Sẽ có cơ chế quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hiệu quả hơn

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 13/6, Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh đã nêu các giải pháp khắc phục hạn chế của việc quản lý vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Nhận được 27 câu hỏi chất vấn trong chiều nay, tập trung vào những nội dung như quản lý vốn đầu tư tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và việc sử dụng vốn tại các địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được một số đại biểu, trong đó có cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá là trả lời nghiêm túc, có trách nhiệm.

Bộ chủ quản sẽ là đại diện quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn

Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) đặt ra chất vấn về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phát hiện sai phạm trong sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà cụ thể là trong vụ Vinalines.

Trả lời đại biểu Lê Thị Nga, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết sai phạm tại Vinalines về nguyên tắc có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nghị định, quy định đã quy định chặt chẽ trách nhiệm của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong sử dụng vốn nhà nước. Do đó các tập đoàn, tổng công ty không có trách nhiệm phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên Bộ không nắm được.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đến xin các báo cáo cũng không được. Thậm chí khi Viện trưởng Viện kinh tế xuống, họ (doanh nghiệp) cũng không tiếp vì họ không có trách nhiệm phải báo cáo.

Để khắc phục việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết hiện Nghị định 132 của Chính phủ quy định về đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhưng sẽ phải làm rõ hơn điều này theo hướng Bộ chủ quản chuyên ngành sẽ là đại diện chủ sở hữu vốn này. Bộ KHĐT đã có kế hoạch sửa Nghị định này nhưng nổi lên một số vấn đề là chủ sở hữu vốn trước là Nhà nước nay chuyển sang các Bộ, ai chịu trách nhiệm bổ nhiệm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị?

Đại biểu Lê Thị Nga đặt câu chất vấn

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết cách đây 1 tháng, Chính phủ đã họp về việc sửa đổi Nghị định 132.

Trả lời bổ sung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi đầu tư phải được Thủ tướng phê duyệt sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính và  bộ chuyên ngành. Trong sai phạm của Vinalines thì Thanh tra Chính phủ có kết luận rõ ràng là trách nhiệm chính là Chủ tịch Tập đoàn và giám đốc các đơn vị thành viên.

Bộ trưởng Tài chính báo cáo thêm, theo Nghị quyết 1942 của Quốc hội thì tách bạch quyền sở hữu và điều hành của cơ quan chủ quản và hiện nay chúng ta đang lúng túng thực hiện quy định này. Bộ trưởng đề nghị thành lập mô hình Tổng cục quản lý giám sát doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính làm nhiệm vụ tổng hợp, theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.  Hiện Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nâng cấp Vụ quản lý doanh nghiệp nhà nước thành Tổng cục này.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ tăng cường giám sát, kiểm toán việc sử dụng vốn ở 3 tầng: nội bộ tập đoàn, tại chủ sở hữu và Thanh tra Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị xây dựng Luật quản lý vốn Nhà nước và đã được Quốc hội đưa vào chương trình làm luật năm 2013.

Giao vốn cho địa phương theo kế hoạch để tránh đầu tư dàn trải

Liên quan đến việc đầu tư dàn trải, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết đang có hai quan điểm, một là Nhà nước khoán cho các địa phương quản lý đầu tư công nên tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển… Thứ hai, cho rằng thực chất các dự án đầu tư là do trung ương quyết định chứ địa phương không quyết bởi đầu tư công là xin - cho và cả 2 đều có lợi ích chung.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh chất vấn

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, hiện đất nước trong giai đoạn cần nhiều vốn đầu tư, trong đó có đầu tư công. Một trong những nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là khắc phục tình trạng dàn trải đầu tư. “Đây là  quyết tâm của tôi hoàn thành công tác này”, Bộ trưởng nói.

Đồng thời người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư cho biết từ Điều 83- 89 Luật tổ chức UBND, HĐND quy định rõ vai trò của UBND, HĐND phải làm gì để phát triển kinh tế địa phương nên địa phương nào cũng tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Do vậy, Bộ trưởng đề nghị cần thay đổi luật và những nội dung liên quan trong Hiến pháp liên quan đến tổ chức UBND, HĐND để hạn chế việc đầu tư tràn lan này. Bộ trưởng cho rằng cần phân cấp như cũ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không ghi chi tiết từng dự án mà ghi tổng vốn để các địa phương lựa chọn danh mục dự án dựa trên nguyên tắc Chính phủ đưa ra.

Thứ hai, là địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn vốn mới được ký quyết định phê duyệt dự án. Nếu ký rồi mà để thất thoát vốn, công trình thi công kéo dài thì người ký chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bộ trưởng nói rõ thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giao số vốn trung ương có cho các địa phương trong 3- 5 năm tới. Cộng với số vốn địa phương đang có để triển khai, để không thể “chạy” vốn cho dự án.

Ghi nhận quyết tâm chống dàn trải  đầu tư của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhưng theo đại biểu Trần Du Lịch, Bộ trưởng chưa nói rõ gốc đi đến dàn trải ở đâu. Đại biểu cho rằng là từ cách lập kế hoạch, cơ cấu kinh tế của địa phương, mỗi địa phương có một cơ cấu kinh tế riêng.

Trả lời đại biểu Trần Du Lịch, Bộ trưởng cho rằng cần phải đổi mới tư duy sâu sắc thì mới bỏ được cơ cấu kinh tế địa phương. Về thay đổi cơ cấu, thể chế kinh tế, cần có nhiều hội thảo khoa học từ Trung ương tới địa phương để làm rõ vấn đề này. Trước mắt chúng ta phải ngăn chặn đầu tư dàn trải, không có hiệu quả theo các giải pháp đã nêu.

Xác định chi phí tái cơ cấu kinh tế ở những lĩnh vực cốt lõi

Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến nhiều đại biểu quan tâm thời gian qua, đó là nguồn lực để thực hiện tái cấu trúc kinh tế là gì và nếu lấy từ ngân sách nhà nước thì Chính phủ đảm bảo ngân sách?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, quan điểm là tái cơ cấu kinh tế chắc chắn cần có nguồn lực, nhưng quan trọng là khâu nào cần nguồn lực hỗ trợ.

Trong tái cấu trúc doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp phải tự mình tái cơ cấu công nghệ, quản trị để tạo sản phẩm chất lượng. Về phía Nhà nước, sẽ không phải bỏ ra nhiều nghìn tỷ đồng để hỗ trợ mà theo cơ chế thị trường, sẽ định hướng cho nền kinh tế chuyển đổi theo.

Bộ trưởng nêu ví dụ các ngành nghề chuyển từ công nghệ kém, ô nhiễm, không tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu mà chuyển sang công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì Nhà nước có định hướng và có ưu đãi đối với doanh nghiệp có khả năng như miễn giảm, ưu đãi, hỗ trợ công nghệ nguồn…“Khi có chính sách như vậy thì xuất hiện nguồn lực”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, đây là đề án tổng thể, định hướng quan điểm, mục tiêu, giải pháp cho các đề án thành phần. Sau khi Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ sẽ hoàn chỉnh và giao các bộ, ngành địa phương thực hiện các dự án thành phần.

Trên thực tế, Chính phủ đã có 4 dự án thành phần (tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống tài chính, chứng khoán và tái cấu trúc doanh nghiệp). Những dự án này có thể tính được tiền để tái cấu trúc nhưng chưa tính được cụ thể. Tới đây, cộng với đề án chi tiết, ta có thể hình thành từng bước tổng nhu cầu là bao nhiêu... “Tôi nghĩ rằng đến điểm này, chúng ta chọn lựa vấn đề chính yếu cốt lõi, chọn trọng tâm chứ không chọn tất cả các lĩnh vực để tính chi phí”, Bộ trưởng nói./.

Theo VGP News


© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)