Sửa đổi Hiến pháp: Bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, sáng 6/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhan dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này chỉnh sửa 9 nội dung như: Tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người; tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở hiến định để Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện quyền, nghĩa vụ quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình khu vực và thế giới...

Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp giảm 1 chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới.

Thảo luận tại tổ, đa số các ý kiến của đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp về sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

 

             Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
                                                             Ảnh:Đỗ Thoa 

Liên quan đến Điều 2, Hiến pháp năm 1992 xác định “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức…”. Qua thảo luận, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục giữ nội dung quy định tại Điều 2, chỉ thay từ “tầng lớp” bằng từ “đội ngũ” để khẳng định bản chất công - nông - trí của Nhà nước ta. Loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định này thành: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc…” để thể chế hóa quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc với vai trò là động lực của phát triển xã hội. Ủy Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tán thành loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện tại Điều 2 của Dự thảo.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) tán thành với ý kiến của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đề nghị giữ nguyên Điều 2 của Hiến pháp hiện hành để đề cao vai trò của đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, cũng về nội dung này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) lại thiên về loại ý kiến thứ hai.

Còn đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cũng đề nghị sửa quy định này thành: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc…” nhưng thêm “nòng cốt là công - nông - trí”.

Điều 9, Hiến pháp năm 1992 thể hiện các nội dung liên quan đến các tổ chức chính trị - xã hội một cách tổng quát. Qua thảo luận, có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ quy định này như Hiến pháp năm 1992, không liệt kê cụ thể các tổ chức chính trị - xã hội vì bản thân cụm từ “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên” đã bao gồm các tổ chức này. Quy định như vậy bảo đảm tính ổn định cao của Hiến pháp, đáp ứng sự phát triển của các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời thể hiện sự bình đẳng giữa các tổ chức đó với các tổ chức xã hội khác.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị nêu tên gọi của các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay để thể hiện rõ hơn vị thế của các tổ chức chính trị - xã hội trong Hiến pháp. Tuy nhiên, về lâu dài có thể sẽ không phù hợp với sự phát triển của các tổ chức này vì có thể có sự thay đổi về tên gọi hoặc có tổ chức chính trị - xã hội mới.

Ủy ban tán thành loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện tại Điều 9 của Dự thảo.

Đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị cần bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phù hợp với Cương lĩnh của Đảng cũng như là Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Pha (Nam Định) phát biểu tại phiên họp tổ
về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh:Đỗ Thoa


Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, cần tổ chức thực hiện làm sao tập trung được trí tuệ toàn dân trong xây dựng Hiến pháp, phải có cơ chế tiếp thu các luồng ý kiến để sửa đổi tốt hơn, đồng thời loại bỏ những ý kiến không mang tính xây dựng.

“Việc lấy ý kiến nhân dân phải làm tốt. Ý kiến nào được tiếp thu hay không được tiếp thu phải được giải trình rõ”, đại biểu Ngô Văn Minh nhấn mạnh.

Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 3 tháng, bắt đầu từ ngày 2/1/2013 đến ngày 31/3/2013.

Tại kỳ họp Quốc hội này, Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến lần đầu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban sẽ tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013); sau đó, tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013).

Chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)./.

Theo CPV


© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)