Khách mời Trung ương phải có sự thống nhất của Bộ

Theo chỉ thị ngày 9.2 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tổ chức, quản lý Lễ hội 2011, việc mời khách Trung ương cần phải có ý kiến thống nhất của Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch (VHTT&DL).

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL cùng UBND các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực tổ chức và quản lý lễ hội, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như mê tín dị đoan, đốt đồ mã, đặt hòm công đức, đặt lễ, đặt "tiền giọt dầu" tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, nâng giá, ép giá dịch vụ...


Lễ hội Tịch điền đầu xuân 2011 tại Hà Nam (Ảnh TP)

Đối với các lễ hội có quy mô lớn như Chùa Hương, Yên Tử, Phủ Dày, Hội Lim, Đền Hùng, Đền Trần ở tỉnh Nam Định, Bà Chúa Xứ ở tỉnh An Giang, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn cháy nổ, ùn tắc giao thông.

Trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.


Lễ hội Gióng tại đền Sóc khai hội ngày 8.2 (Đoàn rước voi tế của xã Tiên Dược)

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tổ chức lễ hội đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, phản cảm như mở rộng quy mô lễ hội một cách tràn lan; trách nhiệm của người quản lý và ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến thái độ và hành vi, ứng xử chưa văn hóa đối với một số lễ hội; các hiện tượng tiêu cực như mê tín dị đoan, xâm phạm cảnh quan môi trường, an ninh trật tự không đảm bảo, thương mại hóa lễ hội có chiều hướng phát triển...

Thực trạng trên đang làm giảm đi giá trị chân thực vốn có và làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của nhiều lễ hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Hiện, Việt Nam có khoảng gần 8000 Lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức rải rác trong cả năm tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, nhiều Lễ hội lớn thường tập trung vào thời điểm đầu xuân từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch.

Một số Lễ hội tiêu biểu trong tháng Giêng:

- Lễ Tịch điền (núi Đọi, huyện Duy Tiên, Hà Nam) từ mồng 5 đến mồng 7, mồng 7 là
hội chính

- Lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) từ mồng 6 tháng giêng đến hết
tháng 3 âm lịch.

- Đêm hội Giã La (xã Dương Nội, Hoài Đức, Hà Nội) từ mồng 6 đến 14.

- Hội đền Sái (hội rước vua sống ở xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) mồng 12.

- Hội Tứ Xã (hội Kẻ Giáp ở xã Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ) từ mồng 11 đến 12. Lễ hội
diễn trò trám (nghi lễ cầu sinh thực khí) nam nữ hát giao duyên, rước lúa thần, đánh cá
thờ đêm...

- Hội Lim (đồi Lim, thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh) mồng 13.

- Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) từ mồng 6 đến 15.

- Lễ đền bà chúa Kho (làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh) mồng 14.

- Lễ hội đền Và (thờ thần Tản Viên, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) mồng 15.

- Hội chùa Tam Thanh (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) mồng 15.

- Hội Lồng Tồng (các bản người Tày, Nùng ở Cao Bằng) từ mồng 6 đến 15.

- Hội chợ Viềng (xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định) mồng 8.
  • Theo Chi Anh (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)