Hội nghị triển khai Chỉ thị số 14 CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban bí thư Trung ương Đảng và Tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

 


Bàn chủ tọa Hội nghị
Sáng ngày 18/9/2017, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 14 CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban bí thư Trung ương Đảng và Tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Tham dự còn có Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung; đồng chí Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cùng các đồng chí Lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố, các Sở, ban ngành liên quan và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

Theo báo cáo tại Hội nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn năm 2017 là năm “Đền ơn đáp nghĩa”, trong đó tập trung vào 3 khâu đột phá: (1) Chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ; (2) Tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn động sau chiến tranh, phấn đấu đến hết năm 2017 giải quyết căn bản đối với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có hồ sơ tồn đọng; (3) Đẩy nhanh việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình TB - LS và người có công (NCC) với cách mạng” được đẩy mạnh sâu rộng bằng những việc làm cụ thể, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với NCC. Theo thống kê ban đầu, ngân sách Nhà nước đã dành tổng cộng hơn 1.392 tỷ đồng cho công tác thăm, tặng quà, chăm sóc NCC với cách mạng... Hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ đã đạt hiệu quả thiết thực và trở thành trách nhiệm xã hội, tình cảm và một nét đẹp trong đời sống văn hóa Việt Nam, có tính giáo dục cao, góp phần chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần đối với NCC với cách mạng; đặc biệt là giáo dục truyền thống cách mạng, “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trình bày báo cáo tại Hội nghị

Một số hoạt động trọng tâm và các kết quả nổi bật đạt được như sau:

(1) Trên cơ sở kết quả tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, trong đó có 5.900 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng ý chủ trương giải quyết theo quy trình cá biệt nhằm kịp thời đảm bảo quyền lợi cho đối tượng, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ…

(2) Tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc tại Cung Văn hóa Lao động - Hữu nghị Việt xô, thành phố Hà Nội vào sáng ngày 26/7/2017 với quy mô gần 1300 đại biểu, trong đó 700 đại biểu là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến, các thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày,.... Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Bằng khen cho 70 đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen cho 630 đại biểu về dự hội nghị.

Sáng ngày 27/7/2017, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ được tổ chức trọng thể vào sáng ngày 27/7/2017 tại Thủ đô Hà Nội do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì với sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đại diện người có công tiêu biểu.

(3) Tổ chức cầu truyền hình (trực tiếp trên VTV1) với chủ đề “Dáng đứng Việt Nam” nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng vào tối ngày 26/7/2017 tại 04 điểm cầu là Thành phố Hà Nội (Tượng đài liệt sĩ Bắc Sơn), Thành phố Hồ Chí Minh (Đền thờ Bến Dược), Quảng Trị (Thành cổ) và Thái Nguyên (Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7) với sự tham dự của đồng chí Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội tại các điểm cầu...

(4) Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã được tuổi trẻ cả nước tổ chức đồng loạt tại 3.077 nghĩa trang liệt sĩ trong toàn quốc, trong đó tổ chức chính tại 4 địa điểm: Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào (Nghệ An), Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương - Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh).

Các tỉnh, thành phố nơi có nhà tù đế quốc (Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Hà Nội, Sơn La ...) đều tổ chức Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh trong nhà tù đế quốc, tổ chức Lễ cầu siêu cho các liệt sĩ.

(5) Nhiều tác phẩm âm nhạc về đề tài Thương binh - Liệt sĩ được phát hành. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát hành tài liệu, sử dụng các tác phẩm có nội dung về đề tài thương binh, liệt sĩ, người có công đạt giải tại các cuộc thi sáng tác âm nhạc trong thời gian qua để tuyên truyền trong cả nước, đồng thời tổ chức tuần lễ phim về chủ đề này từ ngày 24-30/7/2017.

(6) Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và các cơ quan chức năng của nước bạn Lào cùng cộng đồng Việt kiều tại Lào tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Bản Cơn, huyện Phôn-hông, tỉnh Viêng Chăn vào ngày 23/7/2017 nhằm thể hiện lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp quốc tế cao cả, vì nền độc lập, tự do của hai dân tộc Việt Nam và Lào.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, cụ thể:

- Tổ chức quán triệt Chỉ thị số 14/CT-TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng đến các cấp ủy, chính quyền.

- Tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ trong việc thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng với các hoạt động, lộ trình thực hiện cụ thể.

- Tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn động sau chiến tranh, phấn đấu đến hết năm 2017 giải quyết căn bản đối với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có hồ sơ tồn đọng đang lưu trữ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thành phố và Công an tỉnh, thành phố trở lên.

- Phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các cơ quan Trung ương thực hiện việc giám sát việc thực hiện việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đưa công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban ngành trung ương và địa phương. Đến năm 2018: Cơ bản hóa công tác quản lý tra tìm dữ liệu về người có công và thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người có công. Đến năm 2020: Số hóa cơ bản mọi thủ tục hành chính về công tác chính sách đối với người có công trên phạm vi toàn quốc.

  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những thành tích và đánh giá cao vai trò của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong những năm vừa qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác xây dựng và triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đã tham mưu, phối hợp triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ một cách trọng thể, có chiều sâu, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được dư luận trong cả nước ghi nhận, đánh giá cao, xứng với tầm vóc của sự kiện, mang ý nghĩa chính trị xã hội to lớn; để lại ấn tượng tốt đẹp trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Thông qua các hoạt động kỷ niệm đã góp phần giáo dục, khẳng định công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đối với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước; ý chí bất khuất chống giặc ngoại xâm; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tăng cường niềm tin của đối tượng chính sách và toàn dân đối với Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu toàn Ngành cần triển khai thực hiện hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ trong thời gian tới như:

 (1) Lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Ðảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước về công tác người có công với cách mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng; xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

(2) Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Nghiên cứu, ban hành Pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành; rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách người có công với cách mạng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Nghiên cứu, thực hiện chế độ, chính sách đối với một số đối tượng mới chưa có chính sách.

Ðẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác này. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng.

(3) Đẩy nhanh tiến độ xác nhận người có công với cách mạng, giải quyết hồ sơ tồn đọng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và không để sót.  Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng.

(4) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Tập trung đầu tư trang thiết bị, phương tiện vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

(5) Kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng.

(6) Tiếp tục thực hiện tốt phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa". Thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh và gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, tự nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(7) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách người có công với cách mạng, bảo đảm quyền lợi của người có công với cách mạng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, thay mặt Ngành LĐ-TBXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Đồng thời Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu, ngành LĐ - TBXH khẩn trương đánh giá toàn diện pháp lệnh Người có công để tham mưu sửa đổi pháp lệnh trong thời gian tới với tinh thần càng sớm càng tốt, càng cụ thể càng tốt. Điều chỉnh chính sách hợp lý trên cơ sở vừa đáp ứng yêu cầu, vừa giải quyết được tâm tư nguyên vọng người có công vừa phù hợp điều kiên kinh tế đất nước. Tham mưu Chính phủ chương trình hành động hoặc kế hoạch triển khai chỉ thị 14. Các hoạt động trong lĩnh vực người có công cần bám vào các mục tiêu: Thứ nhất giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng. Giai đoạn 2017 phấn đấu giải quyết căn bản 5.900 hồ sơ đang tồn đọng ở cấp tỉnh và các quân khu cũng như quân đội, công an. Thứ 2: Phấn đấu đến 2020 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng toàn quốc. Thứ 3: Tập trung giải quyết nhà ở người có công theo tinh thần Chỉ thị 22 của Thủ tướng. Thứ 4: Phấn đấu năm 2020 100% gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình nơi dân cư. Bộ LĐ - TBXH và Bộ TT&TT thiết lập xong ngân hàng gen vào năm 2018.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đối với 16 tập thể, 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, triển khai hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH đã trao Bằng khen tặng 93 tập thể, 66 cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Tập thể Báo Quân đội nhân dân và một cá nhân được Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH tặng Bằng khen.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)