 |
Các nghệ sĩ biểu diễn trong Lễ
hội Rồng - Ảnh: Trường Sơn |
Đạo diễn người Tây Ban Nha
Jaume Bernadet Munné chia sẻ với chúng tôi khi đang tất bật chuẩn bị cho
những khâu cuối cùng của "Lễ hội Rồng" - một buổi trình diễn kể lại truyền
thuyết về sự ra đời của thành phố Hà Nội, món quà của Đại sứ quán Tây Ban
Nha dành cho Hà Nội nhân dịp Đại lễ.
Trong chương trình đặc biệt diễn
ra tối qua 2.10, nhóm nhạc kịch Els Comediants của Tây Ban Nha và các nghệ sĩ
của Liên đoàn Xiếc VN đã trình bày một màn hòa trộn âm nhạc độc đáo pha trộn
giữa những yếu tố đặc trưng của văn hóa và truyền thống Việt Nam cùng với những
đặc điểm mang đậm tính cách Địa Trung Hải. Bên cạnh đó là tiết mục bắn pháo hoa
ấn tượng, những vũ điệu sôi động và các tiết mục nhào lộn phong phú. "Lễ hội
Rồng" là một điểm nhấn đặc biệt cho sự tham gia của một loạt các nghệ sĩ trên
thế giới tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Theo Tiến sĩ Almuth
Meyer-Zollitsch, Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội, việc tham dự vào sự kiện kỷ
niệm 1.000 năm của thủ đô Hà Nội là niềm tự hào của các nghệ sĩ Đức. "Chúng
tôi thấy rằng mình không thể nào đứng ngoài sự kiện đặc biệt này được", bà
Meyer-Zollitsch nói.
Trong chương trình Năm Đức tại VN
2010 và hướng tới Đại lễ, Đại sứ quán Đức tại VN cùng với Viện Goethe đã tổ chức
hơn 60 sự kiện nổi bật, trong đó có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật như điện
ảnh, âm nhạc, múa đương đại... Cũng trong tháng 10, hai nhà văn hàng đầu của Đức
hiện nay là Ingo Schulze và Juli Zeh sẽ tới thăm VN và sẽ thể hiện những trải
nghiệm văn học của mình theo những cách khác nhau với công chúng VN. Một loạt
các triển lãm nghệ thuật về Hà Nội cũng sẽ được Đức tổ chức như một món quà mừng
sinh nhật 1.000 năm của Hà Nội.
Trong khuôn khổ "Liên hoan Văn
hóa nghệ thuật Cầu Long Biên", nhóm tứ tấu Dille-Ternoy của Pháp cũng sẽ có một
chương trình biểu diễn các tác phẩm nhạc jazz tại Hà Nội...
Một loạt các chương trình nghệ
thuật đặc sắc của các nghệ sĩ Ý như các buổi biểu diễn của các ca sĩ Francesca
Patanè, Marco Chingari, nghệ sĩ Cello Giovanni Sollima... "Tháng âm nhạc Ý tại
Việt Nam" với các chương trình của nghệ sĩ piano Cesare Picco, nghệ sĩ sáo
Andrea Griminellitrong diễn ra 9.2010 cũng đã được công chúng thủ đô đón nhận
nồng nhiệt...
Tổng giám đốc UNESCO:
“Tôi xúc động khi chiêm ngưỡng khu di sản”
Sáng 2.10, sau khi thăm
khu di tích Hoàng thành Thăng Long, bà Irina Bokova, TGĐ UNESCO đã tới
thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và tham dự triển lãm Hồ Chí Minh và Học tập
suốt đời, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Triển lãm trưng bày gần 300 tài
liệu, hiện vật, phim, ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà Irina Bokova đã dành
cho Thanh Niên cuộc trao đổi ngắn.
* Sau khi thăm khu di
tích Hoàng thành Thăng Long, bà có cảm xúc và suy nghĩ thế nào?
- Sau quãng thời gian
khai quật và khôi phục, sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là
di sản văn hóa của nhân loại, ngày 2.10 là lần đầu tiên khu khảo cổ mở
cửa, tôi rất tự hào khi được tham gia vào sự kiện này. Tôi thật sự xúc
động khi chiêm ngưỡng khu di sản của các bạn. Nhân đây, tôi muốn chuyển
tới các bạn một bức thông điệp: Việc UNESCO trao tặng di sản và mở cửa
chỉ là bước đầu tiên để chúng ta tiếp tục bảo tồn và khai quật. Đây là
công việc rất quan trọng và chúng tôi sẵn sàng hợp tác với VN.
* Bà có tặng cho Bảo tàng
Hồ Chí Minh cuốn sách văn bản Nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO khóa
họp lần thứ 24, diễn ra từ 20.10 tới 20.11 năm 1987. Món quà này có ý
nghĩa như thế nào, thưa bà?
- Sở dĩ tôi tặng cuốn này
cho bảo tàng bởi trong đó có bản Nghị quyết 18.65 của Đại hội đồng
UNESCO về việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là một danh
nhân văn hóa, một lãnh tụ vĩ đại, một nhà thơ, nhà trí thức, một con
người luôn thúc đẩy cho việc học tập suốt đời.
Minh Ngọc
(thực hiện)
|