Đà Nẵng: Thực hiện tốt việc chăm lo người có công với cách mạng

Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các chế độ, chính sách chăm lo cho các đối tượng là người có công với cách mạng.  Đồng chí Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố (TP) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này.


 

 Đồng chí Thái Đình Hoàng- Phó Giám đốc
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết một số kết quả về công tác thực hiện các chế độ, chính sách chăm lo đối tượng là người có công với cách mạng trên địa bàn TP thời gian qua ?

Đồng chí (Đ/c) Thái Đình Hoàng: Chăm lo cho các đối tượng chính sách, nhất là người có công với cách mạng vừa là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP, đồng thời là trách nhiệm, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Chính vì vậy, trong suốt những năm qua

 Thành phố Đà Nẵng hiện nay có hơn 93.000 lượt đối tượng được xác nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng. Trong đó có: 15.500 liệt sĩ với hơn 27.000 thân nhân; 9.400 thương, bệnh binh; 619 Cán bộ tham gia hoạt động cách mạng trước Tháng Tám năm 1945; 18.864 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần; 6.779 Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; 3.932 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày; 2.100 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 7.805 con liệt sĩ, thương, bệnh binh được hưởng chính sách ưu đãi giáo dục - đào tạo... Hiện nay có gần 18.600 lượt đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên, kinh phí chi trả hàng năm hơn 230 tỷ đồng.

kể từ ngày đất nước được thống nhất, đặc biệt là sau ngày TP Đà Nẵng được chia tách (1/1/1997), công tác này càng được các cấp, các ngành và toàn dân TP quan tâm.

Cụ thể, trong 15 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng đã hoàn chỉnh thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ xác nhận, tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho 2.295 liệt sĩ; xác nhận, giải quyết chế độ trợ cấp 1.827 thương binh; đề nghị Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 284 Mẹ, nâng tổng số Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn TP lên 1.588 Mẹ (hiện có 146 Mẹ còn sống); tặng thưởng Huân chương Độc lập các hạng cho 813 gia đình có nhiều liệt sĩ; giải quyết trợ cấp một lần cho gần 42 ngàn lượt đối tượng (có 21.588 người tham gia kháng chiến; 7.161 đối tượng hưởng chế độ 1 lần theo Quyết định 290/QĐ-TTg; 6.349 người dân có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huy chương kháng chiến…).

Song song với công tác thực hiện chính sách chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng, trong 15 năm qua phong trào đền ơn đáp nghĩa luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, nhân dân đồng tình hưởng ứng và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Cùng với đó, phong trào phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng luôn được các cơ quan, đơn vị hưởng ứng tích cực; từ năm 2002 TP đã kêu gọi các đơn vị nhận phụng dưỡng, nâng mức phụng dưỡng từ 300.000 đồng/tháng lên mức 500.000 đồng/tháng năm 2007 và đến năm 2010 là 1.000.000 đồng/tháng. Đối với các Mẹ có mức phụng dưỡng thấp hơn mức quy định thì được TP sử dụng ngân sách cấp bù cho đủ mức quy định. Ngoài chế độ trợ cấp, tiền phụng dưỡng, các cơ quan, đơn vị, chính quyền và các đoàn thể còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng các vật dụng gia đình, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ tiền sửa chữa nhà, tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng . . . đã thực sự mang lại cho các Mẹ có cuộc sống ổn định về vật và tinh thần.

Song song với triển khai thực hiện các chính sách kể trên, công tác chăm sóc sức khỏe cho đối tượng chính sách cũng được địa phương quan tâm chu đáo. Trong 15 năm qua, TP đã có 156.370 lượt đối tượng được cấp Thẻ Bảo hiểm Y tế với tổng kinh phí 29,5 tỷ đồng. Vào dịp Kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ hàng năm, các Bệnh viện, Trung tâm y tế, đơn vị quân đội, công an . . . tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho hơn 25.000 lượt đối tượng chính sách với tổng kinh phí trên 870 triệu đồng. TP cũng đã tổ chức điều dưỡng luân phiên cho 32.386 lượt đối tượng với tổng kinh phí cho cho công tác này là gần 29 tỷ đồng, trong đó có 9.904 đối tượng được điều dưỡng tập trung. Điều đáng nói nữa là hình thức tổ chức điều dưỡng luôn được thay đổi, yếu tố tinh thần được quan tâm nhiều hơn thông qua việc kết hợp điều dưỡng với tổ chức tham quan. Đến nay đã có 1.370 đối tượng điều dưỡng kết hợp với tham quan Nha Trang, Đà Lạt, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc...

 

 Quy tụ hài cốt liệt sỹ vào các nghĩa trang của TP

Ngoài ra, thực tế trong hai cuộc kháng chiến, cứu nước, Đà Nẵng luôn là chiến trường ác liệt nên sự hy sinh, mất mát của quân và dân TP là vô cùng to lớn. Hiện nay, trên địa bàn TP có đến 20 nghĩa trang liệt sĩ, an táng 9.249 mộ liệt sĩ. Suốt những năm qua, bằng nhiều nguồn kinh phí của Trung ương, địa phương và nhân dân đóng góp thông qua Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, TP đã tiến hành nâng cấp toàn diện các nghĩa trang, mộ liệt sĩ, với tổng kinh phí trên 42 tỷ đồng.

Hiện nay, TP cũng đang triển khai việc tổ chức cho Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ với 3 nội dung: Chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân nhân Kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ hàng năm và dâng hương các phần mộ liệt sĩ mỗi tháng 2 lần (vào tối ngày 14 và ngày cuối tháng Âm lịch). Chương trình phối hợp này đã được cấp ủy, chính quyền, Hội viên Cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên các địa phương có Nghĩa trang liệt sĩ rất tích cực tham gia.

Với việc thực hiện tốt các chính sách như trên, đến nay Đà Nẵng đã có 56/56 xã, phường được công nhận là xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công theo 6 tiêu chuẩn do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Từ phong trào này đã góp phần quan trọng để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn trong việc xã hội hóa các chương trình chăm sóc người có công, lồng ghép với nhiều chương trình khác như: cho vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm, hỗ trợ phương tiện sản xuất, phương tiện sinh kế . . . và kết hợp với sự tự phấn đấu vươn lên của đối tượng, gia đình chính sách thoát khỏi cảnh đói nghèo. Đến nay, toàn TP không còn hộ chính sách ở nhà tạm, nhà dột nát, 100% hộ gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên so với dân cư nơi cư trú.

PV: Thưa đồng chí, ngoài việc thực hiện các chủ trương chung về chăm lo cho đối tượng chính sách là người có công, Đà Nẵng còn làm gì để góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách?

Đ/c Thái Đình Hoàng: Để nâng cao đời sống gia cho các đình chính sách, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách, chế độ theo quy định thì công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở được TP xem như là bước đột phá và luôn được cấp ủy, chính quyền từ cấp thành phố đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Theo đó, trong 15 năm qua đã có 17.311 lượt gia đình chính sách được hỗ trợ cải thiện nhà ở với tổng kinh phí gần 270 tỷ đồng, trong đó: xây dựng 800 nhà tình nghĩa, kinh phí hơn 16 tỷ đồng, miễn giảm tiền sử dụng đất cho 9.268 hộ, kinh phí hơn 206 tỷ đồng, sửa chữa nhà cho 6.699 hộ, kinh phí hơn 40 tỷ đồng . . . Ngoài ra, TP còn bố trí 550 lô đất và 166 nhà chung cư cho gia đình chính sách có khó khăn về đất ở, nhà ở. Đặc biệt trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, hộ chính sách nằm trong diện di dời giải tỏa được TP bố trí đất tái định cư và thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất; đã có 6.210 hộ thuộc diện bố trí đất tái định cư được miễn giảm tiền sử dụng đất, kinh phí hơn 140 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở, TP đã 3 lần bổ sung, sửa đổi Quyết định hỗ trợ cải thiện nhà ở, mỗi lần sửa đổi bổ sung, đối tượng được mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên.

Bên cạnh giúp đỡ, hỗ trợ về nhà ở, có thể nói, nhờ làm tốt công tác vận động và được sự hướng ứng tích cực của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và nhân dân, trong 15 năm qua toàn TP đã vận động đóng góp hơn 65,736 tỷ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp. Đây là nguồn kinh phí góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” như: hỗ trợ cải thiện nhà ở, tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang, mộ liệt sĩ, trợ cấp khó khăn . . . cho gia đình chính sách.

Ngoài việc thực hiện tốt chế độ chính sách theo quy định của Trung ương, thời gian qua, TP Đà Nẵng còn có những chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng do TP tổ chức. Trong đó đáng kể như: trong 15 năm qua đã có 699.371 lượt đối tượng được thăm và tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh – Liệt sĩ hàng năm với số tiền hơn 95,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của TP; từ năm 2009 tiến hành trợ cấp thường xuyên cho 1187 đối tượng chính sách mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn theo với số tiền gần 3,6 tỷ đồng (mức trợ cấp 300.000 đồng/tháng/đối tượng); từ tháng 12 năm 2010, trợ cấp thường xuyên cho 948 đối tượng có mức trợ cấp thấp có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng (mức trợ cấp 100.000 đồng/tháng/đối tượng). Ngoài ra, TP còn giải quyết trợ cấp khó khăn đột xuất cho 2910 lượt đối tượng với tổng kinh phí 7.216 triệu đồng.

 

 Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh
và đồng chí Nguyễn Bá Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng,
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng

PV: Xin đồng chí cho biết thêm về những công việc trọng tâm có liên quan đến việc chăm sóc các đối tượng chính sách trên địa bàn TP trong thời gian tới ?

Đ/c Thái Đình Hoàng: Trong thời gian tới, đặc biệt năm 2012 là năm kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2012), ngành Lao động – Thương binh và Xã hội TP đang tập trung tham mưu với lãnh đạo Thành ủy và UBND thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như sau:

Thứ nhất, tham mưu giúp Thành ủy ban hành Chỉ thị tổ chức Kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ; xây dựng và trình UBND thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh- Liệt sỹ với nhiệm vụ trong tâm là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng, gia đình chính sách.

Thứ hai, mở đợt truyền truyền sâu rộng về các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với Người có công cách mạng, tổ chức Hội nghị biểu dương, đề nghị khen thưởng các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác đền ơn đáp nghĩa, đối tượng chính sách vượt khó vươn lên làm giàu, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Thứ ba, rà soát giải quyết các vấn đề liên quan đến khen thưởng như: Phong và truy tặng danh hiệu Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”, tặng thưởng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ, đổi Bằng Tổ quốc ghi công, Bằng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Bằng Huân chương Độc lập bị hư hỏng . . .

Thứ tư, phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát đời sống đối tượng, gia đình chính sách, từ kết quả khảo sát xây dựng các chương trình cụ thể như: sửa chữa nhà ở, tặng các vật dụng, phương tiện sinh kế, dụng cụ sinh hoạt gia đình…góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách trên địa bàn.

Thứ năm, vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cao hơn năm 2011 từ 10% trở lên, tạo nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”.

Thứ sáu, từ nay đến năm 2015 tranh thủ nguồn kinh phí đầu tư của Trung ương và địa phương, TP sẽ tiếp tục nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, thực hiện từng bước việc kiên cố hóa mộ liệt sĩ giai đoạn II (thay mộ đá mài sang mộ đá Granit tự nhiên) và hoàn thiện các công trình khác trong nghĩa trang như: tượng đài, nhà bia ghi tên liệt sĩ, sân hành lễ, vườn hoa, điện chiếu sáng . . . với tổng kinh phí dự kiến trên 35 tỷ đồng để nghĩa trang liệt sĩ thực sự trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ và là nơi dâng hương, thăm viếng của cán bộ và nhân dân trong những dịp lễ, Tết.

Thứ bảy, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, tổ chức tốt công tác điều dưỡng luân phiên, hỗ trợ kinh phí để các quận, huyện tổ chức đối tượng chính sách tham quan Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh phía Nam (Nha Trang, Đà Lạt).

PV: Xin cảm ơn đồng chí !

Theo DCSVN

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)