Chuẩn bị giải trình việc ban hành văn bản hướng dẫn luật

Ngày 24/12 tới, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao sẽ giải trình tại Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh được ban hành từ ngày 1/1/2009 đến ngày 30/6/2012.


Chiều 20/12, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp chuẩn bị cho phiên giải trình trên với sự tham gia của lãnh đạo Bộ, Vụ trưởng Vụ pháp chế của các Bộ, cơ quan ngang bộ.

Phiên giải trình sẽ tập trung vào các nội dung: Đảm bảo thời gian ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật của các văn bản pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Uỷ ban Pháp luật đề nghị các cơ quan tập trung vào những lĩnh vực bức xúc được xã hội quan tâm nhưng việc ban hành văn bản quy định chi tiết chưa kịp thời, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Tại phiên giải trình, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ  trực tiếp giải trình trước Uỷ ban Pháp luật và các đại biểu Quốc hội về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuộc phạm vi nhiệm vụ của bộ, ngành mình.

Theo báo cáo chung của Chính phủ thì việc xây dựng, ban hành kịp thời, đầy đủ, đảm bảo chất lượng các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh luôn được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, được quan tâm thường xuyên trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Từ đầu nhiệm kỳ của Khoá XIII đến nay, Chính phủ đã tổ chức 4 phiên họp chuyên đề nhằm thảo luận, đánh giá tình hình xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật, đề ra các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, chất lượng, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết.

Từ ngày 1/1/2009 (ngày Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 có hiệu lực) đến ngày 30/6/2012, Quốc hội đã uỷ quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng quy định chi tiết 61 luật, pháp lệnh đối với 760 nội dung cụ thể. Đến nay, đã có 391 nội dung đã ban hành văn bản quy định chi tiết, còn lại đang xây dựng hoặc xem xét để ban hành.

Trong 61 luật, pháp lệnh trên thì Chính phủ đã ban hành hết các văn bản quy định chi tiết cho 32 luật, pháp lệnh (đạt 53%).  

Chính phủ đánh giá, nhìn chung chất lượng văn bản quy định chi tiết đã dần  được nâng cao so với thời gian trước. Việc ban hành văn bản hướng dẫn luật đúng thẩm quyền, trình tự, đảm bảo tính khả thi và minh bạch hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ  cũng giảm bớt được số lượng văn bản phải ban hành, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản  được đẩy nhanh hơn, số văn bản nợ đọng giảm dần. Cụ thể, trước tháng 6/2009, trung bình một luật, pháp lệnh phải ban hành 11 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thì nay mỗi luật, pháp lệnh chỉ ban hành trung bình 3,6 văn bản hướng dẫn.

Tuy nhiên, Chính phủ  cũng nhận thấy chưa giải quyết triệt để và  vững chắc tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Tính đến ngày 15/10/2012, Chính phủ còn nợ đọng 24 văn bản quy định chi tiết thi hành 15 luật, pháp lệnh có hiệu lực, dù đây là số văn bản nợ đọng thấp nhất trong 10 năm trở lại.

Nhằm đẩy nhanh tiến  độ, đảm bảo chất lượng việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, Chính phủ  đề ra một số giải pháp như đề cao trách nhiệm Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật, nâng cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong theo dõi tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết…

Chính phủ sẽ nâng cao chất lượng của luật, pháp lệnh, giảm tối đa số lượng các vấn đề cần quy định chi tiết trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hạn chế các vấn đề quy định chi tiết dưới hình thức thông tư liên tịch, chỉ uỷ quyền lập pháp đối với những vấn đề liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, những vấn đề chưa có tính ổn định cao.

Chính phủ, các Bộ  quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật; cải tiến nâng cao chất lượng và hiệu quả phối hợp giữa Chính phủ với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; giữa các Bộ, ngành với nhau trong xây dựng văn bản pháp luật./.

Theo VGPNews

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)