Bộ LĐTBXH tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Sáng ngày 14/3, tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã diễn ra Hội nghị tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ và một số lãnh đạo Sở LĐTBXH nhằm bổ sung vào báo cáo chung của Bộ gửi Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về các nội dung: Lời nói đầu, thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng, sở hữu toàn dân về đất đai, cơ cấu chính quyền Trung ương và địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy Nhà nước, quyền con người và quyền, nghĩa vụ của công dân... Đồng thời, các đại biểu đã đi sâu trao đổi, góp ý các điều khoản liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của ngành LĐTBXH như: vấn đề lao động, việc làm, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi...Tên của Chương 3 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, có đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm nội dung "y tế" vào tiêu đề của chương này vì đây là một vấn đề cần được Nhà nước quan tâm, đầu tư để phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân như được nêu tại Điều 62 của chương này.

Đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương đề nghị bổ sung thêm đối tượng "người nghèo" qui định tại Điều 62 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, thành câu câu: "ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác".
Tại điểm 2 Điều 62, đề nghị bổ sung thêm cụm từ "người cao tuổi", vì đây cũng là đối tượng cần được Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm phải bảo vệ và chăm sóc.
Về Điều 38, đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Hòa Bình cho rằng cần bổ sung qui định: người lao động có quyền được làm việc trong môi trường an toàn và quyền nghỉ ngơi.
Đối với chính sách an sinh xã hội tại Điều 63, dự thảo cần tách riêng việc Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững với chính sách trợ giúp những người yếu thế thành 2 khoản khác nhau, vì đối tượng hướng đến có sự độc lập tương đối. Một bên là theo nguyên tắc đóng - hưởng, một bên là chính sách bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, cần bổ sung khoản 2 của điều này là: "Nhà nước và xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện các chính sách ưu đãi để bảo đảm ổn định đời sống đối với người và gia đình có công với nước".
Cũng liên quan đến Điều 63, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm cụm từ "trợ giúp gia đình có công với cách mạng hiện đang gặp khó khăn".
Liên quan đến vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đề nghị sửa lại khoản 1 Điều 40 dự thảo Hiến pháp là:
"1. Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm đảm bảo thực hiện các quyền trẻ em.
2. Nghiêm cấm sao nhãng, ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột sức lao động và những hành vi vi phạm quyền trẻ em"
Khoản 1, Điều 63 (sửa đổi, bổ sung Điều 67) đề nghị bổ sung như sau: Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn".

"Quyền trẻ em" cần được qui định trong Hiếp pháp với các nguyên tắc thực hiện: Dành ưu tiên cho trẻ em, tôn trọng trẻ em, thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em...
Đợt tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 kéo dài đến tháng 9/2013, trước khi Quốc hội thông qua. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy trí tuệ của toàn dân, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân. Hy vọng nhiều ý kiến góp ý của Bộ LĐTBXH sẽ được ghi nhận và đưa vào bản Hiến pháp, góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân./.

Theo Molisa

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)