Điện ảnh Việt Nam và dòng phim tác giả

Năm 2010, qua những giải thưởng quốc tế mà phim “Bi, đừng sợ” đạt được, và thành công trước đó của “Chơi vơi”, “Trăng nơi đáy giếng”... cùng với sự xuất hiện của các diễn đàn, cộng đồng làm phim ngắn của những tác giả trẻ, có thể nói điện ảnh Việt Nam đang manh nha một dòng phim tác giả - phim nghệ thuật, có chiều khởi sắc trong tương lai.


Một cảnh trong phim “Chơi vơi”.

Trong điện ảnh, việc phân “dòng” phim đã có từ khi khai sinh môn nghệ thuật thứ 7. Và khi điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp giải trí thì cách gọi phim thương mại (commercial), có doanh thu và lợi nhuận cao; Phim nghệ thuật (artistic, còn gọi là phim tác giả, phim độc lập), chú trọng đến yếu tố tìm tòi sáng tạo và thể nghiệm nghệ thuật, đã khá phổ biến. Theo một thống kê  trong số phim được sản xuất và phát hành hàng năm trên thế giới, điện ảnh thương mại chiếm tới 90% trong tổng số phim được sản xuất ra, 10% còn lại bao gồm phim lịch sử, phim tác giả và phim chính luận. Rõ ràng, lượng phim nghệ thuật (phim tác giả) chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Phim tác giả ở Việt Nam

Phim tác giả, hay còn gọi là phim độc lập như cách gọi sau này, cho dù là “của hiếm”, ít có cơ hội để phổ biến và được đón nhận như các dòng phim thương mại “bom tấn”, nhưng vẫn có được riêng một LHP quốc tế uy tín. LHP Sundance (Mỹ), được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1978 và từ đó định kỳ hàng năm, LHP này là nơi giới thiệu những bộ phim mới của các nhà làm phim độc lập quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng. Ở VN, phim tác giả du nhập theo hai đường, một là đường “cái quan”- chiếu ở rạp có doanh thu, một là theo đường “ngoại giao văn hoá”, thông qua các tuần lễ phim nhân dịp kỷ niệm sự hợp tác hữu nghị với các quốc gia, nên phim tác giả không mấy xa lạ với đa số công chúng yêu điện ảnh VN.  Những đạo diễn của Châu Á thuộc dòng phim tác giả cũng đã có một ảnh hưởng nhất định trong tư duy sáng tạo nghệ thuật đối với các đạo diễn điện ảnh VN.

Dù không chính thức, nhưng khái niệm phim tác giả, thật sự đã có ở VN từ khá lâu, điển hình là một số  phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh (“Thị xã trong tầm tay”, “Thương nhớ đồng quê”), trước đó là các phim của đạo diễn Hồng Sến. Song khái niệm này chỉ thật sự rõ rệt khoảng 5 năm trở lại đây, khi Luật Điện ảnh VN được sửa đổi phù hợp với xu thế phát triển chung, khi các đạo diễn Việt kiều liên tục về nước làm phim, và khi tư nhân được phép tham gia sản xuất phim. Những phim mang dấu ấn tác giả, gây nhiều chú ý và cũng như một cách tiếp cận cuộc sống thông qua ngôn ngữ điện ảnh của các đạo diễn Việt kiều, như một luồng gió lạ trong nghệ thuật: “Thời xa vắng”  (Hồ Quang Minh), “Mùa hè chiều thẳng đứng” (Trần Anh Hùng), “Mê thảo, thời vang bóng” (Việt Linh), “Áo lụa Hà Đông”- (Lưu Huỳnh), “Mùa len trâu” (Nguyễn Võ Nghiêm Minh), “Hạt mưa rơi bao lâu” (Đoàn Minh Phượng, Đoàn Thành Nghĩa)…

Theo tiêu chí đánh giá của các nhà phê bình lý luận, các chuyên gia thẩm định nghệ thuật điện ảnh của thế giới, thì phim tác giả ngoài sự thể nghiệm có tính nghệ thuật cao, mang giá trị thẩm mỹ, khám phá sáng tạo mới mẻ, độc đáo, mang dấu ấn đậm nét của tác giả, còn là phim: Gọn nhẹ về nhân sự, đơn giản về phương tiện kỹ thuật, kinh phí thấp - kinh phí siêu nhỏ (microbudgeted movie). Nếu xét theo “quy chuẩn” này thì điện ảnh VN hiện nay thật sự chưa có dòng phim tác giả một cách rõ ràng. Tuy nhiên những dấu hiệu cho dòng phim này đã bắt đầu có, từ một số đạo diễn “kén” phim như: Nguyễn Vinh Sơn (Trăng nơi đáy giếng); Bùi Thạc Chuyên (Sống trong sợ hãi; Chơi vơi); Phan Đăng Di (Sen; Khi ta 20; Bi, đừng sợ); Ngô Quang Hải (Chuyện của Pao)… Trong đó rõ rệt nhất là Phan Đăng Di với sự nhất quán đi theo một con đường riêng, trong khi các tác giả còn lại chưa nhất quán theo một loạt tác phẩm riêng biệt.  Ngoài ra, còn có “Phim underground” - dòng phim nằm ngoài những dự án điện ảnh của các nhà sản xuất chuyên nghiệp (mainstream - phim chính thống). Từ vài năm nay, dòng phim underground với các dự án nghiệp dư nhỏ lẻ tạo nên một sự chú ý, như các dự án phim ngắn cho sinh viên, hay một số cuộc thi phim của các diễn đàn phim ảnh, điển hình như : Trung tâm phát triển đạo diễn trẻ-TPD, Yxine, dự án làm phim “Hà Nội, em yêu anh - Sài Gòn, anh yêu em”…


Một cảnh trong phim “Trăng nơi đáy giếng”.

Cơ hội và thách thức phim tác giả ở Việt Nam

Truyền thông công nghệ cao đã làm nên một thế giới phẳng, việc tiếp cận các nền điện ảnh phát triển đối với điện ảnh VN không khó khăn, nhiều điều kiện “mở” để cho các nhà làm phim tự do sáng tạo nghệ thuật cũng như phổ biến tác phẩm của mình ra công chúng. Một số tổ chức uy tín tại các LHP quốc tế trao giải cho  các dự án phim tác giả của VN tạo điều kiện cho việc sản xuất phim  và hỗ trợ phát hành. Ngoài ra, công nghệ điện ảnh ngày càng phát triển mạnh mẽ,  quay phim kỹ thuật số giúp người làm phim dễ dàng và tiết kiệm hơn trong việc thực hiện tác phẩm, có thể ghi hình với những chiếc máy quay cầm tay và dựng phim bằng những phần mềm miễn phí trên mạng; Sự phát triển của các mạng xã hội cùng sự hỗ trợ tích cực của những phương tiện chia sẻ video như Youtube, Megashare… cũng giúp phim được “lên mạng” cho mọi người cùng xem.

Nhưng phim tác giả ở VN cũng như nhiều nước trên thế giới, đối diện với nhiều thách thức. Chủ tịch LHP Cannes Gill Jacob, là người quản lý chung của LHP từ năm 1978-2001 trả lời phỏng vấn của Reuters ở LHP Cannes 2010 nhận xét: “Dòng phim tác giả không có chỗ đứng tốt và hơn lúc nào hết nó cần sự giúp đỡ. Nó đang gặp khó khăn bởi vì một phần khán giả ít tò mò với nó hơn; một phần báo chí ngán ngẩm nó, ngay cả báo chí yêu điện ảnh, trước một số lượng lớn phim ra rạp hàng tuần hiện nay… Dòng phim tác giả, nếu nó không thể bắt nhịp được nỗi tò mò, khẩu vị đặc sản cũng như sự quan tâm của khán giả, nó sẽ phải trải qua những ngày tháng khó khăn”. Với hàng ngàn bộ phim kinh phí siêu nhỏ được làm mỗi năm, cuộc cạnh tranh để phim được công nhận và đưa ra rạp là một “cuộc chiến” khá gắt gao.

Ở VN, đã từng có quan niệm phim tác giả là phim vừa tốn tiền, tốn công chiếu trong nước không ai xem, làm chỉ để mang ra nước ngoài chiếu và thi phim. Thực tế cũng đã chứng minh, nhiều phim tác giả của VN khi ra rạp, công chúng không hào hứng lắm, có khi còn lạnh nhạt với phim. Dư luận và truyền thông không hẳn lúc nào cũng ủng hộ. Bản thân các nhà làm phim VN, nhất là các đạo diễn gần như chưa có nhiều sự “dấn thân” cho nghệ thuật, bởi xác suất “rủi ro” cao, khi làm phim thường bị nhiều yếu tố ngoài nghệ thuật chi phối như về kinh phí, về kiểm duyệt, về phát hành phim… Sức ép thị trường chi phối khá mạnh vào tư duy làm phim, có đạo diễn chỉ làm một phim có mùi vị tác giả song là rẽ sang làm phim thị trường. Một vài đạo diễn trẻ có tài thì chỉ quyết chí làm phim thị trường kiếm tiền…  Phần khác việc hỗ trợ để làm phim tác giả ở VN về phía Nhà nước lại chưa được chú trọng quan tâm, các phim tác giả ở VN phần lớn phải “dựa” vào tài trợ của nước ngoài hay của tư nhân để làm phim. Đó cũng là một cái khó để làm “chùn chân” các nhà làm phim dòng phim tác giả.

Phim tác giả VN, điều kiện cần và đủ

Một nền điện ảnh quốc gia không thể thiếu dòng phim tác giả. Để có một vị trí trên bản đồ điện ảnh thế giới thì con đường ngắn nhất là sự có mặt ở các LHP quốc tế danh giá, uy tín. Mà để đi tới đó thì không có gì nhanh bằng chính dòng phim tác giả. Với điện ảnh VN, mấy năm qua thực tế đã chứng minh, những phim mang dấu ấn “tác giả” đã có một số thành công ở các LHP quốc tế, đặc biệt là 2 năm nay phim VN đã hiện diện chính thức trong hai LHP danh giá nhất thế giới là Venice - Chơi vơi (2009) với giải thưởng của Fipresi, Cannes - Bi, đừng sợ (2010) với giải thưởng SCAD và ACID/CCAS.

Dòng phim tác giả có thể nói như là “sứ giả” của ngoại giao văn hoá VN, mang những hình ảnh về đất nước, con người, cuộc sống VN ra thế giới. Đồng thời dòng phim này còn mang lại nhiều giá trị nhân văn, nhiều thể nghiệm sáng tạo nghệ thuật, góp phần cho điện ảnh VN phát triển, có diện mạo đa dạng, nhiều màu sắc, hoà nhập với xu thế chung của nghệ thuật điện ảnh thế giới. Nên chăng Nhà nước cần có một chiến lược ngắn và dài hạn hỗ trợ mọi mặt cho dòng phim này được phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ được sáng tạo nghệ thuật hết khả năng của mình trong tác phẩm.

Giới truyền thông, các nhà phê bình lý luận điện ảnh nên tạo luồng dư luận xã hội ủng hộ, khích lệ dòng phim tác giả, như một thể nghiệm sáng tạo nghệ thuật, tạo nên sự đa dạng trong nghệ thuật điện ảnh VN. Cũng như khuyến khích các hệ thống phát hành phim cả tư nhân và Nhà nước, nên dành một không gian riêng cho việc phổ biến phim tác giả đến với công chúng, dành cho dòng phim này những ưu đãi, cho dù là công chúng “hẹp”, nhưng “nước chảy đá mòn”, sẽ có một ngày mà dòng phim tác giả VN được công chúng đón nhận như một thứ “đặc sản” của điện ảnh VN, và sẽ gây ấn tượng mạnh với công chúng điện ảnh thế giới qua các LHP quốc tế danh giá.

  • Theo Việt Văn (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)