Báo
cáo với Thứ trưởng về tình hình thực hiện chính sách đối với người có
công trên địa bàn, ông Phạm Bá Vương, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương
binh và Xã hội tỉnh cho biết, trải qua hai cuộc kháng chiến giải phóng
dân tộc, toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có 54 Anh hùng Lực lượng Vũ trang
Nhân dân, 847 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong và truy tặng, 19.000
liệt sỹ, 2.500 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm
chất độc hoá học, 4.500 người bị địch bắt tù đầy, 16.000 người có công
giúp đỡ cách mạng… Thấm nhuần đạo lý Uống nước nhớ nguồn của dân tộc,
trong những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó
khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã cùng nhau nỗ
lực thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho các
gia đình chính sách.

Chỉ
tính riêng năm 2008, toàn tỉnh đã vận động được trên 1,185 tỷ đồng ủng
hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, góp phần xây dựng và sửa chữa 120 căn nhà tình
nghĩa; hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 132 cán bộ tiền khởi nghĩa; tất cả
các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các tổ chức, đơn vị nhận
phụng dưỡng suốt đời với mức hỗ trợ từ 200.000 đến 300.000 đồng/ tháng;
khám và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách đến điều dưỡng
và các cụ thường xuyên sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng Người có công của
tỉnh với tổng số tiền gần 15 triệu đồng; tổ chức điều dưỡng luân phiên
cho 2.052 lượt người có công; tiếp nhận và giải quyết cho 4.091 hồ sơ
các loại, trong đó có 795 trường hợp người có công giúp đỡ cách mạng,
86 hồ sơ người hoạt động kháng chiến chết trước ngày 1/1/1997, 146
trường hợp trang cấp dụng cụ chỉnh hình, 332 hồ sơ ưu đãi học sinh,
sinh viên…Về công tác mộ liệt sỹ, toàn tỉnh đã tiến hành xây dựng và
sữa chữa 13 hạng mục nghĩa trang liệt sỹ; triển khai công tác tìm kiếm
và quy tập mộ liệt sỹ, trong năm đã quy tập được 25 hài cốt liệt sỹ tại
nước bạn Lào và 65 mộ trong nước về an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ
trên địa bàn tỉnh. Với các hoạt động thiết thực đó, đến nay, 100% xã,
phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận làm tốt công tác thương
binh, liệt sỹ; trên 95% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao
hơn mức sống trung bình của dân cư địa phương.
Sau
khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của một số đại biểu người có công,
Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc đã ghi nhận những cố gắng của các cấp uỷ, chính
quyền và đặc biệt là ngành Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh trong
việc đảm bảo đời sống cho các gia đình chính sách. Thứ trưởng nói, Đảng
và Nhà nước ta đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ. Với
chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ
thực hiện tốt hơn nữa chính sách ưu đãi, từng bước bổ sung hoàn thiện,
đồng thời sẽ nghiên cứu tiếp tục nâng mức trợ cấp cho phù hợp với thực
tế. Cho dù sự hỗ trợ, quan tâm đến đâu cũng không thể bù đắp được sự hy
sinh, mất mát của các mẹ, các bác, các anh chị nhưng điều quan trọng
nhất là danh dự, sự tôn vinh công lao mà các thế hệ người con Việt Nam
sẽ mãi mãi khắc sâu ghi nhớ.
Bên
cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhắc nhở lãnh đạo các ban ngành của tỉnh Thừa
Thiên- Huế và trực tiếp là ngành Lao động- Thương binh và Xã hội cần
tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đối tượng chính sách, rà soát lại những
hộ còn khó khăn, nhất là về nhà ở để giúp đỡ, hỗ trợ, quyết không để hộ
chính sách nào phải ở nhà dột nát; thực hiện nghiêm túc các chế độ
chính sách, giải quyết triệt để những vấn đề còn vướng mắc, tồn tại.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng mong các bác, các mẹ, các anh, các chị
hãy cố gắng giữ gìn sức khoẻ, phát huy truyền thống cách mạng của gia
đình để giáo dục con cháu vươn lên trong học tập, công tác, cùng gắng
sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.