ĐBQH Cao Sỹ Kiêm: Cần xử lý nghiêm hoạt động đầu cơ

Đánh giá Chính phủ đã có nhiều chính sách ra tương đối kịp thời, toàn diện, khá sát với tình hình lạm phát, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm cho rằng việc xử lý nghiêm hoạt động đầu cơ là cần thiết.

TS Cao Sỹ Khiêm

TS Cao Sỹ Kiêm, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí sau phiên họp Quốc hội ngày 24/11.

Có nguyên nhân đầu cơ

PV: Tính đến tháng 11, lạm phát đã vượt cả chỉ tiêu cả năm? Có nguyên nhân nào đặc biệt khiến CPI tháng 10 và tháng 11 tăng cao khi Chính phủ đã có nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát?

TS.Cao Sỹ Kiêm: CPI và lạm phát cao có tác động cộng hưởng của nhiều lý do, vừa do tác động từ bên ngoài như giá vàng thế giới tăng cao, khả năng khôi phục nền kinh tế thế giới chậm lại, không đều ở các nền kinh tế, tác động từ chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước bằng cách sử dụng biện pháp tiền tệ, tỷ giá và gói kích thích Mỹ vừa tung ra lại làm cho tình hình thêm phức tạp…  Những nguyên nhân này vừa có tác động thực chất lẫn tâm lý lên nền kinh tế. 

Cũng có các nguyên nhân từ trong nước. Đầu tiên là thiên tai dịch bệnh dồn dập làm tăng giá lương thực, suy giảm nguồn thực phẩm, rau xanh. Trong khi, giá lương thực - thực phẩm, chiếm tới 39% trong rổ hàng hóa tính CPI, nên CPI bị "kích" lên rất nhanh. 

Thứ hai là tác động tâm lý do việc để lãi suất theo thị trường, lãi suất tăng cao do đó đẩy vào chi phí, vào giá thành, các mặt hàng lại kích giá lên.

Thứ ba là việc điều chỉnh một số loại giá, vừa rồi giá USD cũng tăng lên.

Cuối cùng là do các yếu tố như kinh tế đang đà khôi phục, cần đầu tư, yếu tố thời vụ cuối năm làm tăng sức mua.

Phải nói thêm là thời gian vừa qua, việc tăng giá không hoàn toàn do yếu tố cung cầu, chắc chắn có những  người vì lợi ích cục bộ, lợi dụng tranh thủ tình thế tung tin, đầu cơ, tăng giá, thậm chí ”chưa mưa đã té nước”. Ví dụ, trong TP.HCM, có thời điểm hàng hóa, rau quả rất sẵn nhưng, giá cả chợ đầu mối rẻ, nhưng khi những chợ bán lẻ bán giá cao, gây tâm lý thiếu thốn giả tạo.

PV: Với tư cách đại biểu Quốc hội, ông có nhận xét gì về công tác điều hành của Chính phủ trong thời gian vừa qua?

Xét toàn diện, Chính phủ vừa rồi đã có nhiều cố gắng, chính sách ra tương đối kịp thời, toàn diện, khá sát với tình hình, đặc biệt giải quyết tốt những vấn đề tình thế.

Tuy nhiên, việc thực hiện cụ thể ở cấp thực thi, hoặc các địa phương triển khai cụ thể thì một số chỗ còn chưa có sự phối hợp, đồng bộ.

Hiện tại, việc nắm thông tin chính sách của các DN còn chưa đồng đều, mỗi chính sách đều có tác động hai mặt, có thể ảnh hưởng đối với những nhóm khác nhau. Do đó, trước khi triển khai chính sách cần đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền để các doanh nghiệp, người dân hiểu rõ chính sách là vì lợi ích chung, đồng thời có khoảng thời gian cần thiết để các doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị.   

Ngoài ra, các cấp chính quyền, các ngành cần triển khai quyết liệt kiểm soát, kiểm tra, xử lý việc đầu cơ, tăng giá tùy tiện, tạo tâm lý bất ổn để trục lợi.

Phối hợp đồng bộ chính sách hỗ trợ DN

PV: Theo đánh giá của ông thì các DN đã ứng phó như thế nào với tình huống nói trên?

TS Cao Sỹ Kiêm: Lạm phát cao thì lãi suất cao, nhiều DN vay vốn gặp khó khăn, những DN yếu thế sẽ bị phải thu hẹp sản xuất, thu nhập thực tế người lao động giảm...

Tuy nhiên, các DN ở Việt Nam thường có phản xạ ứng phó khá tốt để giảm thiểu được tác động xấu, tuy nhiên để doanh nghiệp phát triển vững mạnh trở lại là một vấn đề dài hạn.

Chúng ta đã có kinh nghiệm từ lạm phát cao và khủng hoảng trong 2 năm 2008 và 2009, tình hình thậm chí còn phức tạp hơn bây giờ. Các DN phải căn cứ tình hình cụ thể, phân tích tác động khách quan, chủ quan, tiềm năng thế mạnh để tìm mọi cách thích nghi.

Nhà nước cũng cần phải có những xử lý đặc biệt, thể hiện ở việc có chính sách và điều hành sát thực tế, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó.

PV: Từ góc nhìn của một chuyên gia, ông có ý kiến gì về các giải pháp hỗ trợ DN trong thời điểm hiện nay?

TS Cao Sỹ Kiêm: Giải pháp quan trọng hơn cả là phải kìm giữ lạm phát bằng sự phối hợp thực sự giữa các chính sách với nhau: chính sách tài khóa, tiền tệ, xuất nhập khẩu, hải quan, thuế… Theo tôi không thể chỉ sử dụng giải pháp tiền tệ mà cần áp dụng thêm chính sách tài khóa, như điều chỉnh chi tiêu ngân sách, giảm bội chi ngân sách.

Trong bối cảnh tỷ giá, lãi suất và lạm phát có tác động tiêu cực đến hoạt động của DN, thì nên có chính sách hỗ trợ khác cho DN.

  • Theo Huy Thắng (VGP News)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)