Bệnh nhân BHYT hết “gánh lo” đồng chi trả khám chữa bệnh

Điểm “nóng” nhất sau khi luật Bảo hiểm y tế (BHYT) ra đời và đi vào thực tế từ tháng 10/2009 là quy định đồng chi trả đối với bệnh nhân.

Đã có không ít ý kiến bàn luận xung quanh vấn đề này, cho rằng điều này sẽ tăng gánh nặng đối với bệnh nhân nghèo, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính. Tuy nhiên, thực chất của vấn đề đồng chi trả là người bệnh sẽ tham gia vào quá trình kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, vì quyền lợi của chính mình. Sau 1 năm thực hiện, bệnh nhân không còn “kêu ca” về vấn đề này.

Mức đồng chi trả cao nhất chỉ 20%

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho hay: Những đối tượng được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán 100% là trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, lực lượng công an nhân dân, đối tượng khám chữa bệnh tại tuyến xã và có chi phí cho 1 lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu.

Những đối tượng như hưu trí, trợ cấp mất sức, dân tộc thiểu số, diện bảo trợ xã hội, người nghèo sẽ được BHYT thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh. 5% còn lại bệnh nhân phải tự trả.

Những đối tượng còn lại đều phải trả 20% chi phí khám chữa bệnh, quỹ bảo hiểm y tế chỉ thanh toán 80%.

Theo bà Hương, quy định đồng chi trả trong khám chữa bệnh BHYT không phải là mới và không phải lần đầu xuất hiến. Điểm khác của quy định đồng chi trả trong luật BHYT lần này là đồng chi trả với các nhóm đối tượng khác nhau, các mức khác nhau, các hạng bệnh viện khác nhau, các tuyến khác nhau

Còn trước đây, chúng ta thực hiện cùng chi trả đồng loạt sau đó thì chỉ thực hiện cùng chi trả với bảo hiểm y tế tự nguyện và trường hợp sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

Mức đồng chi trả cao nhất chỉ 20%

Bên cạnh việc đồng chi trả, phí tham gia BHYT của bệnh nhân BHYT khi áp dụng luật BHYT mới cũng sẽ tăng thêm 1,5 lần (từ 3% lương tối thiểu lên 4,5% lương tối thiểu ở thời điểm tham gia BHYT). Việc phải đồng chi trả, lại đồng thời phải đóng thêm phí tham gia BHYT đã khiến không ít ý kiến phản bác nảy sinh trong dư luận.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ BHYT - bà Tống Thị Song Hương - cho rằng việc tăng phí tham gia BHYT là tất yếu và mức tăng là hợp lý.

“Mức đóng của ta vẫn thấp so với các nước và thấp so với chính chi phí hiện tại. Chi phí y tế là không bao giờ lường trước được và luôn luôn gia tăng”.

Tổng hợp trên các số liệu của bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy: Năm 2007, mức phí BHYT bình quân là 170.000 đồng/người, mức chi bình quân là 220.000 đồng/người. Năm 2008, mức phí BHYT bình quân là 220.000 đồng/người, mức chi bình quân là 250.000 đồng/người.

“Như vậy, quỹ bảo hiểm luôn trong tình trạng bội chi”, bà Hương nói. Thực tế là năm 2009, quỹ BHYT đã thâm hụt khoảng 2.000 tỷ đồng!

Bệnh nhân không còn kêu ca vì đồng chi trả

Đồng chi trả là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trước khi luật BHYT được triển khai. Thậm chí, ông Lý Ngọc Kính là Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh tại thời điểm chuẩn bị áp dụng luật BHYT còn cho rằng: “Trước đây, bệnh nhân tham gia BHYT không phải trả đồng nào nếu khám đúng tuyến thì đương nhiên là mọi chuyện sẽ suôn sẻ.

Nhưng theo quy định mới, từ 01/10/2009, một số đối tượng bệnh nhân BHYT khám đúng tuyến vẫn phải đóng từ 5%-20% chi phí khám chữa bệnh (như mức mà bà Hương vừa cho biết ở trên - PV), quỹ BHYT chỉ thanh toán từ 80-95% mà thôi. Đang không phải chi trả đồng nào, giờ phải chi trả thì chắc chắn người bệnh sẽ kêu ca”.

Song hiện tượng này cũng chỉ xảy ra ở một vài ngày đầu tiên khi luật BHYT mới được triển khai. Trao đổi với VietNamNet tại thời điểm luật BHYT triển khai được tròn 1 năm (tháng 10/2010), ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định:

“Khi luật mới ra, gặp phải phản ứng ngược là đương nhiên. Nhưng đến nay, có thể nói vấn đề cùng chi trả đã không còn nổi cộm nữa, đại đa số người bệnh đều hiểu và hưởng ứng vì thực ra số tiền họ phải cùng chi trả trên thực tế là không nhiều (cao nhất là 20% tổng chi phí khám chữa bệnh)”.

Trả lời VietNamNet trước khi luật BHYT được triển khai, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế đã giải thích khá rõ ràng và thuyết phục về bản chất của việc cùng chi trả này: “Mức cùng chi trả như trên đã được cân nhắc kỹ càng, Quốc hội cũng đã thảo luận ở 2 kì họp rồi mới biểu quyết.

Mức đóng như trên không có ý nghĩa nhiều về mặt tài chính. Mục đích của cùng chi trả là gắn trách nhiệm của người bệnh, cùng tham gia kiểm soát các dịch vụ y tế, có nên đòi hỏi sử dụng các dịch vụ y tế không cần thiết hay không”.

  • Theo Ngọc Anh (Vietnamnet)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)