Hội nghị ADSOM+WG: Bảo vệ người lao động trên biển

Đại diện các bên khẳng định cần tạo đà hợp tác thiết thực, hiệu quả để cơ chế ADMM+ “vừa có danh vừa có thực”.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh trao đổi với các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: Thụy Trang

Định hình các sáng kiến hợp tác đa phương

Sáng qua, Hội nghị Nhóm Công tác quan chức quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+WG) đã diễn ra tại TP Đà Lạt, dưới sự chủ trì của đại tá Vũ Tiến Trọng, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng, Trưởng đoàn ADSOM+WG Việt Nam.

Hơn 70 đại biểu thuộc 10 nước ASEAN, 8 nước đối tác, đối thoại gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Úc cùng Ban Thư ký ASEAN đã tham dự hội nghị. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đến dự và phát biểu chào mừng.

Đây là hội nghị cấp cao nhằm triển khai những bước đầu tiên trong tiến trình hợp tác quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), cụ thể là phác thảo lộ  trình thực hiện những quyết định tại Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất hồi tháng 10 tại Hà Nội. Tại Hà Nội, đại diện các bên đã thống nhất xác định 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác quốc phòng gồm: Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR), an ninh biển, chống khủng bố, quân y và hoạt động giữ gìn hòa bình. Những lĩnh vực này đã được một số quốc gia tình nguyện đăng cai bảo trợ. Theo đó, HADR sẽ do Việt Nam và Trung Quốc bảo trợ, an ninh biển sẽ do Malaysia và Úc bảo trợ, chống khủng bố do Indonesia và Mỹ bảo trợ, Singapore và Nhật Bản bảo trợ lĩnh vực quân y trong khi Philippines và New Zealand sẽ đảm trách bảo trợ về hoạt động giữ gìn hòa bình.

Hội nghị hôm qua là nơi để các quốc gia đã đăng cai bảo trợ sáng kiến trên các lĩnh vực hợp tác ưu tiên chia sẻ những ý tưởng ban đầu về hoạt động hợp tác dự kiến trên những lĩnh vực này.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: “Hội nghị lần này có ý nghĩa to lớn, là bước triển khai ban đầu các quyết định của ADMM+ lần thứ nhất. Kết quả đạt được hôm nay sẽ góp phần định hình rõ ràng hơn các nhóm sáng kiến cũng như quy trình thiết lập các nhóm chuyên gia ở từng lĩnh vực cụ thể.”

ADMM+ là cơ chế tham vấn và hợp tác cao nhất về quốc phòng - an ninh giữa ASEAN và các nước đối tác. Cơ chế này được tạo ra trong bối cảnh Thái Bình Dương đang đối mặt với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen, mang tính xuyên quốc gia và ngày càng phức tạp. Vì thế việc bảo đảm ADMM+ hoạt động hiệu quả với sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Đại diện một số quốc gia như Philippines và Hàn Quốc nhấn mạnh phải làm sao để hoạt động của ADMM+ không giẫm chân, trùng lắp với các cơ chế hợp tác quốc phòng đã có trong khu vực. Hội nghị cũng làm rõ thắc mắc của một số bên về tiến trình thực hiện các lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Theo đó, các bên đều tham gia tích cực vào từng lĩnh vực chứ không phải chỉ có các nước đăng cai bảo trợ.

Những quan tâm trên là lý do nhất thiết phải thành lập các Nhóm chuyên gia (EWGs) nhằm hỗ trợ thực hiện các quyết định của ADMM+ trong các lĩnh vực chuyên môn liên quan và đề xuất các bước cụ thể để tiến hành hợp tác trong từng lĩnh vực. Hôm qua, hội nghị thảo luận và thống nhất hai nội dung quan trọng, bao gồm: Lộ trình và thủ tục cho việc thiết lập Nhóm chuyên gia và Đề cương Tài liệu khái niệm về việc thiết lập Nhóm chuyên gia. Hai nội dung này có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo thành lập được các nhóm chuyên gia kịp thời vào năm 2011.

Theo đề cương nói trên, một EWG sẽ bao gồm các nước ASEAN và các nước đối tác có cùng mối quan tâm trong lĩnh vực cụ thể. Các EWG có thể hoạt động và theo đuổi mục tiêu nghị sự đã thông qua mà không cần có sự tham gia của tất cả 18 thành viên ADMM+. Ngoài ra, một EWG sẽ do một nước ASEAN và một nước đối tác làm đồng chủ tịch với nhiệm kỳ từ 2 đến 3 năm.

Hội nghị cũng nghe Indonesia, nước chủ tịch tiếp theo của ADMM+, thông báo về kế hoạch tổ chức các hội nghị quốc phòng trong năm 2011.

Con người là vấn đề quan trọng nhất

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có một số nhận định với PV Thanh Niên về việc Việt Nam và Trung Quốc cùng đăng cai bảo trợ cho lĩnh vực Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR). Theo đó, kết quả tích cực đầu tiên là đã cùng Trung Quốc vào một diễn đàn hợp tác đa phương. “Đã hợp tác đa phương thì tất cả đều phải chấp nhận những luật chơi chung, những luật chơi cơ bản. Đấy là hòa bình, đấy là ổn định, hợp tác phát triển biển đảo”, ông Vịnh cho biết.

Theo trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, đã gọi là hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa thì con người là vấn đề quan trọng nhất. “Trước hết là phải giúp đỡ những người gặp bão lụt thiên tai mà không tính đến biên giới, lãnh thổ. Không tính đến chủ quyền. Thứ hai là bảo vệ lao động hòa bình trên biển, trong đó có đánh bắt cá, hợp tác khai thác tài nguyên trên biển”. Một điểm quan trọng khác là hiện còn tồn tại những bất đồng trên biển như vấn đề bắt tàu thuyền của ngư dân của các bên. Về điểm này, trung tướng Vịnh nói: “Nguyên tắc đặt ra là phải cư xử nhân đạo”.

Theo ông, trên đây là những nguyên tắc bắt buộc mà các bên phải tuân thủ trong sáng kiến hợp tác HADR. “Huống gì là người chủ trì sáng kiến thì lại càng phải gương mẫu hơn”.

Ngoài ra, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng bên cạnh đấu tranh ngoại giao, luật pháp quốc tế hay Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông, thì sáng kiến hợp tác này cũng là một công cụ đấu tranh khi một nước nào đó có hành vi không bảo vệ người dân làm ăn lương thiện trên biển.

Cũng về vấn đề hợp tác HADR, đại tá Triệu Bảo, người đứng đầu bộ phận Hợp tác đa phương thuộc Phòng Đối ngoại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định những bất đồng về chủ quyền biển đảo sẽ không ngăn cản tiến trình hợp tác. Ông Bảo nhấn mạnh: “Nhân mạng là quan trọng nhất. Những bất đồng, tranh chấp sẽ được để lại phía sau khi sinh mạng con người bị đe dọa”.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Tại hội nghị hôm qua, đoàn Hàn Quốc đã nêu lên vấn đề căng thẳng leo thang hiện nay trên bán đảo Triều Tiên sau vụ đọ pháo hôm 23.11. Phía Hàn Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế, cụ thể là ADMM + lên án CHDCND Triều Tiên và góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định trong khu vực. Đại diện Nhật Bản, Úc, Mỹ, Ấn Độ và New Zealand bày tỏ sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của Hàn Quốc. Phía Nga và Trung Quốc không nêu ý kiến gì. Trong khi đó, thượng tá Trần Hậu Hùng, Phó viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng khẳng định quan điểm của Việt Nam là kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.

  • Theo Trọng Kha (Thanhnien)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)