Xử lý 35,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Đây là kết quả của toàn hệ thống xử lý trong 2 tháng 11 và 12/2012.

Theo số liệu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ riêng trong hai tháng cuối năm 2012, các TCTD đã xử lý 35,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu (riêng tháng 12/2012, xử lý 27,8 nghìn tỷ đồng), chiếm 51,6% tổng mức nợ xấu xử lý trong cả năm 2012.

Để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các NHTM, bảo đảm an toàn hệ thống, NHNN đã tích cực, chủ động chỉ đạo, triển khai các giải pháp về cơ chế chính sách để góp phần làm hạn chế sự gia tăng nợ xấu như: Đẩy mạnh việc cơ cấu nợ đối với khách hàng có khả năng trả nợ. NHNN cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ nếu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Chỉ đạo các TCTD thực hiện tích cực phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu thông qua sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ, xử lý tài sản bảo đảm, yêu cầu các TCTD thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, nếu TCTD chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật thì chưa được chia cổ tức, lợi nhuận của năm 2012 và không được tăng tiền lương, tiền thưởng, thù lao cho cán bộ; Có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp....

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, hệ thống các TCTD đã chủ động kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu, tập trung trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, đặc biệt là các khoản nợ xấu.

Theo số liệu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – NHNN, trước các biện pháp quyết liệt của NHNN, trong năm 2012, các TCTD đã sử dụng dự phòng rủi ro và các nguồn khác để xử lý đưa ra theo dõi ngoại bảng 69,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Chỉ riêng trong hai tháng cuối năm 2012, các TCTD đã xử lý 35,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu (riêng tháng 12/2012, xử lý 27,8 nghìn tỷ đồng), chiếm 51,6% tổng mức nợ xấu xử lý trong cả năm 2012. Việc thực hiện xử lý nợ xấu quyết liệt đã giúp các TCTD giảm mạnh giá trị nợ xấu nội bảng trong tháng 12/2012 (giảm 16,4 nghìn tỷ đồng hay -12,2% so với tháng 11/2012). Ngoài ra, dự phòng rủi ro tín dụng còn lại của hệ thống các TCTD cũng tăng từ 59 nghìn tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2011 lên 64,2 nghìn tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2012), tạo nguồn quan trọng để các TCTD chủ động xử lý nợ xấu.

Trong năm 2013, áp lực gia tăng nợ xấu vẫn rất lớn do bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và quy định mới chặt chẽ hơn về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro tại Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/6/2013. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu được Chính phủ phê duyệt tại Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD với mục tiêu sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn vào cuối năm 2015.

Công ty Quản lý tài sản Việt Nam sẽ đi vào hoạt động ngay trong tháng 3/2013

NHNN đã trình Chính phủ, Bộ Chính trị dự thảo Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, NHNN đã hoàn thiện dự thảo hai Đề án và hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt hai Đề án này. Theo kế hoạch, Công ty Quản lý tài sản Việt Nam sẽ đi vào hoạt động ngay trong tháng 3/2013.

Theo đề án, Công ty Quản lý tài sản Việt Nam là một tổ chức tài chính đặc thù có 100% vốn của Nhà nước, chịu sự quản lý, giám sát trực tiếp của NHNN. Về cơ chế xử lý nợ, Công ty sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ của các tổ chức tín dụng. Sau khi mua các khoản nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản Việt Nam áp dụng các biện pháp: (i) bán nợ, bán tài sản bảo đảm; (ii) tái cơ cấu khoản nợ; (iii) khởi kiện khách hàng vay ra tòa; (iv) tổ chức thu nợ từ khách hàng vay và yêu cầu bên bảo lãnh, bên có nghĩa vụ thực hiện trả nợ. Công ty Quản lý tài sản Việt Nam có các cơ chế hoạt động và các quyền đặc thù cùng với sự phối hợp của các tổ chức tín dụng sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ và tài sản bảo đảm, thu hồi vốn. Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam.

Khi Công ty Quản lý tài sản Việt Nam và các TCTD xử lý tài sản đảm bảo của các khoản vay, các nhà đầu tư sẽ được quyền tham gia vào quá trình này./.

Theo VOV

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)