Công tác đền ơn đáp nghĩa ở tỉnh Quảng Ngãi


Lãnh đạo tỉnh đặt vòng hoa viếng các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang tỉnh
Tỉnh Quảng Ngãi có trên 181 ngàn lượt người được xác nhận, công nhận là người có công cách mạng, chiếm trên 13% dân số toàn tỉnh, trong đó, có trên 37.000 liệt sĩ, 24.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, hơn 5.100 bệnh binh, hơn 11.000 người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 6.500 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học… Đặc biệt, toàn tỉnh có hơn 6.600 “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, hiện 385 Mẹ còn sống.

Cùng với sự tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi luôn xác định công tác chính sách người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần ổn định chính trị - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với nước. Bình quân mỗi năm kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi người có công khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, với trên 48 ngàn lượt người hưởng trợ cấp thường xuyên, trên 11.065 lượt con người có công với cách mạng hưởng trợ cấp ưu đãi trong giáo dục - đào tạo cho... Ngoài chính sách, chế độ của Trung ương quy định, hàng năm tỉnh trích ngân sách trên 35 tỷ để thăm hỏi, tặng quà cho hộ gia đình có công nhân dịp lễ, tết cổ truyền, ngày 27/7…

Ông Lương Kim Sơn-GĐ sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Lương Kim Sơn-GĐ sở LĐ-TBXH tỉnh Quảng Ngãi.

Việc thực hiện các chương trình chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả. Công tác chăm sóc người có công gắn với cuộc vận động “Uống nước nhớ nguồn”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã từng bước được xã hội hóa với nhiều phong trào sâu rộng có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân đối với các liệt sĩ, người có công với nước, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công.

Công tác hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở cũng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 207/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh với 6.172 hộ gia đình, tổng kinh phí thực hiện trên 185 tỷ đồng. Qua thực hiện, phát sinh nhiều hộ gia đình người có công còn khó khăn về nhà ở, tỉnh đã kịp thời kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét bổ sung 2.453 hộ gia đình vào Đề án, với tổng kinh phí bổ sung thực hiện là 74,120 tỷ đồng. Ngày 02/3/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 371/QĐ-UBND phân khai số tiền 160,3 tỷ đồng cho các huyện, thành phố để thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 5.536 căn nhà ở cho hộ gia đình người có công (xây dựng mới 2.479 nhà, sửa chữa 3.057 nhà). Theo Kế hoạch, đến ngày 31/12/2018, toàn tỉnh sẽ thực hiện hoàn thành việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Đề án đã được phê duyệt.

Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 97% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng ngày càng được cải thiện.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu sửa nghĩa trang, Đền/đài tưởng niệm liệt sĩ cũng được tỉnh chăm lo chu đáo. Các hoạt động bàn giao, đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang được thực hiện chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tỉnh đã thực hiện xây dựng, nâng cấp 61 công trình ghi công liệt sĩ và nâng cấp hàng ngàn phần mộ liệt sĩ với tổng kinh phí trên 90,7 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh phân khai kinh phí số tiền 12,1 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp 10 công trình ghi công liệt sĩ, 2.068 phần mộ liệt sĩ. 

Phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, công tác chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ, nhận đỡ đầu con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh... được các địa phương, các ngành, đoàn thể quan tâm; nhiều hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên nhận làm người dâu hiền - rể thảo, thường xuyên chăm sóc bố mẹ liệt sĩ neo đơn. Nhiều trường hợp đặc biệt khó khăn được tỉnh đón nhận về nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh chu đáo, ân cần; công tác công nhận xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, công tác quản lý đối tượng, quản lý tài chính ưu đãi người có công và cải cách thủ tục hành chính luôn được thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư trên lĩnh vực người có công được tăng cường, qua đó đã kịp thời tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, khắc phục những thiếu sót góp phần giải quyết tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng vũ trang tỉnh đặt vòng hoa nhân kỷ niệm 71 năm ngày TB-LS.

Lực lượng vũ trang tỉnh đặt vòng hoa nhân kỷ niệm 71 năm ngày TB-LS.

Kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, tỉnh tiếp tục tổ chức hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, như: thăm hỏi, tặng quà đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, tổ chức viếng Nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức Lễ thắp nến tri ân, tổ chức xây dựng, nâng cấp sửa chữa một số nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ, Nhà bia ghi tên liệt sĩ tại một số địa phương, huy động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”… tất cả hoạt động đều hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng và thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng.

 

Nhìn chung, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và phong trào Đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả, thể hiện sự tri ân đối với các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và người có công, góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công trên điạ bàn tỉnh. Thực tiễn thực hiện, những hạn chế, bất hợp lý trong cơ chế, chính sách được phát hiện kịp thời và tổng hợp kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương để xem xét giải quyết, như: chính sách đối với “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, xác nhận người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)