" này.

Anh có thể miêu tả cụ thể về hoàn cảnh anh thực hiện bộ ảnh “Cứu dân trong bão lũ” này ?

Cơn bão số 11đổ bộ vào Miền Trung vào cuối năm 2009 và kéo theo cơn lũ lịch sử ở Phú Yên vào đêm ngày 2/11, sáng sớm mùng 3 thì nước lũ vẫn còn và nhiều người bị mắc kẹt trong các ngôi nhà không ra được. Tôi đi theo một đơn vị bộ đội trên 1 chiếc ca-nô để vào vùng 2, thôn Định Trung (xã An Định, Tuy An) đưa dân ra ngoài. Khi đến thì rất nhiều người bị kẹt trong các ngôi nhà, nước ngập quá nửa nhà, họ bị kẹt bên trong không thể ra khỏi cửa được, phải đục mái ngói để trèo lên nóc nhà kêu cứu. Bộ đội phải dùng mái chèo để cậy ngói đưa họ ra. Đặc biệt là trẻ em và người già, ngâm nước suốt đêm nên bị lạnh, khi đưa ra họ rét run lẩy bẩy.

Khó khăn lớn nhất khi anh thực hiện bộ ảnh này là gì?

Cái khó nhất đó là đây là lần đầu tiên tôi tác nghiệp trong một hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy. Đi theo bộ đội, người ta ướt hết thì mình cũng ướt hết, kể cả máy móc. Đến bây giờ cái máy này của tôi vẫn còn xài được phải nói là cực bền. Nhưng mà cái đáng sợ nhất là nước nó chảy rất mạnh, cái ca-nô nó mỏng manh lắm. Nhìn trong ảnh thì có thể thấy các điểm tựa nhưng thực tế, ra giữa dòng thì nước chảy xiết lắm. Rất đáng sợ, nó có thể làm chìm ca-nô bất cứ lúc nào. Nhưng mà đã là cái nghề, cái nhiệm vụ thì phải cố hết sức để làm.

Bên cạnh những kỷ niệm đáng sợ “suýt mất mạng” thì anh có giữ cho mình được một kỷ niệm đẹp nào không ?

Sau khi đi về thì cái điều tôi ấn tượng nhất là lúc ở trong vùng lũ, chỉ có mình tôi và các đồng chí bộ đội, nhưng sau khi đưa người ra khỏi vùng nguy hiểm rồi thì cái tác động mạnh đến tôi chính là hình ảnh những người đã được đưa ra ở vùng cao hơn, an toàn hơn so với bà con vùng bị lũ này, họ tập trung rất đông, đón mình, hỏi han kĩ lắm, còn hơn cả bạn bây giờ: người thân họ ở đâu, ra sao, có gặp được không…bản thân tôi cũng cảm thấy đây là trách nhiệm của mình. Mình vừa trực tiếp đi từ vùng đó ra, mình báo tin cho bà con để họ yên tâm vì có rất nhiều người bị thất lạc người nhà, không biết sống chết ra sao.


Giải Khoảng khắc vàng Báo chí cả năm nay lẫn năm ngoái đều không có Giải thưởng lớn. Đứng ở góc độ là một người nghệ sĩ, một phóng viên ảnh, anh nghĩ sao về điều này? Anh có cảm thấy công sức mình bỏ ra chưa được nhìn nhận xứng đáng?

Cái đó thì là quyền của BGK. Họ đánh giá, họ luôn mong muốn phải tốt hơn, cao hơn và chất lượng hơn. Có thể là những bức ảnh này chưa đạt tới cái mức mà họ mong muốn cho nên họ chưa trao Giải thưởng lớn. Tôi hy vọng năm tới Giải thưởng lớn sẽ có chủ nhân của nó. Các bức ảnh có thể có lỗi và bị BGK trừ điểm nhưng theo tôi đó là “lỗi vàng”. Bạn có thể thấy trên các bức ảnh của tôi có những chấm mờ, đó là nước mưa nó rơi vào ống kính. Chính cái lỗi mà BGK trừ điểm này theo tôi lại rất giá trị, nó phản ảnh, thể hiện cái chân thực của anh khi sáng tạo bộ ảnh.

Vậy theo quan điểm của anh, một tác phẩm ảnh báo chí thành công phải đáp ứng tiêu chí như nào ?

Theo tôi, một bức ảnh thành công phải đảm bảo nêu bật được cái sự kiện, thể hiện cho người xem thấy cái sự kiện người ta đang quan tâm. Thứ hai là nó phải thể hiện được cái kĩ thuật tốt. Nhưng đôi khi thì kĩ thuật cũng là thứ yếu, cái quan trọng là giá trị bức ảnh, nói lên điều gì. Ngoài ra theo quan điểm của tôi, đánh giá một bức ảnh còn phải dựa vào cái hoàn cảnh anh chụp nó. Nếu họ thực hiện trong hoàn cảnh quá khó khăn thì đó là điều rất đáng quý, nếu anh dùng góc máy rộng thì tôi rất thích. Nhưng nếu anh dùng ống tele, đứng xa mà zoom lại thì theo tôi nó chưa thực sự xứng đáng lắm.

Xin cảm ơn anh !

  • Theo Đào Vân (HNM online)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)