Chính sách tạm nhập, tái xuất có kẽ hở

Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi, kim ngạch tạm nhập, tái xuất trong một thời gian dài thì thấy gần đây giá trị đã tăng bất thường. Năm 2006, giá trị hàng tạm nhập, tái xuất chỉ là 1,3 tỷ USD thì năm 2011 đã tăng lên 6,3 tỷ USD, và 6 tháng 2012 tăng lên 3,850 tỷ USD. Và đã có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng cơ chế tạm nhập, tái xuất xăng dầu để trốn thuế, thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ. Đây là một dạng trốn thuế và buôn lậu.

Qua thanh tra tại những địa bàn trọng điểm, Tổng cục Hải quan đã phát hiện có 1.010 lô hàng đã quá thời hạn lưu trú 180 ngày mà chưa tái xuất. Số lô hàng này có khả năng thẩm lậu vào thị trường trong nước. Ngay trong tuần vừa rồi, Tổng cục hải quan đã kiểm tra và đang xử lý 167 container tạm nhập tái xuất hàng cấm, trong đó có hàng phế liệu, ác quy chì, vỉ mạch điện tử, rác thải công nghiệp… Ngoài ra là hàng đông lạnh vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng gần 33 container. Nếu những lô hàng này thẩm lậu vào thị trường trong nước, sẽ gây ra rất nhiều tác động xấu đến môi trường, sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là sơ hở về cơ chế chính sách tạm nhập tái xuất. Trước hết, có những mặt hàng trong nước cấm sản xuất, nhưng quy định hiện nay vẫn cho phép tạm nhập tái xuất. Ví dụ như ác quy chì, ác quy đã qua sử dụng, vỉ mạch điện tử... đều cấm sử dụng trên thế giới, nhưng vẫn được phép tạm nhập, tái xuất vào nước ta, với lý do container kín nên sẽ không ảnh hưởng đến môi trường nước ta. Nhưng có thể thấy, một số đối tượng có thể lợi dụng kẽ hở này để nhập khẩu hàng cấm, rồi tuồn hàng vào trong nước tiêu thụ. Do đó, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, những mặt hàng nào trong nước đã cấm nhập khẩu thì cần cấm thực hiện tạm nhập, tái xuất.

Doanh nghiệp thực hiện tạm nhập, tái xuất cũng có nguyên nhân khác liên quan đến hồ sơ xuất nhập khẩu. Bản chất của hoạt động tạm nhập và tái xuất gồm hai khâu nhập và xuất. Theo quốc tế thì từng hoạt động này phải chứng từ hóa để Nhà nước quản lý. Đó là phải có hợp đồng tạm nhập và hợp đồng tái xuất. Nhưng quy định của chúng ta chỉ cần một hợp động tạm nhập mà không cần hợp đồng tái xuất. Do vậy, cơ quan quản lý rất khó kiểm tra kiểm soát việc tái xuất của các nhà nhập khẩu. Trong khi đó, thời gian cho một quá trình tạm nhập tái xuất hiện quy định là 180 ngày, tương đương 3 tháng, được cho là quá dài. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, thời gian tạm nhập tái xuất cần được rút ngắn xuống còn 30 ngày, và quy định rõ tuyến đường vận chuyển hàng tạm nhập, tái xuất cố định tại nước ta. Đối với những đơn vị tạm nhập tái xuất, thì cần quy định các điều kiện rõ ràng, như là năng lực tài chính, kho bãi ở cả cảng tạm nhập và cảng tái xuất…  

Một điểm cần lưu ý nữa là dù nước ta có nhiều cửa khẩu lớn, nhưng các doanh nghiệp thường lựa chọn những cửa khẩu nhỏ, lối mở để tái xuất, dù những nơi này kho bãi, vận chuyển đều rất khó khăn. Không lẽ doanh nghiệp cứ chọn đường khó, tốn kém chi phí mà đi? Vì thế mà nhiều năm qua, tỷ lệ hàng hóa tạm nhập rồi tái xuất qua các cửa khẩu lớn chỉ chiếm 1 - 2%. Do đó, theo Bộ Tài chính, ngay cả đường đi của hàng tạm nhập, tái xuất cũng phải được quy định cụ thể, không thể để hàng hóa chạy khắp nơi, cơ quan chức năng không thể kiểm soát được. Điều này cũng là phù hợp với thông lệ thế giới, hàng tạm nhập, tái xuất phải được vận chuyển trên những con đường nhất định.

Từ vụ việc gian lận tạm nhập tái xuất để thẩm lậu vào trong nước, Bộ Tài chính cho rằng, mặt hàng xăng dầu chỉ có thể tạm nhập vào Việt Nam và tái xuất sang Lào hay một số vùng Capuchia, còn cần chấm dứt ngay việc tạm nhập, tái xuất xăng dầu qua đường biển. Thế nhưng trái khoáy ở chỗ, mới đây, một cơ quan chức năng vẫn thay mặt doanh nghiệp, đề nghị tiếp tục cho tạm nhập tái xuất mặt hàng xăng dầu này thêm một thời gian nữa với rất nhiều lý do. Khi cơ quan chức năng không thống nhất được với nhau, thì rõ ràng việc chống thẩm lậu những mặt hàng cấm thông qua hình thức tạm nhập, tái xuất vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề?

Hiện bộ Tài chính đang rà soát các quy định, chính sách về tạm nhập tái xuất, trong đó có Nghị định 12 của Chính phủ ban hành năm 2006 và một số văn bản có liên quan. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cũng cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động tạm nhập tái xuất, không cho đi lối mòn lối mở, kiểm tra chặt chẽ các tuyến đường. Với các biện pháp siết chặt đang được triển khai của ngành hải quan, thì dự kiến trong hơn một tuần nữa, sẽ xảy ra ùn tắc ở các cửa khẩu. Nhưng cơ quan hải quan chấp nhận điều này để có cơ hội phân loại, khám xét các container. Đây là đợt cao điểm mà Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan thực hiện triệt để, trong đó có cả các đề xuất sửa văn bản Nghị định và thông tư liên quan./.

Theo daibieunhandan

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)