“Đời hoá” những linh thiêng

Chen lấn xô đẩy, cầu tài cầu lộc với quá nhiều “tham, sân, si” trong tâm - con người đang ngày càng quên mất bản chất tìm sự thanh thản tâm hồn tốt đẹp của việc lễ lạt...


Lễ hội ở làng Đồng Kỵ. Ảnh: Lại Viết Đàm

Tính đến thời điểm này Tết mới được 1 tuần nhưng các lễ hội đền chùa đã rộn ràng vào hội. Ngay từ đêm Giao thừa Tết Tân Mão các ngôi chùa, đền ở Hà Nội đã đông đúc người đến dâng hương cầu khấn để mong một năm mới bình an, hạnh phúc và may mắn. Chùa Phúc Khánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, chùa Quán Sứ… người chật như nêm. Các lễ hội lớn như chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Bái Đính (Gia Viễn, Ninh Bình)… từ khi khai hội đã đón hàng vạn lượt người đến cầu tài, cầu lộc, cầu danh. Ngay cả những nơi chưa diễn ra lễ hội như chùa Tây Phương (lễ hội tổ chức vào ngày 6.3 âm lịch) nhưng đến thời điểm này ngày nào con đường vào chùa cũng chật kin khách thập phương kéo về.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu người dân đến những ngôi chùa gắn liền với những danh lam thắng cảnh này để vãn cảnh, để tìm sự thanh tịnh, bình an trong tâm hồn. Hầu hết những người đến cửa chùa, cửa đền bây giờ đều chăm chăm lo cúng lễ chứ ít ai để tâm đến vãn cảnh, du xuân. Đến bất kỳ ngôi chùa nào, nếu chỉ quan sát một chút đều rất nhiều những chiếc xe sang trọng chở theo nhiều đồ lễ đắt tiền. Người vào chùa chen chân nhau với những mâm lễ đầy, ai cũng mong tìm một chỗ trống trên ban thờ để đặt đồ lễ của mình. Dạo qua mấy ngôi chùa, đâu đâu cũng thấy tiếng lầm rầm khấn vái cầu mong thăng chức, thăng quyền.

Vẫn biết cầu mong điều an lành, tốt đẹp là mong muốn của tất cả mọi người. Nhưng nhiều người, lại đem những điều thế tục để áp dụng vào. Dọc đường trẩy hội chùa Hương, các phiến đá pho tượng, hang động… đều được du khách đặt tiền lên để cầu xin được thánh thần, Trời Phật ban phúc, ban ơn. Các pho tượng La Hán trong chùa Bái Đính được những người đến lễ chùa đặt tiền mặt vào tay để cầu lộc. Nhiều chùa chiền ban thờ, hòm công đức, khay đĩa để nhận tiền giọt dầu đặt ở khắp mọi nơi đã làm giảm đi yếu tố tâm linh. Dường như nhiều người đến với nơi linh thiêng không phải để tìm về nguồn cội, tìm về truyền thống mà chỉ đến để cầu tiền tài, chức tước, danh vọng hoặc xem như đó là vui chơi, giải trí. Lễ hội ngày càng bị thương mại hoá, bị “đời” hoá bởi chính những người tham gia lễ hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó có gần 500 lễ hội truyền thống. Đa phần các lễ hội mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng đều được khai hội vào mùa xuân. Đây là những sản phẩm tinh thần của người Việt nhằm tôn vinh những hình tượng thiêng, những người có công khai phá những vùng đất mới, chống chọi thiên tai, trừ ác thú, tạo dựng nghề nghiệp, những nhân vật truyền thuyết đã chi phối cuộc sống nơi trần gian, giúp con người hướng thiện, giữ gìn cuộc sống hạnh phúc... Những lễ hội dân gian được tổ chức nhằm giáo dục cho các thế hệ sau  về những truyền thống quý báu của cha ông đồng thời kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống.
  •  Theo Phạm Ngọc (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)