Xem xét bỏ phiếu tín nhiệm chức danh Quốc hội bầu

Một nội dung quan trọng trong chương trình Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII là Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đã được các thành viên Ủy ban bàn thảo, cho ý kiến trong buổi họp chiều 23/3.

Theo Đề án, có thể xem xét thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.



Theo nội dung Đề án do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tại buổi họp, về định hướng, những giải pháp đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có tiến hành phản biện các chính sách pháp luật ngay từ giai đoạn làm chương trình. Các nội dung báo cáo thẩm tra dự án luật phải có ý kiến chính thức của Ủy ban Pháp luật về việc đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của pháp luật.

Đề án cũng đề xuất một số nội dung để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến như: Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, việc xin ý kiến Quốc hội tại lần trình thứ nhất có thể sẽ được tiến hành dưới hình thức họp truyền hình trực tuyến từ trụ sở Quốc hội đến 63 tỉnh, thành phố với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực của dự án.

Tại kỳ họp Quốc hội, chỉ thảo luận ở Tổ về những dự án luật lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau. Xem xét, rút ngắn thời gian trình bày văn bản báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, các dự án, báo cáo khác tại Kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xuống còn khoảng 15-20 phút. Tiếp tục hoàn thiện thủ tục chất vấn theo nhóm vấn đề, dành toàn bộ thời gian tại Hội trường cho việc trả lời câu hỏi trực tiếp; tiến hành chất vấn theo hướng đối thoại, tranh luận đến cùng về từng vấn đề. Tăng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động báo cáo giải trình của các bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Đề án cũng đề xuất nghiên cứu thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội để đảm nhiệm chức năng giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri.

Tán thành với định hướng Hội đồng và các Ủy ban tiến hành phản biện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngày từ giai đoạn đầu của chương trình xây dựng pháp luật, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu băn khoăn, để việc này khả thi và có hiệu quả thì cần phải có cơ chế đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với phía Chính phủ.

Cũng liên quan đến giải pháp này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển lại có quan điểm khác. Ông Hiển cho rằng, cần xem xét kỹ việc để các cơ quan thẩm tra tham gia ngay cùng với cơ quan xây dựng pháp luật từ giai đoạn đầu. Bởi các cơ quan này cần có sự độc lập tương đối với nhau trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh.

Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đề nghị tăng cường đội ngũ chuyên gia ở các bộ phận giúp việc cho các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cùng đề xuất điều chỉnh bộ phận giúp việc cho các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội theo hướng, mỗi cơ quan có thể hơn một Vụ giúp việc để đáp ứng yêu cầu.

Liên quan đến những giải pháp đổi mới hoạt động xây dựng pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề phải khắc phục bằng được tình trạng văn bản xây dựng pháp luật gửi đến các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội quá muộn, không thể đủ điều kiện về mặt thời gian để tiến hành thẩm tra, thẩm định đạt yêu cầu đề ra.

Góp ý với Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị lồng ghép các nội dung đổi mới hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở kết quả Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992.

Về cách thức tiến hành thảo luận Tổ trong khuôn khổ Kỳ họp Quốc hội, ông Lý cho rằng, để mỗi buổi thảo luận này đạt chất lượng, phải tiến hành tổng hợp ý kiến thảo luận đồng thời cơ quan thẩm tra, cơ quan xây dựng luật cần có báo cáo giải trình, trả lời ngay các đề nghị, thắc mắc nêu ra để những ý kiến này không phải bàn thảo lại trong phiên họp toàn thể. Theo ông Lý, không nên quy định cứng nhắc số lần họp Quốc hội trong năm mà chỉ nên quy định Quốc hội họp ít nhất mỗi năm 2 kỳ nhưng tiến hành đổi mới để giảm thiểu thời gian mỗi Kỳ họp.

Các ý kiến tại buổi làm việc cũng đều tán thành việc thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội để giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri. Ông Phan Xuân Dũng đề nghị cần phải tiến hành sửa đổi, bổ sung quy định lại một cách cụ thể chức năng, nhiệm vụ cũng như quyền hạn của các cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tránh những vấn đề chồng chéo, chưa rõ ràng.

Đánh giá chung các ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất phương hướng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội nhưng cần tiến hành một cách đồng bộ, kịp thời, toàn diện. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong khi chờ sửa đổi Hiến pháp 1992, cần tập trung vào việc đổi mới cách thức tiến hành các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; vừa làm, vừa tổng kết, so sánh, rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện mô hình cách thức mới đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của đại biểu Quốc hội và cử tri.

Đề án sẽ tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại các phiên họp tới trước khi trình Quốc hội chính thức thông qua./.

Theo TTXVN

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)