Chuyện của những người bơ vơ sau lũ

Dù nhận được sự quan tâm lớn của nhà nước và các tổ chức từ thiện, đến nay huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vẫn còn nhiều hộ dân gặp hoàn cảnh éo le sau trận “lũ chồng” lịch sử vừa qua. Câu chuyện 9 hộ mất nhà ở xã Minh Hóa là một ví dụ.

Trong cơn lũ lịch sử vừa qua, toàn xã Minh Hoá có 680/887 hộ dân bị ngập. Trong đó 21 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi và sập hoàn toàn, 24 ngôi nhà bị hư hỏng. Đến thời điểm này, xã Minh Hoá đã nhận được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức từ thiện, Bộ đội và các lực lượng tình nguyện đã về tận nơi để giúp đỡ bà con dựng lại nhà cửa.

Trận lũ lịch sử nhấn chìm hơn 600 hộ dân xã Minh Hóa.

Tuy nhiên, trong xã vẫn còn 9 hộ dân đang trong cảnh màn trời, chiếu đất. Họ đang sống tạm trong nhà văn hoá thôn hay ở nhờ nhà người thân. Đời sống của họ còn quá nhiều khó khăn thiếu thốn.

Chị Hoài chỉ vào đống đổ nát, nơi đã từng là căn nhà ấm áp của gia đình chị.

Căn nhà của chị Trương Thị Thu Hoài (ở thôn 3 Kim Bảng) lúc này chính là nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn. Lúc lũ lên, chồng chị đi làm ăn xa. Một mình chị với hai đứa con nhỏ trong đêm tối hốt hoảng bỏ của chạy lấy người.

Ba mẹ con chạy thoát, nhưng tất cả của nả đều bị lũ cuốn trôi hết. Tivi, nồi cơm điện, 8 tạ thóc, hai tạ ngô... đều bị hỏng không thể sử dụng lại được. 4 con lợn, 30 con gà cũng bị chết trôi, 4 con bò thả vào rừng đến nay vẫn chưa tìm thấy.

Đau đớn hơn, hai ngôi nhà (nhà lớn và nhà nhỏ) trị giá trên 40 triệu đồng bị lũ làm hư hỏng và cuốn trôi còn lại vài thanh gỗ, máy tấm fibrô xi-măng nằm ngổn ngang trước sân.

Sau lũ, vợ chồng chị Hoài phải ở nhờ nhà sinh hoạt cộng đồng thôn.

Đã gần một tháng ở nhờ nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, chị Hoài vẫn nhớ như in cái đêm nghiệt ngã 4/10: “Nước dâng lên quá nhanh khiến mẹ con tôi chỉ kịp chạy thoát thân. Nhờ có bà con làng xóm và chính quyền cưu mang nên mới vượt qua những ngày đói rét. Sau khi nước rút, trở về mới biết toàn bộ tài sản, nhà cửa đã bị lũ cuốn trôi. Giờ cả gia đình tôi vẫn đang sống tạm trong nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn”.

Cũng như chị Hoài, sau cơn lũ anh Đinh Văn Sự (ở thôn Lạc Thiện, xã Minh Hoá) đi xuôi dòng nước về xã Tân Hoá tìm nhà. Tìm khắp xã không được, anh Sự một mình bới đống rác khổng lồ bốc nặc mùi gây của xác súc vật chết với hy vọng kiếm được chiếc cột nhà nào sót lại. Nhưng tất cả đã trôi theo dòng lũ, về đâu không ai rõ.

Cậu bé này sau nhiều ngày lặn lội đã tìm được một chiếc cột nhà, còn căn nhà trôi đi đâu chưa rõ.

Tần ngần bên đống rác, anh Sự rơi nước mẳt: “Thế là hết! Nhà cửa, lúa ngô của nhà tôi đã trôi theo cơn lũ. Giờ không biết cho vợ con ở đâu nữa?”.  Từ sau lũ đến nay, cả gia đình anh phải sang ở nhờ nhà hàng xóm, và với những hộ gia đình nông nghiệp như anh, nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng thì chẳng biết đến bao giờ mới có một chốn nương thân.

Đến thời điểm này, thôn 4 Kim Bảng (xã Minh Hóa) vẫn còn hai hộ dân chưa có nhà ở đó là hộ anh Trương Văn Thanh và Cao Văn Ninh. Hiện cả hai hộ này vẫn đang trú tạm trong nhà người thân.

Nhiều khung nhà đã được dựng lên, song người dân không có vật liệu để hoàn thiện.

Ngoài hai trường hợp này, còn có 3 trường hợp khác ở thôn Lạc Thiện và 2 hộ ở vùng Tân Lý cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Ông Trương Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hóa cho biết: “Hiện xã đang vận động bà con khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm ổn định cuộc sống. Riêng 9 hộ dân chưa có nhà ở, chúng tôi cũng đang tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân  hỗ trợ kinh phí để giúp các hộ gia đình sớm có nhà”.

  • Theo Hồng Kỹ - Xuân Vương - Thùy Linh (Dantri)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)