Mê cung “chợ” online

Hình thức kinh doanh bán hàng trên mạng đang phát triển nhanh chóng. Hàng hóa đa dạng và phức tạp không thua buôn bán chợ trời, trong khi đó công tác quản lý chưa theo kịp nên người mua rất dễ “sập bẫy”.

Với đủ kiểu rao bán và quảng cáo ấn tượng như kiểu độc, không lo đụng hàng, bảo mật tối đa, trả giá ngay trên mạng..., hàng hóa bán trên mạng đang rất hấp dẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, đằng sau những lời quảng cáo “có cánh” là đủ chiêu, đủ trò móc túi khách hàng.

“Thượng vàng hạ cám”

Có thể nói hàng hóa bán trên mạng hiện nay rất đa dạng, từ những thứ nhỏ nhặt đời thường như cây kim, sợi chỉ, kẹp tóc, dây nịt, quần áo, giày dép... đến những thứ đắt tiền như máy ảnh, tủ lạnh, máy giặt và cả... kim cương.

Vào mục “Trang sức, mỹ phẩm” của các trang web, chúng tôi hoa mắt trước trùng trùng điệp điệp những gian hàng được trang trí đầy màu sắc, đầy hình ảnh. www.enbac.com giới thiệu chuyên kinh doanh nữ trang Hàn Quốc 100% với minh họa là các nữ diễn viên “hot” của Hàn Quốc đang làm điệu với kẹp tóc, khăn choàng, bông tai, vòng... Nhấp vào mục mua hàng để mua cái kẹp tóc hình con bướm cách điệu giá 35.000 đồng, 2 giờ sau, chúng tôi được một cô gái xưng là chủ gian hàng gọi điện thoại hẹn địa chỉ giao hàng, nhận tiền.

Thế nhưng, mới kẹp được 1-2 lần, những hột đá trên cây kẹp lần lượt rớt ra. Mới đây, tình cờ đi chợ Bình Tây (quận 6-TPHCM), nhìn thấy cái kẹp y chang nhưng giá bán chỉ 15.000 đồng/cái. Người bán hàng quả quyết: Đây là hàng Trung Quốc loại tốt, bảo đảm xài rớt hột mang ra chị dán lại cho...

Đủ loại hàng hóa rao bán trên mạng (Ảnh: Phạm Dũng)

Biết tôi tìm hiểu về hàng online, Vy, cô bạn thân vừa sinh con 4 tháng, bực dọc: “Mình thấy nhiều hàng bán trên mạng chẳng khác gì lừa đảo, lúc nào người bán cũng đưa hình ảnh được chăm chút thật đẹp, thật bắt mắt, quảng cáo bằng những lời “có cánh” nhưng chất lượng thực tế thì quá tệ”. Vy kể do muốn mua máy tiệt trùng bình sữa cho con, cô lên mạng tìm và thấy nhiều trang web có bán mặt hàng này, giá cả dao động từ 1,7 triệu - 2 triệu đồng/cái. So với mua ở siêu thị, giá này rẻ hơn khoảng 50.000 đồng - 70.000 đồng mà còn được giao hàng tận nhà.

Vy đồng ý mua một máy tiệt trùng bình sữa hiệu Philips giá 1,6 triệu đồng. Thỏa thuận mua bán xong, cô chuyển tiền thì nhận được máy ngay nhưng xài chưa được một tháng, máy đã trở chứng không hoạt động. Mang ra cửa hàng gần nhà sửa, mới biết chỉ có vỏ máy là mới, linh kiện bên trong đều là hàng “đểu”. Chủ cửa hàng còn khuyên Vy nên mua chiếc máy khác vì nếu sửa chỉ sử dụng một thời gian sẽ hư tiếp, lại khá nguy hiểm...

Kim cương rao bán như... rau

Trong vai một người có nhu cầu mua trang sức cao cấp, sau vài cú nhấp chuột, chúng tôi nhận được hàng loạt lời chào mời hấp dẫn. Biết tôi có ý định mua một viên kim cương 4,5 ly, người bán bèn “thả” ngay con mồi với những ưu đãi đặc biệt, như giảm giá 15% trên hóa đơn mua hàng, tặng phiếu quà tặng trị giá 500.000 đồng cho lần mua tiếp theo với điều kiện tôi phải đặt cọc trước từ 70% đến 80% giá trị món hàng bằng cách chuyển khoản qua ATM.

Sau khi nhận hàng, số tiền còn lại sẽ được thanh toán dứt điểm. Tôi tỏ vẻ không mấy tin tưởng về chất lượng của món hàng, bên bán trấn an ngay: “Chỉ cần chị đặt tiền cọc là lý lịch của viên kim cương sẽ được gửi đến tận tay...”. Thấy việc mua bán một món hàng có giá trị lớn nhưng không mấy tin cậy nên tôi lẳng lặng rút lui.

Truy cập địa chỉ www.raovatdtdd.com và mục Điện thoại di động (ĐTDĐ), hàng loạt lời rao “cần chia lại gấp ĐTDĐ, còn bảo hành”, “cần tiền gấp, bán ĐTDĐ còn zin”... với giá rao thật hấp dẫn. Chúng tôi liên hệ với một chủ gian hàng để mua chiếc Nokia E71 giá 2,5 triệu đồng. Khi người bán đến điểm hẹn giao hàng, mặc dù không biết gì về ĐTDĐ nhưng tôi cũng làm ra vẻ am hiểu, yêu cầu vào quán cà phê có wifi để thử máy thì người này viện cớ bận việc, bỏ đi.

Vài hôm sau, theo địa chỉ tại một trang web khác, tôi gọi một người tự nhận là sinh viên đang cần tiền trả tiền nhà trọ, bán máy Nokia E71 và cũng hẹn đến trước cổng Trường ĐH Bách khoa TPHCM xem máy. Không ngờ, “sinh viên” ấy chính là người vừa bán hụt cho tôi chiếc điện thoại hôm trước. Thấy tôi, anh ta làm ngơ phóng xe đi thẳn

Bùa phép: “Bảo đảm hàng chính hãng”

Thanh Hoài, từng là chủ của khá nhiều gian hàng trên mạng chuyên bán các loại mỹ phẩm, đồ trang sức, túi xách, quần áo..., tiết lộ không gì dễ và lời nhiều bằng bán hàng trên mạng. Thứ gì cũng có thể bán được, chỉ cần trang trí gian hàng thật ấn tượng, hình ảnh bắt mắt (có thể photocopy từ các website nước ngoài hoặc các trang web khác) và giới thiệu thật “kêu”.

Hàng hóa rao là hàng xách tay từ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan... nhưng thực tế là hàng mua ở chợ Bình Tây (quận 6), chợ Thiếc, Kim Biên (quận 5)... giá chỉ bằng khoảng 20%-50% giá bán. Người bán hàng trên mạng mua về gỡ bỏ bao bì, hướng dẫn sử dụng (thường là hàng Trung Quốc) rồi tự bịa ra hướng dẫn sử dụng mới kèm theo câu “bảo đảm hàng chính hãng” là bán đắt như tôm tươi.

Quần áo, túi xách càng dễ bán. Quần áo xuất khẩu, thậm chí đã qua sử dụng được giới thiệu là hàng hiệu, hàng cao cấp giá vài trăm ngàn đồng/cái. Khách thích thì mua, tiền đã chuyển khoản, không muốn nhận hàng cũng không được. Hàng loạt túi xách giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Gucci... vẫn đang được rao bán đầy rẫy, bất chấp nỗ lực của những hãng thời trang này đang phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam trong chương trình chống hàng giả.

  • Theo Đông Nghi - Ngọc Mai (Nguoilaodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)