Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng

Với trách nhiệm là một đảng viên, một người làm công tác nghiên cứu, một cán bộ công đoàn, sau khi nghiên cứu các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần XI, tôi xin được tham gia một số ý kiến nhằm góp một phần hoàn thiện dự thảo các văn kiện, cụ thể như sau:


Trường Mầm non cao cấp Hoạ Mi, TP. Thanh Hoá của Cty cổ phần Trường Phát - một điển hình thành công của kinh tế tư nhân, không những mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp mà còn góp phần tích cực xã hội hoá giáo dục. Ảnh: X.H

1. Về Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

- Trong Dự thảo cương lĩnh có đoạn viết: “Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế”. Tôi cho rằng viết như vậy là chưa coi trọng kinh tế tư nhân (KTTN). Điều này sẽ không khuyến khích được khu vực KTTN phát triển và không phản ánh đúng vai trò thực tế hiện nay của KTTN đang phát triển rất mạnh mẽ, cụ thể là đã có hàng chục tập đoàn do tư nhân sở hữu, với số vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, nếu nói về số lượng doanh nghiệp khu vực KTTN, số lao động làm việc cho khu vực KTTN và đóng góp của KTTN vào GDP thì khu vực này chiếm tỉ lệ cao. Như vậy, trong cương lĩnh cần phải đánh giá đúng vai trò của KTTN, có như vậy khu vực này mới được quan tâm và khuyến khích phát triển. Vì vậy đề nghị sửa “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”.

- Dự thảo Cương lĩnh có đoạn viết: “Tạo môi trường và điều kiện để người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn”. Tôi cho rằng viết như vậy là chưa đủ. Với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mấy năm qua, nhất là trong 5 và 10 năm tới thì nhu cầu và mối quan tâm của NLĐ đã và
đang có những thay đổi cơ bản về chất. Người lao động không chỉ quan tâm đến việc làm và thu nhập mà đang có rất nhiều nhu cầu mới, nhu cầu về cải thiện điều kiện làm việc, về nhu cầu được nâng cao và không ngừng cải thiện đời sống tinh thần và vật chất. Vì vậy, cần bổ sung nội dung này trong cương lĩnh.

- Dự thảo có đoạn, “Đảng kêu gọi tất cả những người cộng sản, toàn thể đồng bào ở trong nước và nước ngoài mang hết tinh thần và nghị lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi cương lĩnh...”. Tôi cho rằng lời kêu gọi của Đảng còn nặng tính hình thức và chưa bao quát toàn diện. Chúng ta không thể thực hiện cương lĩnh, không thể xây dựng đất nước giàu mạnh chỉ bằng tinh thần và nghị lực mà phải bằng tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo của con người. Vì vậy, đề nghị thay cụm từ “mang hết tinh thần” bằng cụm từ “mang hết tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo” để phấn đấu thực hiện thắng lợi cương lĩnh.

2. Về Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

- Dự thảo chiến lược có đoạn viết: “Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh.... Khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo quy hoạch”. Trong đoạn này có khá nhiều mâu thuẫn, cụ thể là: Kinh tế tư nhân thì được tạo điều kiện thuận lợi, còn kinh tế có vốn ĐTNN thì chỉ được khuyến khích. Và kinh tế có vốn ĐTNN phải phát triển theo quy hoạch, còn các thành phần kinh tế khác không cần phát triển theo quy hoạch hay sao? Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập WTO, Đảng ta luôn nhất quán là đảm bảo sự bình đẳng và công bằng với các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Mặt khác, kể từ ngày 1.7.2010, tất cả các doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam đều hoạt động bình đẳng theo một luật chung, đó là Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần xem lại và chỉnh sửa nội dung này.

- Dự thảo đưa ra chỉ tiêu: 95% chất thải thông thường, 85% chất thải độc hại, 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn. Tôi cho rằng đưa ra chỉ tiêu như vậy là không hợp lý và khó chấp nhận, vì càng chất thải độc hại thì càng cần phải được quan tâm xử lý một cách triệt để, kiên quyết không thể để bất cứ phần trăm chất thải độc hại nào thải ra môi trường mà không được kiểm soát và xử lý. Dự thảo vẫn đưa ra chỉ tiêu 15% chất thải độc hại mang thải loại ra môi trường là chưa thể hiện sự kiên quyết trong xử lý chất thải độc hại. Vì vậy, phải khẳng định rõ xử lý 100% chất thải độc hại, nguy hiểm. Các chất thải không độc hại có thể xử lý mức độ thấp hơn, nhưng không tác động xấu đến môi trường.

- Trong dự thảo có đoạn: “Bằng mọi hình thức đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng”. Viết như vậy là chưa khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng. Chưa bao giờ ta cần đầu tư phát triển hạ tầng như hiện nay, vì vậy cần phải huy động mọi nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi tổ chức cá nhân tham gia đầu tư cho phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, theo cách viết trong dự thảo lại có vẻ như phân biệt, đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đầu tư phát triển hạ tầng bởi cụm từ “kể cả nhà ĐTNN”. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét viết lại đoạn trên nhằm thu hút các nguồn lực cho phát triển hạ tầng.

Dự thảo có đoạn viết: “Giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước và xử lý nước thải ở các đô thị”. Viết như vậy là không đầy đủ vì hiện nay các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các làng nghề đang thải ra rất nhiều nước thải nguy hiểm, độc hại, nhưng hầu hết lại không nằm ở đô thị; vậy có đặt vấn đề xử lý nước thải ở khu vực nông thôn và các KCN, KCX không? Đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung cho đầy đủ hơn.

3. Về Báo cáo chính trị.

- Dự thảo có đoạn viết; “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống BHXH, BHYT”... ở đây không rõ hoàn thiện hệ thống là thế nào? Người đọc hoàn toàn có thể hiểu là hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy của ngành BHXH, BHYT, như vậy có đúng ý của Ban soạn thảo không? Nếu hiểu là hoàn thiện pháp luật về BHXH, BHYT thì có đúng không; nếu hoàn thiện pháp luật về BHXH, BHYT thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp có cần hoàn thiện? Trong khi đây lại là chính sách mới còn nhiều vướng mắc, bất cập đang nảy sinh. Đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ.

  • TS Đặng Quang Điều  (Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)