Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn

Tiếp tục phiên họp thứ 10, sáng 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với một số thành viên Chính phủ.




Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến tới tất cả các đoàn đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn và mời Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn trong một ngày rưỡi về những vấn đề quan trọng mà các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đang quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ giải trình những vấn đề xung quanh chính sách việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động. Thống đốc ngân hàng giải trình về giải pháp để khắc phục, giảm dần nợ xấu; vấn đề an ninh, an toàn của hệ thống tài chính tín dụng. Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ giải trình về những giải pháp đối với các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai; biện pháp theo dõi, xử lý hoặc thu hồi tài sản sau thanh tra; hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty...

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền là người mở đầu phiên chất vấn. Bộ trưởng đã trả lời các chất vấn liên quan đến các nhóm vấn đề: đào tạo nghề, đặc biệt là trong việc thực hiện chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm đối với đồng bào dân tộc và việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Tham gia trả lời chất vấn còn có Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Tô Lâm.

Tăng cường công tác dạy nghề, giải quyết việc làm

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Nguyễn Thanh Thủy về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, việc làm cho lao động khu vực nông thôn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng thời gian qua công tác dạy nghề, tạo việc làm được quan tâm, nhiều trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm được đầu tư xây dựng, nâng cấp, góp phần nâng cao đời sống người lao động, phát triển kinh tế- xã hội chung của đất nước.

Đối với việc dạy nghề, tạo việc làm khu vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan đã triển khai nhiều chương trình, đề án dạy nghề, tạo việc làm đối với khu vực này. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về kỹ năng nghề và tác phong công nghiệp. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong hai năm vừa qua mới chủ yếu tập trung vào các mô hình thí điểm. Việc đào tạo mở rộng ở các địa phương vẫn còn có hạn chế, yếu kém; còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trong thời gian tới, cùng với việc cải tiến chương trình dạy và học nghề, tạo việc làm theo hướng xây dựng thị trường lao động gắn với nhu cầu của xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên trong dạy nghề và tạo việc làm khu vực nông thôn.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Danh Út về nguyên nhân của tình trạng tỷ lệ qua đào tạo nghề hiện nay đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chưa đạt 10%, trong khi cả nước đạt 43%, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết tình trạng này là do kinh phí đào tạo nghề của các địa phương còn hạn chế. Các doanh nghiệp không "mặn mà" trong đào tạo và đầu tư vào các khu vực vùng sâu, vùng xa, do vậy không khuyến khích được đồng bào dân tộc tham gia các lớp dạy nghề. Bên cạnh đó, cách thức đào tạo nghề đối với đồng bào dân tộc chưa phù hợp, khiến công tác dạy nghề và tạo việc làm khu vực này hạn chế.

Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận đây là trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu điều chỉnh cách thức đào tạo cho phù hợp. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp trung tâm dạy nghề tại 62 huyện nghèo trong cả nước. Để giải quyết những bất cập hiện nay trong công tác dạy nghề, trong năm 2012, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tổng kiểm tra Chương trình dạy nghề trên cả nước.

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Ngô Thị Minh về bất cập trong công tác dạy nghề do thuộc quyền quản lý nhà nước của hai Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang đào tạo trung cấp nghề chuyên nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý về dạy nghề kỹ thuật, trong đó có trung cấp, sơ cấp, cao đẳng nghề, dạy nghề ngắn hạn dưới 1 năm và 3 tháng. Bộ trưởng cho rằng nên sát nhập và thống nhất một bộ quản lý công tác dạy nghề, nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Đồng tình với việc cần cần có sự thống nhất quản lý đối với công tác dạy nghề, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nhấn mạnh không phải chỉ hệ thống trường mà còn nhiều trung tâm thuộc hai Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý còn hạn chế về nguồn lực trang thiết bị, đội ngũ giáo viên. Vì vậy, các địa phương cũng cần chủ động tính toán việc sát nhập các trung tâm dạy nghề.

Thực hiện các biện pháp hạn chế lao động phổ thông nước ngoài tại Việt Nam

Trả lời câu hỏi về các biện pháp quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam và xử lý lao động nước ngoài tại Việt Nam vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Nghị định 34/2008/NĐ-CP và 46/2011/NĐ-CP nêu rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là chỉ đạo các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra, giám sát và quản lý đối với các tổ chức sử dụng lao động nước ngoài; cấp phép cho lao động nước ngoài tại địa phương. Quy định trường hợp lao động nước ngoài làm việc dưới thời hạn 3 tháng không phải cấp phép lao động ( theo Nghị định 34/2008/NĐ-CP) cần phải xem xét lại, vì ngành lao động có quy định yêu cầu những đơn vị sử dụng lao động nước ngoài phải thông báo với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trước 7 ngày, tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện chưa nghiêm. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đến Việt Nam nếu sử dụng trên dưới 500 lao động theo quy định phải tuyển dụng lao động tại địa phương.

Với trường hợp sử dụng trên 500 lao động nếu quá 60 ngày không tuyển được sẽ được phép sử dụng lao động nước ngoài; doanh nghiệp dưới 500 lao động nếu quá 30 ngày không tuyển dụng được, họ cũng có quyền sử dụng lao động nước ngoài. Vì vậy, trên cơ sở quy định đó, số lao động phổ thông ở nước ngoài đông như vậy.

Theo Bộ trưởng, trong Bộ luật Lao động có hiệu lực vào tháng 5/2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chuẩn bị những văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và sẽ lưu ý kỹ vấn đề này. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có văn bản chỉ đạo cơ quan cấp tỉnh kiểm tra chặt chẽ và xử lý những trường hợp vi phạm, nhưng việc xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang cố gắng thực hiện các biện pháp hạn chế tối đa việc sử dụng lao động phổ thông nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng đề nghị cần có hình thức xử lý đối với những tổ chức sử dụng người lao động vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tham gia trả lời chất vấn, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết hiện nay có khoảng 78.440 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (tăng 6% so với năm 2011), trong đó, số lao động đã được cấp phép 40.529 người, không thuộc diện cấp phép là 5.500 nghìn người, chưa được cấp phép 31.330 người. Về quốc tịch, có 60 quốc gia, quốc tịch châu Á chiếm 58%; trình độ, lao động có trình độ trên đại học chiếm trên 48%; có giao kết về hợp đồng lao động chiếm 54%, trong đó hợp đồng từ 24-36 tháng cao nhất 76%, dưới 12 tháng chiếm hơn 23%.

Theo Thứ trưởng Tô Lâm, thực trạng công tác quản lý lao động nước ngoài trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Do yêu cầu thực hiện các dự án, đặc biệt đối với những dự án nhà thầu nước ngoài trúng thầu, lực lượng lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam khá lớn. Một số lao động trong tình trạng chờ đợi được cấp phép vì chưa đủ điều kiện; một số người vào Việt Nam theo hình thức du lịch nhưng sau đó ở lại Việt Nam tìm việc làm... Số lao động này phần lớn vi phạm về cả thời hạn visa và thời hạn cư trú. Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề này đối với ngành công an rất khó khăn, đặc biệt là đối với số người có quốc tịch từ châu Phi vì họ không có sứ quán, cơ quan đại diện tại Việt Nam để nhận trách nhiệm. Vừa qua, Bộ Công an đã khắc phục được tình trạng này.

Trong thời gian qua, các văn bản quy định của Nhà nước về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam đã tạo ra hành lang pháp lý để các cơ quan chức năng có thêm công cụ thực hiện quản lý có hiệu quả những đối tượng này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các văn bản này chưa nghiêm và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa nhịp nhàng. Những văn bản quy định vẫn còn nhiều sơ hở dẫn đến việc các cơ quan quản lý nhà nước lúng túng trong thực hiện và nhiều đối tượng đã lợi dụng để lách luật.

Về giải pháp để quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam, Thứ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ Công an đã phân cấp quản lý người nước ngoài ngay tại cơ sở theo địa bàn khu vực, khu dân cư, nhà máy và xí nghiệp nên đã đảm bảo các vấn đề an ninh, trật tự tại địa bàn có người nước ngoài cư trú.

Đề xuất các cơ chế bảo đảm quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp bỏ trốn

Xung quanh việc quản lý đối với chủ lao động là người nước ngoài bỏ trốn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết quy định về quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp phá sản đã có, nhưng đối với trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn hiện chưa có quy định cụ thể nào. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cùng Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ một số chính sách bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Giải thích thêm về chính sách đối với lao động trong trường hợp chủ lao động là người nước ngoài bỏ trốn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng trước hết phải áp dụng các quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, nghĩa là thực hiện và mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời áp dụng quy định của Luật phá sản. Trường hợp chủ bỏ trốn, doanh nghiệp đó rơi vào tình trạng phá sản, phải thanh lý tài sản của doanh nghiệp, việc ưu tiên giải quyết đầu tiên là quyền lợi của người lao động. Trong khi chưa thanh lý được thì trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan quản lý chủ doanh nghiệp nước ngoài đó để tạm ứng về ngân sách.

Một cơ chế nữa đã được Bộ Tài chính đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quyết định 23 thay thế cho Quyết định 113 về Quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp Trung ương chuyển thành Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, trong đó có mở rộng phạm vi chi của quỹ, có thể hỗ trợ một phần cho người lao động tại các doanh nghiệp có chủ sử dụng lao động bỏ trốn.

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong số 44 đại biểu đăng ký đã có 26 đại biểu trực tiếp nêu câu hỏi, 5 đại biểu nêu câu hỏi lại đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. Hầu hết các câu hỏi đều đã được Bộ trưởng trả lời trực tiếp, số còn lại Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng đã có báo cáo nghiêm túc về những nhóm vấn đề chất vấn, trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sau phiên chất vấn tiếp tục chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ dạy nghề, gắn với giải quyết việc làm, gắn với yêu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề...

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cần chú ý đến vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc, lao động nông thôn, xem đây là biện pháp quan trọng thực hiện giảm nghèo bền vững, đồng thời sớm triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục khó khăn, tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về chính sách dạy nghề, tạo việc làm đối với đồng bào dân tộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trước hết là những nội dung còn sơ hở để sớm hoàn thiện hế thống quy phạm pháp luật, trước mắt là sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Bộ Luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/5/2013), trong đó có nội dung quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ cũng cần tăng cường công tác hướng dẫn pháp luật, thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại các dự án đầu tư do nhà thầu nước ngoài trúng thầu và thi công tại Việt Nam.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cần phối hợp với các Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng để quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam./.

Theo Vietnamplus

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)