Giá điện: Bắt dân "bù chéo" cho sản xuất là vô lý

Theo Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Hiền, đang có một thực tế vô lý là người dân phải gánh các khoản mà ngành điện bù chéo cho các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều điện năng.

Phát biểu tại hội thảo quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường vừa được tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 14/3, bà Hiền cũng thẳng thắn đưa ra ý kiến, mỗi lần điều chỉnh giá điện, chính sách luôn chú ý tới việc hỗ trợ cho người nghèo. Tuy nhiên, tiến sĩ Hiền cho rằng, những khoản hỗ trợ này thực tế không lớn nếu so với những khoản mà ngành điện hỗ trợ các ngành sản xuất như thép, xi măng.

“Việc bù chéo là vô lý, các ngành này sản xuất và còn xuất khẩu ra nước ngoài nữa thì vì sao lại được hưởng giá thấp. Cần phải tính tới toàn ngành kinh tế chứ không chỉ một vài ngành sản xuất,” bà Hiền đưa ra ý kiến.

Đưa ra giải pháp, bà Hiền cho rằng, chúng ta nên có bảng giá điện phù hợp cho từng khu dân cư, từng đối tượng, không để người dân phải gánh mức giá mà ngành điện bù cho ngành sản xuất.

“Điều chỉnh được điều này, việc tiến lên cơ chế thị trường về giá điện mới tiến được một bước,” bà Hiền nói.

Góp ý kiến về nguyên nhân tăng giá điện, Tiến Sỹ Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, vấn đề quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành điện còn yếu và thực hiện chưa tốt.

Ông Tuyến cho rằng, các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa dự báo được diễn biến của thị trường điện và có chương trình phát triển phù hợp. Các dự án điện triển khai chậm dẫn tới phải sử dụng nguồn điện khác có chi phí cao.

Đặc biệt hơn, theo ông Tuyến, việc giá điện chỉ tăng mà không xuống còn một phần do thị trường điện vẫn là thị trường độc quyền. Theo đánh giá của tiến sĩ Tuyến, hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang chiếm trên 70% sản lượng điện sản xuất nên chi phí sản xuất cũng như giá bán có ý nghĩa quyết định trên thị trường.

“Chi phí, giá cả EVN đưa ra thế nào, công bố ra sao thì chúng ta phải theo. Vì thế, nếu không giảm bớt tỷ trọng của đơn vị này thì rất khó để đảm bảo minh bạch, công bằng,” ông Tuyến nhận định.

Thẳng thắn, ông Tuyến đưa ra ý kiến cần sớm thực hiện tách các bộ phận sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ ra khỏi EVN. Ngoài ra, việc khuyến khích các nhà đầu tư ngoài EVN, đặc biệt là khu vực tư nhân và nguồn FDI cũng nên tính tới trong thời gian tới.

Gay gắt hơn, ông Vũ Xuân Thuyên, đại diện Bộ kế hoạch đầu tư cho rằng, khi thiếu vốn đầu tư và lỗ khi kinh doanh ngoài ngành thì EVN lại đề nghị tăng giá. Ông Thuyên đưa ra thực tế, EVN hiện đang độc quyền ở hầu hết các khâu, từ phát điện, truyền tải điện tới phân phối điện.

Bởi thế, theo ông Thuyên, việc quản lý điều hành giá điện theo cơ chế thị trường chỉ có thể thực hiện khi không có bóng dáng độc quyền chi phối.

Ông Thuyên đề nghị tách một số bộ phận của EVN hiện nay và thành lập một công ty độc lập trong các khâu phát, truyền tải và phân phối điện. Trong đó, Nhà nước nắm độc quyền về hệ thống

“Tại các thành phố lớn có thể thành lập công ty cổ phần phân phối điện của các quận, huyện thực hiện việc bán điện cạnh tranh đến các hộ tiêu dùng,” ông Thuyên đưa ra đề xuất./.

Theo TTXVN

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)