Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chủ trì Hội nghị giao ban công tác lao động, người có công và xã hội khu vực phía Nam

Ngày 24/2/2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị giao ban công tác lao động, người có công và xã hội các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, đơn vị thuộc Bộ cùng lãnh đạo các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

 Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Trong tháng 1 năm 2014, Bộ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết ngành Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 trên toàn quốc. Tại đó, các giải pháp triển khai, nhiệm vụ của ngành được đưa ra nhưng chưa được thảo luận kỹ. Do đó, Hội nghị này, trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm đã được chỉ đạo, lãnh đạo Bộ  muốn nghe báo cáo của các địa phương về tình hình triển khai các văn bản pháp luật trong năm 2014 với những khó khăn, vướng mắc gì để có ý kiến trao đổi, đề xuất giải quyết để triển khai các công việc của ngành đạt được hiệu quả cao hơn.


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu khai mạc Hội nghị

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ các vấn đề trọng tâm, đề xuất các giải pháp phải cụ thể như: về công tác người có công với Thông tư liên tịch số 28 đề cập đến giải quyết tồn đọng đối tượng người có công không đủ hồ sơ hợp lệ khi triển khai còn khó khăn gì, đã thực sự đi vào cuộc sống chưa? Đặc biệt, năm 2014, thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành tổng rà soát đối tượng người có công trên cả nước nên việc triển khai các văn bản chính sách có gì chưa rõ, có bổ sung gì thêm cũng cần các đại biểu cho ý kiến.

Hiện nay đang nổi lên những vấn đề mà dư luận rất quan tâm như thất nghiệp, nợ đọng bảo hiểm, xuất khẩu lao động, tiền lương - thưởng ở các đơn vị, phản ánh việc hỗ trợ gạo cứu đói ở một số nơi, về chương trình giảm nghèo… nên Bộ trưởng yêu cầu: các đại biểu khi thảo luận nêu rõ quan điểm, đi thẳng vào các vấn đề cần quan tâm. Trong đó, với những chính sách giảm nghèo thì các địa phương cần trao đổi xem có sự chồng chéo hay việc lồng ghép các chính sách có gì bất cập; với Nghị định 136 vừa được ban hành các địa phương cũng cần báo cáo đã triển khai hay chưa và đề xuất mức hỗ trợ cho các đối tượng cho phù hợp.

Tiếp đó, Hội nghị được nghe Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Phạm Quang Phụng trình bày báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và triển khai nhiệm năm 2014. Theo đó, năm qua, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã bám sát Chương trình công tác của Chính phủ; có kế hoạch cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch về lao động, người có công và xã hội đạt kết quả tích cực.

Bộ đã xây dựng, trình 55 đề án; trong đó đã thông qua, ban hành 41 đề án: Quốc hội thông qua Luật Việc làm; Ban Bí thư ban hành 01 Chỉ thị; Chính phủ ban hành 22 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 15 Quyết định và 02 Chỉ thị. Nhờ đó, đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 1,54 triệu lao động, đạt 96,45% kế hoạch, bằng 101,5% so với thực hiện năm 2012. Năm 2013, cả nước đã tuyển mới dạy nghề trên 1.732 nghìn người, đạt 91,15% kế hoạch (tăng 14% so với thực hiện năm 2012).

Công tác giải quyết chính sách đối với người có công được thực hiện kịp thời. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước cuối năm 2013 còn 7,8% theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015, giảm 1,8% so với cuối năm 2012Thực hiện chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên cho khoảng 2,6 triệu người với tổng kinh phí hơn 7.121 tỷ đồngHệ thống cơ sở bảo trợ xã hội tiếp tục được phát triển, với quy mô nuôi dưỡng đối tượng tập trung là 42 nghìn người.

Các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tiền lương; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới... đều được triển khai đồng bộ có nhiều tiến bộ so với năm trước.


Lãnh đạo các Sở phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2014, ngoài 11 nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ và 15 giải pháp chủ yếu đã được nên trong Chương trình công tác lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2014 ban hành kèm theo Quyết định số 80/QĐ-LĐTBXH ngày 20/01/2014, Bộ yêu cầu các đơn vị, Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm sau: (1) Chủ động, khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch cụ thể ngay từ đầu năm; (2) Tập trung hơn nữa công tác xây dựng thể chế, bảo đảm hoàn thành theo Chương tình công tác năm 2014 của Chính phủ, trong đó đặc biệt tập trung vào xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật BVCSTE (sửa đổi); Luật ATVSLĐ...; (3)Tập trung chỉ đạo, tạo bước đột phá phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2014, đặc biệt là chỉ tiêu tạo việc làm, giảm nghèo...; (4) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách của ngành; (5) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giải thích chính sách pháp luật, đưa nội dung thông tin, tuyên truyền của ngành vào chương trình, kế hoạch tuyên truyền của các cấp, chính quyền, cơ quan đoàn thể...; (6) Tiếp tục thực hiện nội dung cải cách thủ tục hành chính; (7) Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 21-CT-TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; (8) Hoàn thành báo cáo tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội...

Tiếp đó, phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đại diện các Sở LĐ-TBXH như: Bến tre, Quảng Trị, Trà Vinh, Đăk Nông, Đồng Nai, Phú Yên... đã nêu lên một số thắc mắc như việc tạm dừng triển khai Nghị định 136 về hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, các quy định về giám định thương tật trong Thông tư liên tịch số 28, về mức vay vốn cho các hộ nghèo là dân tộc thiểu số; tăng cường công tác thông tin về lao động, việc làm; sớm ban hành văn bản hướng dẫn, biểu mẫu cụ thể trong việc triển khai việc tổng rà soát đối tượng người có công để các địa phương có căn cứ thực hiện ... đã được lãnh đạo các đơn vị chức năng liên quan trả lời.


Ông Hoàng Công Thái - Cục trưởng Cục Người có công trả lời các vấn đề đại biểu nêu tại Hội nghị 

Trả lời kiến nghị của các đại biểu về lĩnh vực người có công, ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Người có công cho biết, đối với chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Bộ Y tế đã ban hành thông tư liên tịch về việc hướng dẫn khám, giám định đối với người bị nhiễm chất độc hóa học, triển khai ở tất cả các địa phương trong cả nước. Về việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công, hiện tại Bộ đang chuẩn bị bộ tài liệu hướng dẫn các địa phương thực hiện, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức tập huấn, triển khai ở từng địa phương, dự kiến hết quý I sẽ ban hành. Đối với lĩnh vực Nhà ở cho người có công: Chính Phủ giao cho Bộ Xây dựng chủ trì nhưng từ năm 2012 Bộ LĐ-TBXH đã chủ động chỉ đạo các địa phương xây dựng Đề án giải quyết nhà ở cho người có, khi giải quyết tập trung ưu tiên cho trước cho các đối tượng như: thân nhân liệt sỹ, thương, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng từ 61,5% trở lên. Về việc truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, theo quy định, Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ xem xét và phong tặng, còn Bộ LĐ-TBXH có trách nhiệm cung cấp danh sách các đối tượng.


Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi trả lời thắc mắc của các địa phương

Liên quan đến các chính sách giảm nghèo, trong đó có vấn đề về vay tín dụng, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho biết, hiện hay có rất nhiều chính sách đã được ban hành, tuy nhiên một số chính sách bị chồng chéo hoặc phân tán quá trong đó có các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi. Hiện nay có khoảng 6-7 chương trình cho người nghèo vay vốn tín dụng. Theo ông Ngô Trường Thi, việc dàn trải các chương trình vay tín dụng làm cho chất lượng vay thấp, do đó Bộ nghiên cứu, xem xét ban hành văn bản quy định hạn mức vay đối với người nghèo để họ xác định mục đích ưu tiên khi vay tín dụng nhằm nâng cao chất lượng tín dụng hộ nghèo.

Ở lĩnh vực lao động việc làm, dạy nghề và tiền lương, nhiều đại biểu cũng nêu ra các kiến nghị như: Địa phương chậm nhận được các văn bản, thông tư hướng dẫn; đề nghị Bộ cần có nghiên cứu và xây dựng phần mềm để kết nối với các trung tâm giới thiệu việc làm và dự báo thị trường lao động từ Trung ương đến địa phương. Vấn đề các Trung tâm Giới thiệu việc làm khu vực Bộ sẽ giao cho địa phương hay đưa về Bộ quản lý…

Hội nghị cũng được nghe lãnh đạo các đơn vị: Cục Bảo trợ xã hội, Vụ Lao động tiền lương, Cục Tệ nạn xã hội, Cục Quản lý LĐNN trả lời những thắc mắc của các địa phương nêu ra tại Hội nghị xoay quanh những vấn đề như: Cải tạo các trung tâm cai nghiện; Vấn đề nợ đọng BHTN; Hỗ trợ người nghèo đi XKLĐ; Vấn đề lương thưởng...

Sau khi nghe các kiến nghị của các tỉnh thành và các Cục, Vụ trực thuộc Bộ liên quan đến lĩnh vực người có công, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh đã đề nghị các tỉnh thành phải dành một mảnh đất để xây dựng Trung tâm điều dưỡng người có công với Cách Mạng, cả nước phải xác định vấn đề này, phải có chiến lược hẳn hoi và có trách nhiệm. Các công trình về vấn đề Tổ quốc ghi công cần phải được quan tâm hơn.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ phải phối hợp nhiệt tình trong vấn đề phong tặng danh hiệu và xây dựng nhà ở cho bà mẹ VNAH. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc xây dựng nhà ở cho bà mẹ VNAH là do Bộ Xây dựng làm, quy tập hài cốt Bộ Quốc phòng và phong danh hiệu bà mẹ VNAH là Bộ Nội vụ. Việc liệt sĩ trở về cũng cần làm với cái tâm, trách nhiệm trong sự cho phép của pháp luật.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các địa phương trong việc phát hiện những vấn đề nghịch lý trong các văn bản khi triển khai, trong đó có nhiều ý kiến đi thẳng vào vấn đề và chủ động đề xuất các giải pháp trong việc triển khai tổ chức thực hiện Chương trình công tác lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2014 theo Quyết định số 80/QĐ-LĐTBXH.

Kết luận về từng lĩnh vực, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh các đơn vị, địa phương cần tập trung vào một số vấn đề sau:

- Về lĩnh vực NCC: Cần phối hợp việc rà soát đối tượng nhiễm chất độc hoá học (cả người có công và dân thường) để đề xuất chính sách cho phù hợp. Riêng với việc hồi tố đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học cần theo tinh thần vừa đền ơn đáp nghĩa, vừa mang ý nghĩa nhân đạo, quy định nào có lợi cho dân thì làm, nếu không cần xem xét cẩn thận và thấu đáo. Việc cấp lại bằng tổ quốc ghi công, Bộ trưởng đề nghị Cục Người có công phối hợp với các địa phương rà soát lại các hồ sơ và xem xét cấp lại cho các gia đình người có công. Về chính sách cho nhân viên làm công tác quản trang, Bộ giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Cục NCC sớm có thông tư ban hành để những người quản trang được hưởng phụ cấp độc hại.

- Về lĩnh vực Giảm nghèo: Trong thời gian tới, cần phân biệt rõ các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ chính sách xã hội để xác định đối tượng cho vay; tập trung hỗ trợ cho các “vùng trũng”, nhiều khó khăn về điều kiện sản xuất, trình độ, hạ tầng cơ sở...Một số cơ chế chính sách cần tiếp tục được nghiên cứu để hỗ trợ cho hộ nghèo như chính sách hỗ trợ nhà ở cho giai đoạn tới; chính sách hỗ trợ giá bán lẻ điện đối với hộ nghèo và hộ chính sách xã hội; chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số...Sớm nghiên cứu xây dựng mức chuẩn nghèo mới để làm cơ sở xây dựng chính sách hỗ trợ người nghèo.

- Lĩnh vực BTXH: Năm 2013, Bộ đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 136, quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được nâng từ 180.000 đồng/người/tháng lên 270.000 đồng/người/tháng. Cả nước hiện có trên 1,5 triệu người có công hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên và hơn 2,5 triệu đối tượng bảo trợ xã hội. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đất nước gặp khó khăn nên việc triển khai trợ cấp cho đối tượng này sẽ được cân nhắc, do vậy Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần giải thích rõ cho các đối tượng được hưởng theo Nghị định để họ hiểu và chia sẻ khó khăn cùng đất nước.

- Về vấn đề sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề tại các huyện ở các địa phương, Bộ trưởng đề nghị thực hiện theo quy định của Chính phủ. Còn mức biên chế thực hiện theo Thông tư 29.

- Về tiền lương và bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng cho rằng cần thực hiện theo quy định. Còn về vấn đề tuổi nghỉ hưu, Chính phủ giao cho Bộ lấy ý kiến và trình Chính phủ để Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Bộ trưởng cũng băn khoăn khi sửa Luật BHXH và sẽ có nhiều doanh nghiệp kêu về vấn đề này.

- Về lĩnh vực bảo trợ xã hội và phòng chống tệ nạn xã hội: Bộ trưởng đề nghị tiếp tục xem xét và giải quyết các vấn đề mà các địa phương đã nêu. Còn về vần đề phòng chống tệ nạn xã hội có 2 vấn đề mà tới đây cần phải có hướng dẫn cụ thể. Riêng vấn đề các Trung tâm GTVL khu vực được Bộ đầu tư thì vẫn để các địa phương quản lý, còn tới đây Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và giải quyết.

- Về lĩnh vực ATLĐ: Cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách và tăng cường quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, hoàn thiện dự thảo Luật ATVSLĐ trình Chính phủ và Quốc hội. Trước mắt, đề nghị các địa phương cần triển khai thực hiện tốt tuần lễ ATVSLĐ./.

Theo Molisa

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)