Quốc hội tán thành, biểu quyết thông qua bốn Luật

Chiều 19/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình và biểu quyết thông qua: Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật phòng, chống thiên tai.


Nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động giáo dục quốc phòng-an ninh

Với sự tán thành của 90,36% đại biểu có mặt, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh gồm 8 Chương, 47 Điều, có hiệu lực thi hành từ 1/4/2014, quy định nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản, hình thức giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh.

Theo quy định của Luật, Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh, có chính sách ưu tiên đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa; khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp trí tuệ, công sức, tiền, tài sản cho giáo dục quốc phòng và an ninh. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong giáo dục quốc phòng và an ninh được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Luật nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiết lộ bí mật nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đáng chú ý, giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi.

Cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư thuộc diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh là chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng họ tộc, nhà hoạt động văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật.

Áp dụng mức thuế suất 5% thuế giá trị gia tăng đối với nhà ở xã hội

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng được Quốc hội thông qua với 91,37% số đại biểu có mặt tán thành.

Theo đó, mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 5 của Luật này khi xuất khẩu, trừ các trường hợp sau đây: Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; dịch vụ cấp tín dụng; chuyển nhượng vốn; dịch vụ tài chính phát sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông; sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác quy định tại khoản 23 Điều 5 của Luật này. Hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu là hàng hoá, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

Luật cũng bổ sung quy định áp dụng mức thuế suất 5% đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay, đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình có nhu cầu rất lớn về nhà ở. Vì vậy, việc áp dụng thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội sẽ tạo điều kiện cho các tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và thấp được tiếp cận với nhà ở xã hội.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2014, trừ quy định thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở được thực hiện từ 1/7/2013. Giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Áp dụng mức thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp 22% trong giai đoạn 2014-2015

91,57% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Quy định về thuế suất được sửa đổi, bổ sung như sau: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13 của Luật này.

Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại khoản này chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 1/1/2016. Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.

Luật cũng quy định rõ ưu đãi về thuế suất đối với thu nhập của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến; thu nhập của cơ quan báo chí, xuất bản; thu nhập của doanh nghiệp từ đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.

Thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai ở cấp tỉnh

Với 91,97% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống thiên tai gồm 6 Chương, 47 Điều, có hiệu lực thi hành từ 1/5/2014, quy định về hoạt động phòng, chống thiên tai, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng, chống thiên tai.

Theo quy định của Luật, Quỹ phòng, chống thiên tai được thành lập ở cấp tỉnh; hình thành từ nguồn đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài tại địa bàn; công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật và các nguồn hợp pháp khác. Quỹ được sử dụng để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai và ưu tiên hỗ trợ các hoạt động: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học; xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai; thành viên của Ban chỉ đạo bao gồm đại diện lãnh đạo của một số bộ, cơ quan có liên quan và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai./.

Theo TTXVN

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)