Nhất trí để Nhà nước quy định khung giá bán lẻ điện bình quân

Một nội dung sửa đổi đáng chú ý trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực được trình lên Quốc hội sáng 31/5 là giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị điện lực tự quyết định trên cơ sở khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân do Nhà nước quy định.

Trong tờ trình, Chính phủ cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật điện lực là nhằm đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với các hoạt động điện lực, phân định rõ chức năng quản lý, điều tiết của Nhà nước về điện lực và nhiệm vụ quản lý sản xuất kinh doanh điện. Đồng thời, bảo đảm phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị điện lực, không phân biệt đối xử trong hoạt động điện lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động điện lực, bảo đảm kết hợp hài hoà quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực, của khách hàng sử dụng điện và của Nhà nước; đảm bảo sự thống nhất và phù hợp giữa Luật điện lực với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Trên cơ sở đó, Luật Điện lực được sửa đổi, bổ sung một số điều như: định nghĩa "giá bán buôn điện” và "giá bán lẻ điện”; quy định cụ thể về quy hoạch phát triển điện lực; bỏ việc lập quy hoạch phát triển điện lực huyện/quận/thị xã và thành phố thuộc tỉnh; quy định Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lập cho từng giai đoạn mười (10) năm và có định hướng cho mười (10) năm tiếp theo; bổ sung nguyên tắc giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; quy định về giá điện và các loại phí…


Đáng chú ý, về giá điện và các loại phí, dự luật sửa đổi như sau: Giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực xây dựng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá điện.


Khung giá phát điện; giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá bán buôn điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng, cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ Công thương phê duyệt.


Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt quá khung giá phát điện đã được phê duyệt.


Giá mua bán điện giao ngay được hình thành theo thời điểm giao dịch trên thị trường điện lực.


Phí điều tiết hoạt động điện lực là khoản thu để bù đắp chi phí cho công tác điều tiết các hoạt động điện lực, do Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí điều tiết hoạt động điện lực .


Nhất trí để Nhà nước quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân


Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội đánh giá, việc sửa đổi Luật điện lực hiện hành phù hợp với quan điểm đẩy mạnh phát triển hạ tầng cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cơ bản thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước mà đã được khẳng định trong nhiều Văn kiện quan trọng.

 

Về cơ bản, nội dung Dự thảo Luật đã bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế. Tuy nhiên, có một số quy định trong Dự thảo Luật cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và chỉnh lý cho thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành như Pháp lệnh phí và lệ phí, Pháp lệnh giá, Luật thanh tra... Đồng thời, cần tham khảo các quy định có liên quan trong một số dự thảo luật đang được chuẩn bị trình Quốc hội khóa XIII thông qua trong kỳ họp thứ 3, đặc biệt là Dự thảo Luật giá.

Đáng chú ý, với các quy định về giá điện, Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ cho rằng trong thời gian vừa qua, giá điện chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận hợp lý, do đó chưa thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho sản xuất, truyền tải, phân phối điện, đồng thời chưa tạo động lực cho việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, ứng dụng công nghệ sản xuất sử dụng ít điện năng. Do vậy, việc dự thảo luật quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước” là phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ chế quản lý, điều hành lĩnh vực điện lực theo cơ chế thị trường, vừa bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, mà vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện - loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân cả nước, đồng thời khuyến khích, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành điện cũng như tạo động lực để thúc đẩy việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.


Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành điện nước ta và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ cân nhắc, nghiên cứu thêm vấn đề thị trường điện cạnh tranh; cụ thể hóa nội hàm khái niệm “có sự điều tiết của Nhà nước” và chính sách của Nhà nước về giá điện. Chính sách của Nhà nước về giá điện quy định trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực phải phù hợp với quy định của Luật giá đang được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Theo đó, Nhà nước định giá cụ thể đối với giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; định khung giá đối với giá phát điện, bán buôn điện, mức giá bán lẻ điện bình quân.


Về giá bán lẻ điện, Ủy ban nhất trí để Nhà nước quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân cũng như quy định cơ chế điều chỉnh giá. Theo đó, giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực quyết định trên cơ sở khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân mà Nhà nước đã quy định.


Về căn cứ lập và điều chỉnh giá điện, Ủy ban nhất trí quy định: “Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm của đơn vị điện lực” là một trong những căn cứ lập và điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý các quy định này theo hướng làm rõ kiểm toán độc lập hay kiểm toán nhà nước tham gia kiểm toán các đơn vị điện lực và sự thống nhất với những quy định về định giá của Dự thảo Luật giá đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua.


Về giá phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cân nhắc việc quy định nhiều loại giá và phí có thể làm tăng giá bán điện, đặc biệt thị trường điện vẫn còn sự độc quyền của Nhà nước trong thời gian khá dài nữa. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm về sự thay đổi từ phí thành giá; xem xét tính đồng bộ của các quy định này với Dự thảo Luật giá và sự cần thiết cập nhật Danh mục phí và lệ phí.


Về quy định phí điều tiết điện lực, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với hướng bổ sung quy định phí điều tiết hoạt động điện lực như trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, trong các Luật này, Bộ Tài chính thường là cơ quan chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng chuyên ngành quy định hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết các nội dung liên quan đến loại phí đó. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ lý do giao Chính phủ quy định phí điều tiết hoạt động điện lực.


Về giá bán lẻ điện ở nông thôn, miền núi, hải đảo, Ủy ban nhất trí quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí, có lợi nhuận hợp lý cho đơn vị điện lực” nhưng cần xem xét, cân nhắc thêm trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không đủ nguồn lực để thực hiện nguyên tắc này; trường hợp người dân phải mua điện với giá rất cao, chất lượng điện chưa đáp ứng yêu cầu…


Dự án Luật điện lực sửa đổi sẽ được các đại biểu thảo luận tại hội trường vào ngày 20/6 tới./.

Theo Hanoimoi

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)