Đổi mũ bảo hiểm có trợ giá tại Hà Nội: Hiu hắt vì… giá cao

Đối nghịch với cảnh chen lấn, xô đẩy tại các điểm đổi mũ bảo hiểm (MBH) có trợ giá ở Hà Nội từ những ngày cuối tháng 3 vừa qua, thì đến nay hầu hết điểm đổi MBH luôn trong cảnh vắng khách.

Tại các điểm đổi MBH ở khu vực nội thành, đa số người dân được hỏi cho rằng chưa tin tưởng vào chất lượng MBH của các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình đổi MBH; hơn nữa giá các loại mũ bán trợ giá không thấp hơn giá của các hãng MBH quen thuộc.
 
Cảnh chen lấn, xô đẩy đổi mũ bảo hiểm chỉ diễn ra trong ít ngày.	Ảnh: Như Ý
Cảnh chen lấn, xô đẩy đổi mũ bảo hiểm chỉ diễn ra trong ít ngày. Ảnh: Như Ý

Cuối tháng 3 vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, Ban ATGT TP Hà Nội phối hợp với một số DN sản xuất, kinh doanh MBH như Công ty cổ phần (CP) Á Long với nhãn hàng B'color, Công ty TNHH sản xuất - thương mại nhựa Chí Thành với nhãn hàng Chita và một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội… đã tổ chức chương trình đổi MBH có trợ giá cho người dân. Từ ngày 23-3 đến nay, Công ty CP Á Long đã triển khai đổi MBH có trợ giá ở rất nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội. Đợt 1 (từ ngày 23 đến 25-3), công ty này đã tổ chức 4 điểm đổi MBH, không đạt chuẩn lấy MBH đạt chuẩn, chất lượng cho người dân. Mỗi khách hàng đến đổi mũ được trợ giá từ 30.000 đến 70.000 đồng/chiếc nên lượng khách đến đổi khá đông, các điểm đổi mũ luôn quá tải. Trong 3 ngày đã có hơn 20.000 chiếc mũ đạt chuẩn được đổi cho người sử dụng. Đợt 2, từ đầu tháng 4 đến nay, Công ty CP Á Long tiếp tục tổ chức đổi MBH ở trên 100 điểm ở Hà Nội.

Trong khi đó, từ ngày 12 đến 17-4, hệ thống siêu thị Big C triển khai chương trình đổi MBH ở các tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội với 9 nhãn hàng của các nhà sản xuất MBH uy tín, mức trợ giá từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/sản phẩm. Trong 6 ngày đổi MBH, Big C đã đổi, thu nhận được trên 7.000 chiếc MBH kém chất lượng. Tương tự, từ ngày 6-4, Công ty cổ phần Intimex Việt Nam cũng đã tổ chức đổi MBH có trợ giá ở các siêu thị trực thuộc. Bà Nguyễn Thị Phượng Vỹ, Phó Giám đốc Ban quản lý siêu thị, Công ty cổ phần Intimex Việt Nam cho biết, từ ngày 6-4 đến ngày 10-5, tại các siêu thị Intimex Bờ Hồ, đường Lê Duẩn, Lạc Trung đã đổi được khoảng 500 MBH nhãn hiệu Chita với mức giá hỗ trợ 20.000- 30.000 đồng/sản phẩm.

Nỗ lực của các DN và các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vậy, nhưng theo khảo sát của phóng viên những ngày gần đây trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các điểm đổi MBH đạt chuẩn có trợ giá được triển khai đều vắng khách. 16h chiều ngày 12-5, tại vườn hoa Hà Đông - điểm đổi MBH của nhãn hàng B'color, mặc dù là ngày nghỉ, địa điểm đổi mũ có khá đông người qua lại nhưng chỉ có 2 khách hàng đến xem mũ. Trong một giờ đồng hồ (từ 16 đến 17h ngày 12-5) chỉ có thêm 5-6 khách hàng đến xem. "Buổi sáng mát mẻ còn có khách đến xem, đổi mũ, nhưng từ 10h trở đi trời nắng lên, hầu như không có khách. Mấy ngày gần đây ế lắm, bình quân mỗi ngày chỉ đổi được hơn chục chiếc"- một nhân viên bán hàng tại đây chia sẻ. Không chỉ ở điểm này vắng khách, các điểm đổi MBH có trợ giá của nhãn hàng B'color trước cổng Công viên văn hóa Đống Đa, một số điểm trên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài… lượng khách đến đổi mũ cũng rất ít, hầu hết nhân viên bán hàng đều "bỏ chốt" đi tránh nắng.
 
Điểm đổi mũ bảo hiểm có trợ giá tại vườn hoa Hà Đông luôn trong cảnh “đìu hiu”.
Điểm đổi mũ bảo hiểm có trợ giá tại vườn hoa Hà Đông luôn trong cảnh “đìu hiu”.

10h ngày 13-5, tại điểm đổi MBH có trợ giá thuộc siêu thị Intimex Bờ Hồ cũng đìu hiu không kém. Bà Nguyễn Thị Phượng Vỹ cho biết, thời gian đầu khách hàng đến đổi và mua MBH có trợ giá rất đông, nhưng đến nay lượng khách giảm hẳn, mỗi ngày các siêu thị chỉ đổi được vài chiếc.

Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi ghi nhận được rất nhiều ý kiến. Anh Nguyễn Bá Khang, phường Yết Kiêu (Hà Đông) chia sẻ: "Vẫn biết các loại mũ của nhãn hàng B'color đều bảo đảm chất lượng theo quy định của các cơ quan chức năng, nhưng đây là nhãn hàng mới, giá lại đắt so với một số loại MBH đạt chuẩn của các hãng quen thuộc khác như Protec, Andess, Honda... nên tôi chưa đổi". Một sinh viên đang xem hàng tại điểm đổi MBH trước cổng Công viên văn hóa Đống Đa cho biết: "Em vẫn đang nghiên cứu, lúc nào có tiền mới đổi. Hiện nay, người đội MBH giả ra đường vẫn không bị xử lý nên em vẫn sử dụng MBH giả đã mua trước đây khi tham gia giao thông". Ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Phượng Vỹ cho rằng, nguyên nhân khiến người dân "quay lưng" với chương trình đổi MBH là do công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên.

Để việc triển khai chương trình đổi MBH đạt hiệu quả hơn, giúp mọi người dân đều có cơ hội đổi MBH đạt chuẩn, các DN đổi MBH nên nghiên cứu giảm giá 30-40% giá trị mỗi sản phẩm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng MBH đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu MBH trên địa bàn và xử lý nghiêm các hành vi nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh MBH giả. Trong khi chưa xử phạt người dân đội MBH kém chất lượng khi tham gia giao thông, các cơ quan chức năng sớm có giải pháp nhằm thu hồi toàn bộ số MBH kém chất lượng đã thuộc quyền sở hữu của người dân./.

Theo Hanoimoi

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)