
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Hội thảoNgày 27/6/2018, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy theo quy định của Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008. Tới dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội. Tham dự Hội thảo còn có đồng chí Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội, các đại biểu đại diện các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức trong nước và quốc tế, đại diện Sở LĐ-TBXH và các cơ sở cai nghiện 15 địa phương …
Sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Vấn đề này đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát; ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới, trong đó có những chất mà ngay sử dụng lần đầu tiên đã có thể dẫn đến hoang tưởng, ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi, có thể tự sát, giết người.

Quang cảnh Hội thảo
Theo Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc thì vấn đề lạm dụng ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, số người sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine (ATS), chất hướng thần, gây ảo giác đang gia tăng mạnh, đặc biệt tại khu vực Châu Á. Tính đến cuối năm 2014, thế giới có khoảng 247 triệu người ở độ tuổi từ 15 tuổi đến 64 tuổi từng sử dụng chất ma túy, trong đó khoảng 10% đã nghiện.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, hiện nay Việt Nam chưa có thống kê toàn quốc về người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, kết quả điều tra xã hội năm 2017 của Tổng cục Thống kê tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy: tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là khoảng 0,66% dân số trong độ tuổi điều tra (từ 15 tuổi đến 64 tuổi); 8% sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi. Kết quả này được điều tra tại 6 tỉnh, thành phố nên không phải là con số đại diện cho cả nước, nhưng nó cũng phản ánh tương đối chính xác tình hình của cả nước hiện nay.
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung chính, như tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thi hành chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy quy định tại Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi năm 2008) nhằm chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập không còn phù hợp với tình hình thực tiễn và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy.

Bàn chủ trì Hội thảo
Trên cơ sở chia sẻ của các chuyên gia quốc tế, Thứ trưởng mong muốn Hội thảo sẽ tiếp thu kinh nghiệm hay của quốc tế trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về công tác cai nghiện ma túy, trong đó quan tâm nghiên cứu, từng bước áp dụng các chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện ma túy và chuẩn quốc tế về điều trị nghiện ma túy mà các nước trên thế giới đang áp dụng hiện nay. Đồng thời Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể để sửa đổi, bổ sung luật phòng, chống ma túy trên tinh thần phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo quyền công dân, quyền con người theo các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo tổng kết thi hành chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy quy định tại Luật Phòng, chống ma túy, đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy; tại sự kiện này, đại diện các Bộ, ngành liên quan sẽ báo cáo tham luận về kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về cai nghiện ma túy thuộc nhiệm vụ quản lý của các Bộ, ngành. Đồng thời các chuyên gia cũng giới thiệu tóm tắt chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện ma túy và điều trị nghiện ma túy; trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách với người sử dụng ma túy...
Theo báo cáo được trình bày tại Hội thảo, giai đoạn 1994-2014, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tăng hơn 3 lần, trung bình tăng 6.400 người/năm, giai đoạn 2015-2017 trung bình tăng 9.300 người/năm. Người nghiện có ở tất cả các địa phương, ở mọi thành phần, lứa tuổi song chủ yếu là lớp trẻ; khoảng 50% người nghiện có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Hiện này, gần 2/3 thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, đây là bài toán nan giải trong việc giải quyết tình trạng nghiện và giải quyết việc làm cho thanh niên trong bối cảnh dư thừa lao động hiện nay. Nghiện ma túy là tác nhân chủ yếu làm thanh niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy khoảng 50% và gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy trong các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ là 41,04%, tỷ lệ phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy là 28,25%.
Đây là thực tế đáng chú ý khi xây dựng chính sách đối với người sử dụng, người nghiện ma túy, không chỉ xem trọng khía cạnh y tế mà cần cân nhắc trọng tâm là các khía cạnh xã hội và trật tự xã hội để đảm bảo tính toàn diện.