Vinashin, bauxit Tây Nguyên lại nóng nghị trường

Vấn đề giám sát đối với tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước, ô nhiễm môi trường, hạn chế nhập siêu, thúc đẩy phát triển kinh tế và mổ xẻ nguyên nhân để rút ra bài học từ Vinashin… vẫn là vấn đề nóng bỏng trong phiên họp cuối cùng của Quốc hội ngày 2.11.

Nguy hiểm từ lỗ hổng bội chi

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, ĐB Trần Du Lịch nêu ra 6 vấn đề lớn liên quan đến sự bất ổn của cơ cấu kinh tế trong đó nổi lên là vấn đề nhập siêu và tăng bội chi. Chính nguyên nhân nhập siêu và bội chi ngân sách đã trực tiếp gây bất ổn vĩ mô không chỉ cho năm 2010 mà sẽ còn kéo dài trong những năm tới. Để khắc phục vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch đề nghị năm 2011 chính sách điều hành kinh tế nên tập trung  vào vấn đề phân bổ đầu tư và vấn đề sử dụng ngân sách vì theo lý giải của ĐB thì nếu chúng ta tiếp tục cách phân bổ đầu tư và bội chi như hiện nay thì chúng ta đẩy dần tình trạng của nền kinh tế bất ổn trong những năm sắp tới.

Tiếp tục mổ xẻ vấn đề Vinashin để rút ra bài học về việc quản lý doanh nghiệp nhà nước các tập đoàn, ĐB Hoàng Văn Toàn cho rằng nguyên nhân là do công tác quản lý, cơ chế pháp luật của chúng ta còn lỏng lẻo và lúng túng vì vậy cần phải có kiểm tra, thanh tra cụ thể, tổng kết mô hình này để xác định hướng đi mới cho tập đoàn kinh tế của Nhà nước. Không cho rằng sự đổ bể của Vinashin là do cơ chế, ĐB Trần Du Lịch cho rằng nguyên nhân chính là vấn đề sử dụng và bố trí con người.

Đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) phát biểu tại hội trường. Ảnh: KỲ ANH

Để có đột phá liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, ĐB Trần Du Lịch đề nghị sử dụng một cơ chế ngân sách cứng, có nghĩa là Chính phủ không nên bảo lãnh, chỉ định cho vay tất cả những gì liên quan đến quản lý về nợ công đối với tất cả các doanh nghiệp, những vấn đề này nên có sự tham gia của Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và công khai, minh bạch. Việc thứ hai, là tất cả các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn lớn, các tổng công ty, phải công khai công bố tài chính như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, với những báo cáo tài chính có sự giám sát của xã hội.

Phát hiện sai phạm ở Vinashin thì việc đã rồi   

Giải trình về những ý kiến của các ĐBQH về quản lý đánh giá giám sát đối với tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước, trong đó có Vinashin, Bộ trưởng Bộ TC Vũ Văn Ninh cho rằng chúng ta đã có khá nhiều văn bản pháp lý quản lý chung. Ngoài ra Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cũng đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo về triển khai thực hiện củng cố hoạt động của tổng công ty, tập đoàn nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh

Đối với việc giám sát Vinashin, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết Vinashin hoạt động theo mô hình tập đoàn từ giữa năm 2006 đến đầu năm 2007, Bộ Tài chính đã tổ chức một cuộc thanh tra và mỗi một năm tiếp theo từ đó đến nay thì có 4 cuộc kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện Vinashin thành lập thêm quá nhiều công ty con, công ty cháu. Đầu tư dự án dàn trải. Cân đối nguồn không hợp lý và chủ yếu dựa vào vốn vay. Vay lớn, nợ trên vốn chủ sở hữu là 13,7 lần. Mua sắm tài sản không đúng quy định. Trên cơ sở kiểm tra, Bộ TC đã có kiến nghị Vinashin và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng đã có những văn bản yêu cầu Vinashin tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Bộ Tài chính về kiểm tra việc sử dụng vốn, trái phiếu quốc tế cho Vinashin vay lại, nhất là việc danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu quốc tế năm 2005, cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết,...

Bộ trưởng Bộ TC cũng cho rằng qua vụ việc Vinashin cần phải rút ra bài học là việc khi phân cấp, phân công và giao quyền thì phải phù hợp với năng lực, trình độ quản lý của cán bộ doanh nghiệp. Bộ trưởng bộ TC cũng cho rằng phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và phải có một chế tài đồng bộ, đủ mạnh để bắt buộc các doanh nghiệp phải chấp hành và thực hiện nghiêm các kiến nghị của cơ quan thanh tra và kiểm tra. “Tôi nói ví dụ như việc mua tàu, khi Vinashin trình lên Thủ tướng là mua tàu thì Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu là không được mua mà phải đóng, nhưng Vinashin vẫn mua tàu. Hay như quyết định đầu tư vốn một cách tràn lan, không xác định đúng trọng tâm, trọng điểm các dự án đầu tư là trái với quy định của Thủ tướng và quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành trước đó nhưng lúc đó cũng không giám sát nên khi phát hiện thì việc đã rồi”- Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giãi bày.

Sẵn sàng đối thoại về khai thác bauxit

Giải đáp những lo ngại về việc ô nhiễm môi trường do khai thác bauxit ở Tây Nguyên, nhất là sau khi xảy ra sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên cho biết, hội đồng thẩm định việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án này  gồm 21 người gồm 18 nhà khoa học, bao gồm các giáo sư, các phó giáo sư và các tiến sĩ đã  nghiên cứu rất kỹ lưỡng về báo cáo ĐTM và thẩm định  tất cả các lĩnh vực khoa học mà liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của hai nhà máy này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên

Về vấn đề xử lý bùn đỏ, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định trong báo cáo ĐTM đã nêu là nghiêm cấm không để nước xung quanh chảy vào trong hồ bùn đỏ. Về những phân vân có sự thẩm thấu tại hồ chứa bùn đỏ, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên xác định khu xử lý bùn đỏ là khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại và sử dụng vật liệu chống thấm tới độ thấm 10 mũ trừ 12 độ thấm. Bộ trưởng  khẳng định tất cả vật liệu của thế giới hiện đại nhất đến 10 mũ trừ 12 là an toàn nhất là không thể thấm được. “Ở đây có động đất hay không và đến cấp mấy? Viện Vật lý địa cầu đã vào đo từ nhiều năm nay, đã xác định độ động đất tối đa là đến cấp 5, nhưng chúng tôi yêu cầu trong thiết kế ở đây là đến cấp 7.

Nhiều nhà khoa học phân vân có vỡ hồ bùn đỏ hay không? Hiện nay trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, chúng tôi đã đặt vấn đề đưa ra các giải pháp cho khả năng vỡ hồ và giải pháp. Giải pháp là trong khu chứa bùn đỏ này chia ra làm các lô, như ở Brazil, mỗi một hồ là khoảng 45 - 50ha. Ở Việt Nam để hệ số an toàn cao hơn, trong diện tích 108ha hồ chứa, chúng tôi yêu cầu chia ra 8 hồ, so với các nước hồ của ta nhỏ hơn 1/3. Khi ta thải ra hồ thứ nhất, có sự cố vỡ thì hồ thứ hai phải hứng cái vỡ của hồ thứ nhất, tương tự như vậy. Khi đã thải đến hồ thứ ba thì hồ thứ nhất đã tháo nước và đã khô. Khô ở hồ thứ nhất là phải trồng cây.

Hiện nay tất cả những tài liệu khoa học và môi trường chúng tôi đã để ra một phòng, những cử tri ai quan tâm đóng góp ý kiến cụ thể về những vấn đề liên quan đến môi trường thì chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cung cấp tài liệu để nghiên cứu. Chúng tôi cũng xin lắng nghe với tinh thần rất cầu thị để tiếp tục hoàn thiện và theo dõi làm sao để công trình khai thác bauxit ở Tây Nguyên bảo đảm tốt nhất, an toàn nhất về mặt môi trường” – Bộ trưởng Bộ TNMT khẳng định.    

ĐB Dương Trung Quốc: Quốc hội phải công khai danh tính khi bấm nút biểu quyết.

“Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì trách nhiệm cũng phải cao nhất. Bài học về sự đổ vỡ của Vinashin hoàn toàn có thể soi vào dự án bauxít nếu chúng ta ứng xử với Vinashin bằng sự buông lỏng quyền giám sát của Quốc hội, bỏ ngoài tai những ý kiến đóng góp của nhân dân không loại trừ sự lặp lại. Vinashin làm thất thoát tiền bạc và cán bộ, hậu quả của dự án bauxít nếu xảy ra liên quan đến vận mệnh của quốc gia. Đó cũng là lý do vì sao tôi đề nghị Quốc hội phải công khai danh tính khi bấm nút biểu quyết để nhân dân hôm nay và lịch sử ngày mai có thể phán xét hành động của mỗi người”  .   

S.Đà (ghi)

Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc: Họ phê bình, chúng tôi xin nhận

Khi báo cáo giải trình trước QH về vấn đề liên quan đến giám sát đầu tư và việc thực hiện chế độ báo cáo đầu tư của các bộ, ngành, địa phương với các cơ quan Trung ương theo quy định của Luật Đầu tư, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết qua giám sát hàng năm của Bộ KHĐT, khối các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn nhà nước thực hiện không đầy đủ. Nguyên nhân là chúng ta mở rộng quyền của họ nhưng vấn đề giám sát đầu tư thì không giám sát gì cả. Nếu Tập đoàn Vinashin hiện nay vốn có đến 113 nghìn tỉ đồng theo sổ sách thì họ có thể quyết định đầu tư đến 5 - 7 ngàn tỉ đồng theo đúng Luật Doanh nghiệp, như thế là họ có quyền tự quyết định đầu tư cả dự án đặc biệt quan trọng phải trình Quốc hội.

Đây chính là kẽ hở của luật. Về quy định quyền của bộ chuyên ngành rất rõ, nhưng quyền của giám sát đầu tư thì không ghi. Cho nên khi đoàn Uỷ ban Kiểm tra Trung ương làm việc với Bộ KHĐT, chúng tôi đối chiếu chức năng, nhiệm vụ lại để mà đưa ra xem xét giải trình những vấn đề cụ thể thì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thấy rằng việc Bộ KHĐT phê duyệt các quy định đó theo đúng pháp luật, nên các anh phê bình một câu là các anh phát hiện ra vấn đề nhưng các anh không theo dõi đến cùng để kiên trì bảo vệ quan điểm của mình, họ phê bình chúng tôi như vậy và chúng tôi xin nhận.   

C.Tùng

  • Theo Lam sơn (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)