Tập trung làm rõ 6 nhóm vấn đề

Trong ngày đầu thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã tập trung giải trình, làm rõ 6 nhóm vấn đề lớn, liên quan đến đời sống nhân dân như điện, bình ổn giá, quản lý thuốc, giảm tải bệnh viện, phòng chống dịch bệnh... Phần trả lời của hai Bộ trưởng được đánh giá ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi, phần nào thỏa mãn cử tri cả nước qua sóng truyền hình trực tiếp.

Các dự án điện chưa thực hiện được mục tiêu quy hoạch

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Là người đăng đàn đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến tình trạng thiếu điện và việc phát triển thủy điện ở miền Trung. Trả lời các ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Đặng Mỹ Hương (Ninh Thuận), Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình)... Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, qua một nửa thời gian thực hiện quy hoạch điện 6, giai đoạn 2006-2015 có tính đến năm 2020, hạn chế lớn nhất vẫn là thiếu điện trong mùa khô trên diện rộng ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. "Kiểm điểm lại đúng là chưa thực hiện được mục tiêu quy hoạch, kế hoạch đầu tư đề ra. Đến hết năm 2010, dự kiến đạt 20.900MW, đến tháng 6-2011 là 22.000MW và đến năm 2015, phấn đấu đạt 80% mục tiêu đề ra là đạt 50.000MW công suất"- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Nguyên nhân cơ bản là do phần lớn dự án điện sử dụng vốn vay thương mại, gặp lúc kinh tế thế giới khủng hoảng, suy thoái, nên nhà đầu tư khó thu xếp đủ vốn. Bên cạnh đó, nhiều dự án tuy đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng vận hành chưa ổn định, thời gian chạy thử kéo dài dẫn đến thiếu hụt điện theo quy hoạch. Ngoài ra, thiên tai hạn hán dẫn đến thiếu nước phát điện nghiêm trọng. Về giải pháp, một mặt Chính phủ chỉ đạo ngành điện trước hết phải nỗ lực tự thu xếp vốn, tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau, mặt khác đàm phán với các nhà tài trợ dành vốn cho các dự án điện. Tuy nhiên, giải pháp cơ bản vẫn là phát triển ngành điện theo cơ chế thị trường để có tích lũy, từ đó tái đầu tư phát triển nguồn điện. Dự kiến, đầu tháng 12 tới, Bộ Công thương sẽ hoàn chỉnh và báo cáo Chính phủ đề án tái cơ cấu ngành điện.

Liên quan đến lũ lụt ở miền Trung, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, với đặc điểm sông ngắn, thường cạn kiệt vào mùa khô nên thủy điện ở miền Trung không có chức năng điều tiết lũ. Tuy nhiên khi thiết kế, một số dự án có xem xét bổ sung một phần chức năng này. Vừa qua, Chính phủ đã xây dựng và vận hành quy hoạch liên hồ chứa, trong đó yêu cầu đầu tiên là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, tham gia cắt lũ và cuối cùng mới là mục tiêu phát điện. Thực tế, một số dự án đã chưa thực hiện đúng quy trình, ví dụ Thủy điện sông Ba Hạ không báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương trước khi xả lũ, Bộ Công thương đã yêu cầu kiểm tra, xác định trách nhiệm và kiên quyết xử lý nếu có sai phạm. Theo số liệu thống kê, khu vực miền Trung có tổng cộng 230 dự án thủy điện nhỏ, trong đó 90 dự án đang triển khai với tổng công suất khoảng 500MW. Sau khi rà soát, Bộ Công thương đã quyết định dừng 38 dự án trên địa bàn 9 tỉnh.

Trả lời câu hỏi về dự án bauxite của ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, việc quyết định địa điểm đặt nhà máy đã được cân nhắc. Đúng là nếu đặt dưới đồng bằng, gần biển thì hiệu quả hơn đặt gần nơi khai thác, nhưng khi cân nhắc có đánh giá đến tác động kinh tế - xã hội và sự lan tỏa của dự án nên quyết định đặt dự án ở nơi khai thác vì lợi ích của địa phương. Bình thường hiệu quả kinh tế của dự án do chủ đầu tư thẩm định, song với dự án bauxite, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương thẩm định. Căn cứ số liệu ở thời điểm hiện tại như thuế, phí môi trường, phí vận chuyển, giá bán alumin..., hội đồng các nhà khoa học xem xét cho rằng có hiệu quả. Chính phủ cũng đã tính toán hồ chứa ở đây đủ cung cấp nước cho chế biến alumin. Còn điện, dù đặt nhà máy ở đâu cũng vẫn là khâu khó khăn.

Người dân chờ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.  Ảnh: Dương Thủy

Về tình trạng nhập siêu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình, năm 2010 là năm đầu tiên tăng trưởng xuất khẩu vượt tăng trưởng nhập khẩu. Dự kiến xuất khẩu cả năm tăng 23%, trong khi nhập khẩu tăng 19%. Tuy nhiên, xét con số tuyệt đối, nhập siêu vẫn cao. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giảm nhập siêu tiến đến cân bằng cán cân thương mại sau năm 2015. Nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh đầu tư, phần lớn máy móc phải nhập khẩu nên thời gian tới vẫn phải nhập siêu. Mặt khác, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế, ngành dệt may 60% nguyên phụ liệu phải nhập để sản xuất. Ngoài ra, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao cũng khiến nhập siêu tăng cao. Hiện nay, trong kim ngạch nhập khẩu, 93% là thiết bị, máy móc, nguyên liệu. Chỉ có 7% là hàng tiêu dùng.

Chưa thể chấm dứt việc nằm ghép giường bệnh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu

Chiều qua, sau Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã đăng đàn trả lời các ĐBQH. Trả lời chất vấn của các ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng), Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long), Trần Thị Kim Phương (Hà Nội) về các vấn đề liên quan đến giảm tải ở các bệnh viện, nhất là tuyến trên, Bộ trưởng cũng thừa nhận nhiều giải pháp đang thực hiện chỉ là những giải pháp có tính chất tình thế, nhưng cũng sẽ phải thực hiện kéo dài. Cơ bản lâu dài là phải xây thêm bệnh viện, đồng thời tăng cường đào tạo nhân lực. Về xây dựng thêm bệnh viện, QH đã phê chuẩn dùng trái phiếu chính phủ để cải tạo, nâng cấp 645 bệnh viện huyện, đến nay đã phân bổ được 65% số kinh phí, tuyến tỉnh đã phân bổ được 15% vốn trái phiếu, so với tiến độ thì chậm. "Chúng tôi chưa bao giờ hứa sẽ chấm dứt việc nằm ghép trong 2,3 hay 4 năm tới… Bộ Y tế sẽ quyết tâm, sớm khắc phục chừng nào thì tốt chừng ấy" - Bộ trưởng nói. Bộ trưởng tái khẳng định, tình trạng nằm ghép hằng ngày hiện nay còn trên 6.000 người (năm 2008 là 15.000 người), tập trung vào các khoa như tim mạch, huyết áp, ung thư, nhi và chấn thương. Nếu việc nâng cấp bệnh viện tuyến huyện, xã và tăng cường đào tạo được thực hiện một cách quyết liệt thì tình trạng nằm ghép cũng như chất lượng điều trị và tình trạng quá tải của các bệnh viện tỉnh và TƯ sẽ được giải quyết.

Về đào tạo nhân lực, từ năm 2007 đến nay đào tạo đại học đã tăng gấp 1,7 lần, từ 10.000 người lên 15.000 - 17.000 người mỗi năm. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của nghề y là đào tạo 6 năm nên phải một vài năm tới mới có cải thiện lớn đối với việc chống quá tải. Bộ trưởng cũng đề nghị QH, Chính phủ ủng hộ việc nâng độ tuổi làm việc của cán bộ y tế.

Làm rõ thêm về vấn đề nguồn vốn bị chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, nguồn vốn trái phiếu đã được dự kiến cấp trong năm 2008-2010, nhưng do biến động kinh tế trong nước và thế giới, Chính phủ tập trung ổn định nền kinh tế nên chưa phát hành được trái phiếu. Tuy nhiên, chương trình này đã được duyệt thì phải quyết tâm làm, quan trọng là sẽ thực hiện các dự án theo thứ tự ưu tiên trước, sau, có thể kéo dài chương trình đến tận năm 2015.

Liên quan đến việc di dời các bệnh viện ở Hà Nội ra ngoại thành để giảm tải áp lực, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, để thực hiện phải có điều tra cơ bản, có quy hoạch. Dự kiến, những bệnh viện hiện có ở Hà Nội sẽ được chia làm 3 loại: đưa hẳn ra ngoài (trong số này có Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia); giữ nguyên công suất, làm thêm phân khu (áp dụng cho các Bệnh viện Việt-Đức, Bạch Mai, K…); giữ nguyên nếu quy hoạch cho phép.

Trả lời chất vấn về giá thuốc của ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), theo Bộ trưởng Bộ Y tế, những năm qua, các bộ, ngành liên quan đã tập trung khá nhiều công sức cho việc bình ổn giá thuốc. Thống kê cho thấy, trong năm 2010, giá 11 mặt hàng thiết yếu tăng trung bình khoảng 8,6%, nhưng giá thuốc chỉ tăng 3,2%. Bộ trưởng cho biết, thực tế kiểm tra, giám sát cho thấy, 95% số thuốc trên thị trường là thuộc thị trường hoàn hảo (tức là đủ nhiều doanh nghiệp sản xuất, đủ nhiều doanh nghiệp kinh doanh đủ sức cạnh tranh công khai, minh bạch, kể cả về thông tin mà tự bàn tay vô hình của nền kinh tế thị trường kéo sát về giá hợp lý, thị trường có đủ cung, trong nước sản xuất được), chỉ có 5% số thuốc là thuộc thị trường không hoàn hảo, do vậy tốc độ tăng giá chỉ còn 3,2%. Thị trường không hoàn hảo là thị trường chưa đủ số lượng sản xuất, kinh doanh đủ nhiều để cạnh tranh, để khống chế giá. Nước nào cũng trong tình trạng này, bởi vì 5% này thường thuộc về thuốc mới phát minh. Những loại thuốc thuộc thị trường không hoàn hảo cũng chính là những loại thuốc có sự tăng giá đột biến trong thời gian qua."Luật Dược mới quan tâm nhiều đến thị trường hoàn hảo, chưa quan tâm nhiều đến thị trường không hoàn hảo. 5% kia cơ chế phải khác" - Bộ trưởng nói.

Trả lời về việc thực hiện chế độ chi trả viện phí cho người bị tai nạn giao thông của một số ĐBQH, Bộ trưởng cho biết, theo quy định, những người bị tai nạn do vi phạm luật giao thông thì không được thanh toán. Khi bị tai nạn, chưa phân biệt là người đó vi phạm hay không vi phạm, người bị tai nạn phải tự thanh toán, khi có kết luận của cơ quan điều tra thì được hoàn trả. Khi thực hiện theo quy định trên, nhận thấy một số khó khăn cho người dân, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ cho phép được nhận phần khó khăn về cơ quan nhà nước, còn dành thuận lợi cho dân. Theo đó, Bộ Y tế sẽ chi trả trước toàn bộ viện phí cho người bị tai nạn giao thông, khi nào có kết luận từ cơ quan điều tra, thì người nào bị tai nạn do vi phạm luật sẽ phải trả lại tiền viện phí ứng trước. Tất nhiên, kèm theo đó có các chế tài. Tuy nhiên, thông tư này cần sự liên tịch với một số bộ, ngành khác và các bộ, ngành còn có ý kiến khác nhau nên phải trình Thủ tướng quyết định. Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã trả lời về các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, cải thiện đời sống cho cán bộ y tế và việc phòng ngừa HIV/AIDS. 

Đại biểu QH Lê Bộ Lĩnh (An Giang): Vấn đề đưa ra chất vấn đều được cử tri quan tâm

Hầu hết những nhóm vấn đề QH nêu ra cho các Bộ trưởng trả lời chất vấn đều đang được dư luận quan tâm. Đây cũng là những vấn đề sát thực với cuộc sống hiện tại. Có nhiều vấn đề rất quan trọng như, quản lý xuất nhập khẩu, làm thế nào để giảm nhập siêu… Có những vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô, được đưa vào nội dung chất vấn trong nhiều kỳ họp QH và vẫn được lặp lại trong đợt chất vấn lần này. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến ngành điện cũng được người dân quan tâm, trong đó đáng chú ý là tình trạng thiếu hụt điện diễn ra trong những năm sắp tới. Đặt ra vấn đề về phát triển ngành điện và làm thế nào để khắc phục tình trạng thiếu điện đối với Bộ trưởng Bộ Công thương, theo tôi đấy là vấn đề rất thiết thực.

Đối với Bộ trưởng Bộ Y tế, vấn đề được nêu ra về giảm tải hệ thống bệnh viện hiện nay và làm thế nào để có các biện pháp tăng cường y - bác sỹ cho các tuyến y tế cấp dưới, luân chuyển bác sỹ về cơ sở… Bên cạnh đó, những vấn đề về giao thông vẫn đáng được quan tâm, như: làm thế nào để hoàn thành dứt điểm các hạng mục giao thông chính hiện nay và cải thiện nhanh chóng cơ sở hạ tầng giao thông của chúng ta... Đây là những vấn đề bức xúc nhiều năm nay và cũng là một trong những trọng tâm trong chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ GTVT.

Đại biểu QH Lương Phan Cừ (Đắc Nông): Câu hỏi và trả lời phải giải quyết được những vấn đề bức xúc

Các nhóm vấn đề QH đưa ra để chất vấn và trả lời chất vấn các vị bộ trưởng đều rất quan trọng, liên quan đến quốc kế dân sinh. Từ vấn đề điện, cho đến vấn đề nông thôn, giao thông, y tế… đều rất cần thiết phải đưa ra xem xét. Tôi tán thành việc đưa ra chất vấn 4 vị bộ trưởng các bộ Y tế, GTVT, Tài chính và Công thương trong phiên chất vấn lần này của QH. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm nhất là đã có chất vấn thì phải có trả lời và chất lượng trả lời, chất lượng câu hỏi phải giải quyết được những vấn đề bức xúc của xã hội.

Tư Đô ghi

Chị Hoàng Kim Dịu, xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội): Xây dựng trạm y tế như phòng khám đa khoa thu nhỏ

Một trong những giải pháp quan trọng để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên như Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời chất vấn của đại biểu QH là đưa bác sỹ về tuyến y tế cơ sở. Theo tôi đây là chủ trương đúng, vì người dân rất cần bác sỹ, mà các trạm y tế là nơi gần dân nhất. Nhưng để người dân tìm đến tuyến y tế cơ sở này, không vượt tuyến thì vấn đề mấu chốt là cần xây dựng trạm y tế tương đương một phòng khám đa khoa thu nhỏ với đủ máy siêu âm, chụp X quang, các xét nghiệm sinh hóa tối thiểu để bác sỹ chẩn đoán được nhiều bệnh ngay tại tuyến này. Khi có bác sỹ và trang thiết bị đầy đủ, người dân sẽ tin tưởng để giao phó sức khỏe, thậm chí là tính mạng cho trạm y tế.

Ông Đinh Văn Thân, ngõ 195 B2 phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội):Người bệnh chưa thật sự được đối xử tốt

Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã đưa ra con số trong thời gian qua, bằng việc giảm diện tích khu hành chính, sắp xếp khoa phòng hợp lý đã tăng thêm 20 nghìn giường bệnh. Đây cũng là sự cố gắng lớn của ngành y tế, tuy nhiên có 3 yêu cầu mà người bệnh đòi hỏi mỗi khi đi khám là nhanh chóng, chất lượng và thái độ phục vụ tốt thì đều chưa được bảo đảm. Người bệnh chưa thực sự được đối xử tốt. Vì thế, người bệnh cũng đã bắt đầu lựa chọn các cơ sở y tế ngoài công lập. Nhưng hiện chưa có sự công bằng giữa bệnh viện công và tư về chính sách đãi ngộ cũng như cơ chế hoạt động để thu hút vốn đầu tư xây dựng những bệnh viện tư nhân hiện đại, có chất lượng, phong phú về các loại hình khám chữa bệnh. Theo tôi, để giảm tải cho bệnh viện công, một trong những giải pháp quan trọng là cần có cơ chế chính sách để bệnh viện tư phát triển. Điều này chưa thấy Bộ trưởng Bộ Y tế đề cập đến trong phần trả lời chất vấn.

Tùng Linh ghi

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Rà soát các dự án thủy điện, tìm lời giải tối ưu

Chiều 22-11, bên lề phiên chất vấn tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trao đổi thêm với phóng viên về vấn đề quy hoạch thủy điện tại miền Trung và hiệu quả kinh tế - xã hội cũng như tác dụng điều tiết nguồn nước của hệ thống thủy điện. Về ý kiến cho rằng thủy điện xả lũ không báo trước làm lũ nặng thêm, Phó Thủ tướng cho rằng phải có ví dụ kể tên thủy điện nào ra và vào lúc nào. Như Thủy điện Ba Hạ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trả lời là chỉ không thông báo cho UBND tỉnh, còn đã thông báo Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh. Đây là thủ tục hành chính, không phải làm sai. Theo Phó Thủ tướng, việc rà soát lại các thủy điện vẫn phải làm. Quy hoạch vẫn chỉ là quy hoạch. Khi lập dự án mới biết là thủy điện có hiệu quả hay không. Nếu không hiệu quả thì loại khỏi quy hoạch.

Miền Trung có đặc thù khác miền Bắc là độ dốc cao, không có hồ lớn cho nên khả năng dung tích chống lũ, cấp nước không lớn so với miền Bắc. Tuy vậy, qua kiểm tra mới đây, các nhà máy thủy điện đã điều hành rất tốt và địa phương đã có kinh nghiệm hơn. Chẳng hạn như ở Huế, vừa rồi là nhờ 2 thủy điện Hương Điền và Bình Điền cắt lũ. Trước mùa mưa bão, các tỉnh miền Trung có các đoàn đi kiểm tra các hồ chứa, trong đó có 90 nhà máy thủy điện. Mỗi tỉnh có hàng trăm hồ, việc quan tâm đến các hồ chứa là cả vấn đề chung. Trước mùa lũ phải đi kiểm tra, đánh giá các hồ có bảo đảm chất lượng để cho phép tích nước. Hồ nào không bảo đảm chất lượng thì không cho tích nước, nước về bao nhiêu xả bấy nhiêu. Riêng hồ chứa Hố Hô có đặc điểm là đang xây dựng, chưa đưa vào vận hành, thiết bị, người vận hành chưa chuẩn, cần rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm ở đây.

Tư Đô lược ghi

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc: Dự án điện chậm tiến độ do năng lực nhà thầu và chủ đầu tư

Phải nói rằng quy hoạch điện 6 là một bản quy hoạch đầy đủ tính đến cả việc phát triển nhiệt điện, thủy điện. Tuy nhiên, nhiệt điện hầu hết trong tổng sơ đồ 6 đều chậm, có dự án chậm 2 năm, có dự án chậm 3 năm. Qua kiểm tra một số nhà máy như Nhiệt điện Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Cao Ngạn, Cẩm Phả và Sơn Động… đều có vấn đề kỹ thuật, khi đưa vào vận hành bị trục trặc và chậm tiến độ rất nhiều. Chậm tiến độ ở đây do năng lực nhà thầu, do việc chọn nhà thầu chưa hợp lý. Phải khẳng định rằng các chủ đầu tư chưa đủ trình độ để đưa ra giải pháp kỹ thuật tốt, chọn được nhà thầu tốt nhất. Vấn đề này chúng tôi vẫn nhấn mạnh là năng lực của chủ đầu tư trong vấn đề chọn nhà thầu chứ không phải do luật. Luật Đấu thầu khá hiện đại, tiếp cận được với thông lệ quốc tế để lựa chọn các nhà thầu đầy đủ.

Y Linh ghi

Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên: Dự án bauxite bảo đảm được mức độ an toàn

Xung quanh vấn đề an toàn của dự án bauxite Tây Nguyên, sau khi đặt vấn đề, phía Hungary đã tiếp nhận đoàn cán bộ của Việt Nam sang khảo sát và đoàn đã kịp về cách đây 4 ngày. Tôi đã trực tiếp làm việc với nhiều thành viên trong đoàn và đoàn hiện nay đang hoàn thiện một báo cáo để gửi lên QH và các cơ quan chức năng. Sau khi đi khảo sát, có mấy vấn đề lớn như sau:

Về công nghệ, công nghệ của Hungary là công nghệ từ năm 1942, còn công nghệ của Việt Nam chọn là một trong những công nghệ tiên tiến, là công nghệ cuối cùng với thời điểm hiện nay. Vấn đề thứ hai, hồ bùn đỏ của Hungary xây dựng trên nền đất yếu, không có hệ thống gia cố. Hệ thống của Việt Nam hơn nước bạn 5 lớp, độ chống thẩm thấu gấp hơn rất nhiều lần. Bể xây của Hungary bằng bê tông xỉ, không làm móng, quây tròn với độ cao 25m đến 30m. Ở nước ta thì xây trong thung lũng, 3 mặt là đồi và núi, ngoài ra chúng ta còn gia cố thêm... Điểm cuối cùng, về các sự cố xảy ra như thế nào thì bạn không lường trước. Nhưng ở Việt Nam chúng ta thì đã lường trước những sự cố và nếu xảy ra thì hoàn toàn bảo đảm được mức độ an toàn.

Gần đây Bộ Công thương cùng Bộ Tài nguyên và môi trường đã phối hợp để mời các ĐBQH có liên quan đi vào khảo sát ở Tây Nguyên. GS.TS Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của QH phát biểu: Với tình hình địa thế trong đó, với tình hình động đất đã khảo sát, với báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường đã phê duyệt và TKV thực hiện đúng như vậy thì vấn đề an toàn cho hồ bùn đỏ của Nhà máy bauxite Tân Rai và Nhân Cơ hoàn toàn không có vấn đề gì trắc trở có thể xảy ra.

Thành Tâm ghi

  • Theo Vân An - Y Linh (Hanoimoi)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)