Điều kiện đăng ký thường trú: Phạm vi quá rộng

Việc bổ sung điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương chỉ nên áp dụng cho nội thành.

Về bổ sung điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương (khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 20 Luật Cư trú), theo quy định của dự thảo Luật thì ngoài quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm, dự thảo Luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc áp dụng quy định này trên phạm vi toàn thành phố trực thuộc trung ương là quá rộng vì trên thực tế nhiều huyện ngoại thành của các thành phố trực thuộc trung ương hiện nay không phải chịu áp lực về mật độ dân cư, có huyện còn khuyến khích dân cư đến ở.

Mặt khác, sự quá tải về dân cư tập trung chủ yếu ở nội thành Hà Nội thì ngày 8/12/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô để giải quyết vấn đề này. Tuy vậy, tại Điều 19 của Luật Thủ đô cũng chỉ quy định các điều kiện hạn chế hơn về đăng ký thường trú đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào nội thành, tức là khu vực gồm các quận của thành phố Hà Nội, còn đối với khu vực ngoại thành, Luật Thủ đô không đưa ra các quy định hạn chế đăng ký thường trú nào. Do đó, Ủy ban pháp luật đề nghị chỉ áp dụng các điều kiện hạn chế đăng ký thường trú trong nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú chiều 21/3

Phát biểu tại phiên làm việc chiều 21/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý với nhiều ý kiến khác cho rằng, phạm vi nên khoanh vào nội thành, việc mở rộng như trong dự án luật là không hợp lý.

Về quy định trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức… thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng, bà Nguyễn Thị Nương- Trưởng Ban Công tác đại biểu đồng ý với Báo cáo của Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định này tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, dễ bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân và đề nghị bỏ quy định này.

Giải trình về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng, việc bỏ xác nhận và công chứng cũng được, song sẽ gây khó khan cho công tác quản lý nhà nước.

“Nếu không quy định như trên và để cho hai bên tự thỏa thuận thì dễ dẫn đến hành vi làm giấy tờ giả, lợi dụng để trục lợi. Nếu có sự xác nhận, công chứng th ông A hay bà B có nhà ở đây thì tốt hơn”, ông Ngọ nói.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nên giữ nguyên quy định như trong dự án Luật. Điều quan trọng là áp dụng trong thực tế, quá trình thực hiện phải nhanh.

Cân nhắc quy định về nơi đề nghị đăng ký thường trú

Quy định “Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú” cũng nhận được nhiều ý kiến bày tỏ chưa đồng tình.

Các ý kiến cho rằng quy định này có thể dẫn đến những hạn chế quyền của người dân, nếu căn cứ quy định này, người thuê nhà và đăng ký tạm trú tại một quận nhưng sau đó mua nhà ở một quận khác thì vẫn phải tiến hành đăng ký tạm trú, sau đó mới có quyền tiến hành đăng ký thường trú tại ngôi nhà mà mình mới mua.

Mặt khác, quy định như dự thảo Luật dễ dẫn đến cách hiểu là để được đăng ký thường trú thì thời hạn tạm trú tại một chỗ ở phải từ 2 năm trở lên. Quy định như vậy là không phù hợp bởi vì việc ở nhờ, mượn hay thuê nhà ở thường không có tính ổn định, có sự phụ thuộc vào các hợp đồng dân sự về thời hạn thuê, mượn, ở nhờ, về giá thuê nhà ở cũng như phụ thuộc vào điều kiện công tác, làm việc, sinh hoạt.

Như vậy, nếu quy định chỉ được đăng ký thường trú vào nơi đang tạm trú sẽ có khả năng nhiều người mặc dù đã tạm trú tại nội thành thành phố trực thuộc trung ương nhiều năm nhưng vẫn không đủ điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành thành phố đó do phải thay đổi chỗ ở nhiều lần mà không có nơi nào tạm trú đủ tới 2 năm. Vì vậy, Ủy ban pháp luật đề nghị bỏ quy định này.

Các ý kiến cũng đồng ý với quan điểm của Ủy ban Pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần cân nhắc về quy định này. Mặt khác, ông Uông Chu Lưu cũng lưu ý nội dung này có nhiều cách hiểu khác nhau một phần cách diễn đạt. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần chú ý diễn đạt một cách rõ ràng để sau khi được thông qua, việc thực thi Luật trên thực tế mới dễ dàng.

Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Tờ trình. Điều quan trọng là làm sao thủ tục bớt rườm rà khi thực hiện trong cuộc sống, đem lại lợi ích cho nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, trong văn bản hướng dẫn cũng như cong tác tập huấn cần quan tâm đến vấn đề này./.

Theo VOV

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)