Chương
trình do Báo Quân đội nhân dân (QĐND), Bộ tư lệnh Quân khu 7, Đài
Truyền hình Việt Nam, Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội nhân
dân, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn
và Công ty Cổ phần truyền thông Bách An phối hợp tổ chức, diễn ra tối
8-12 tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam, được truyền hình trực tiếp
trên kênh VTV9 và Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Đây là hoạt động
thiết thực kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 24 năm Ngày hội
Quốc phòng toàn dân (22-12), 68 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu 7
(10-12) và 47 năm Truyền thống Bộ đội Đặc công Rừng Sác. Tới dự chương
trình có Thiếu tướng Hoàng Văn Nghĩa, Chính ủy Quân đoàn 4, Thiếu tướng
Trần Văn Hùng, Phó chính ủy Quân khu 7, Thiếu tướng Trần Thành Lập,
nguyên Chính ủy Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, Đại tá Phạm Văn Huấn,
Bí thư Đảng ủy, Phó tổng biên tập Báo QĐND, cùng nhiều cán bộ lão thành
cách mạng...
Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Chiến
tranh đã lùi xa gần 4 thập kỷ, nhưng những câu chuyện về các chiến công
của Bộ đội Đặc công Rừng Sác vẫn như mới hôm qua. Chỉ tính riêng trong 9
năm trực tiếp đương đầu với Mỹ-ngụy, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã đánh
596 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch, đánh chìm hàng trăm
tàu chiến và tàu vận tải của địch. Những chiến công ấy được tạo nên nhờ
sự sáng tạo trong cách đánh, tinh thần chiến đấu anh dũng, quật cường
của các chiến sĩ Đặc công Rừng Sác. Một trong những trận đánh tiêu biểu
là tập kích Kho Xăng dầu Nhà Bè năm 1973, gây chấn động cả Lầu Năm Góc.
Kho Xăng dầu Nhà Bè được bảo vệ đặc biệt với hàng chục lớp rào, chó
nghiệp vụ, ngỗng, hệ thống đèn pha và lực lượng liên phòng hỗn hợp trên
không, dưới nước. Tám chiến sĩ trong Đội 5-Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác
được giao nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu quan trọng này.
 |
Thiếu tướng Trần Thành Lập (đứng) giao lưu tại chương trình. |
Anh
hùng LLVT nhân dân, Đại tá Nguyễn Hồng Thế, một trong tám chiến sĩ tham
gia trận đánh kể lại: “Trong lễ xuất quân ra trận, từng đồng chí một thề
quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, tuyên thệ đánh được kho xăng mới về và
xác định trận này là trận cuối cùng, phải đánh thắng bằng mọi giá”.
Chúng tôi dự kiến 11 tình huống, mỗi tình huống là một phương án tấn
công, nhưng tất cả đều có điểm chung nhất là lao lên phía trước, hành
động quyết liệt, không có phương án rút lui nửa chừng. Mỗi chiến sĩ xác
định, tự để dành cho mình một quả lựu đạn cuối cùng. Trong trường hợp bị
địch bao vây, sẽ quyết tử, chấp nhận hy sinh. Đêm 2-12-1973, tám chiến
sĩ cảm tử bơi qua sông Nhà Bè tiếp cận mục tiêu. Bằng kỹ thuật điêu
luyện, các anh lọt qua các lớp hàng rào và qua mặt lính canh, đặt thuốc
nổ ở những bồn xăng. 0 giờ 35 phút, Kho Xăng dầu Nhà Bè phát nổ, lửa bốc
lên cháy rực trời. Trận đánh thiêu hủy 250 triệu lít xăng dầu, 12 bồn
butaga, một tàu dầu Hà Lan 12 nghìn tấn… Hai đồng chí trong đội cảm
tử là Nguyễn Công Bao và Phạm Văn Tiềm bị địch phát hiện, đã chiến đấu
dũng cảm đến hơi thở cuối cùng.
Giao
lưu trong chương trình, Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, cán bộ Chi
nhánh Nhà xuất bản QĐND tại TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Đoàn 10 Đặc công
Rừng Sác đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù và là niềm tin yêu tự
hào của quân và dân ta, nhất là quân và dân Nam Bộ. Các chiến sĩ Đặc
công Rừng Sác không chỉ chiến đấu với quân địch mà còn phải chiến đấu
với cá sấu, vũ khí hóa học. Khó khăn là thế nhưng tinh thần chiến đấu
của các anh thật đáng khâm phục với ý chí quyết tử, sẵn sàng hy sinh để
hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả các liệt sĩ Rừng Sác ngã xuống đều xứng đáng
là những người anh hùng”.
Lúc nào cách mạng cần, tôi lại đi tiếp tế!
Trước khi chương trình diễn
ra, sáng cùng ngày, Ban tổ chức chương trình phối hợp với UBND huyện Cần
Giờ đã làm lễ dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác. Trong chương
trình, Ban tổ chức và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cùng các nhà
tài trợ đã tặng 10 sổ tiết kiệm tình nghĩa (mỗi sổ trị giá 5 triệu
đồng) cho thân nhân các gia đình liệt sĩ và 5 chiếc xe lăn (mỗi xe trị
giá 6 triệu đồng) cho Ban liên lạc Cựu chiến binh Đoàn 10 Đặc công Rừng
Sác.
|
Những
chiến thắng vang dội của chiến sĩ Đặc công Rừng Sác có phần công sức
không nhỏ của nhân dân địa phương, trong đó có những bà má Cần Giờ. Gia
đình má Nguyễn Thị Trị ở xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh đã
gắn bó máu thịt với Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác trong suốt những năm
chiến tranh. Vì tiếp tế cho bộ đội mà má từng bị địch bắt 4 lần và bị
đày ra Côn Đảo. Cô con gái út của má, Nguyễn Thị Tiến, cũng bị địch bắt
khi đang đi đổi tiền cho các chiến sĩ Rừng Sác. Chị Tiến bị chúng tra
tấn dã man đến mức mang bệnh thần kinh. Trải qua bao mất mát, hy sinh,
má Trị vẫn luôn vươn lên như cây đước sống hiên ngang giữa vùng nước
ngập mặn. Thiếu tướng Trần Thành Lập, người từng gắn bó chặt chẽ với
nhân dân Cần Giờ, đánh giá: "Suốt cuộc đời, người lính chúng tôi luôn
tâm niệm, nếu không có dân thì chúng tôi không sống được, không chiến
đấu được. Tất cả những sự giúp đỡ đó đều xuất phát từ lòng thương yêu bộ
đội, thương yêu lính Đặc công Rừng Sác. Má Trị đã góp công rất lớn
trong những chiến thắng của Đoàn 10, đặc biệt trong trận đánh chìm con
tàu vận tải 10.000 tấn Ba-tông-ru-giơ Vích-to-ri.
Má Bảy
Thiệt (tên thật là Nguyễn Thị Thơm), ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ,
có 3 con là liệt sĩ, cũng từng rất nhiều lần tiếp tế cho Bộ đội Rừng
Sác. Má Thiệt kể lại: "Anh em gian khổ chiến đấu để giải phóng quê hương
mình thì mình phải giúp đỡ là điều tất nhiên. Tiếp tế cho bộ đội là
việc làm bình thường của người dân có trách nhiệm với đất nước, với bộ
đội. Má có nhiều người con trong rừng lắm...”. Đã ngoài 80 tuổi nhưng má
vẫn thể hiện lòng quyết tâm như ngày nào. Má nói: Bây giờ, nếu có yêu
cầu, tôi lại sẵn sàng đi ủng hộ, tiếp tế cho bộ đội.
Ngồi
im lặng trong khán phòng, theo dõi chương trình, cựu chiến binh Phạm Thị
Nhung không ít lần rơi nước mắt. Cô từng làm y tá cho Đoàn 10 Đặc công
Rừng Sác từ những ngày đầu thành lập cho đến khi đất nước giải phóng. Cô
Nhung tâm sự: Chương trình này có ý nghĩa rất lớn, nó làm tôi và các
đồng đội nhớ lại những năm tháng chiến đấu gian khổ mà hào hùng của các
chiến sĩ Đặc công Rừng Sác. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ hôm nay hiểu
sâu thêm về sự hy sinh, mất mát và tinh thần chiến đấu dũng cảm của các
bác, các chú đi trước”.
Đan
xen giữa các phóng sự, giao lưu là những tiết mục biểu diễn nghệ thuật
đặc sắc do các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 và nhiều nghệ sĩ nổi
tiếng khác thể hiện. Những lời ca, tiếng hát hùng tráng ngân vang như tô
đậm thêm khúc tráng ca mang tên người chiến sĩ Đặc công Rừng Sác. Phẩm
chất anh hùng, khí phách kiên trung, lòng dũng cảm, ý chí quyết chiến
quyết thắng... của các anh mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng về
lý tưởng cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. /.
• Theo QDND