Thắt lưng, buộc bụng vì “bão giá”

Hàng hoá trên thị trường ồ ạt tăng giá, gây khó khăn cho đời sống người dân. Các gia đình có thu nhập thấp đang phải thắt lưng, buộc bụng trong cơn “bão giá”. Từ các mặt hàng nhu thiết yếu như đường, sữa, gạo, thịt gia súc, gia cầm… đến hàng cao cấp giá đều đi lên.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lại vin vào giá USD, giá vàng, giá xăng dầu… tăng để đua nhau tăng giá sản phẩm.

Tần ngần trước giá rau quả tăng nhanh tại siêu thị. Ảnh: Dương Tuyết

“Mê hồn trận” giá!

Bắt đầu từ tháng 8.2010, khi giá nhiều mặt hàng đã bắt đầu rục rịch tăng, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đã có kế hoạch mua hàng dự trữ, tuy nhiên đến thời điểm này, lượng hàng bình ổn vẫn chưa thực sự làm ổn thị trường. Rau, củ, quả là một trong những loại hàng thiết yếu thuộc diện hàng bình ổn giá, tuy nhiên ghi nhận tại các siêu thị và một số chợ trên địa bàn TPHCM, các mặt hàng này lại có giá tăng đến chóng mặt, trong đó có nhiều loại rau tăng từ 50 - 100%.

Tiêu biểu là cải xoong lớn từ 9.000đ/kg tăng lên 17.700đ/kg, các loại củ cũng tăng từ 3.000đ đến 5.000đ/kg. Giá các loại thịt ở siêu thị cũng tăng mạnh và cao hơn từ 5.000đ đến 10.000đ/kg so với giá thịt ở chợ. Thịt lợn đùi tại chợ An Lạc, Q.Bình Tân có giá 56.000đ/kg, trong khi đó tại siêu thị Co.op Mart hàng có nguồn từ các Cty tham gia bình ổn giá là 68.000đ/kg và hàng không bình ổn là 72.000đ/kg.

So với giữa tháng 10 thì đầu tháng 11 giá của các mặt hàng như sữa, đường, bột ngọt, trứng... cũng đã tăng từ 3 - 10%, như các loại sữa nước của Vinamilk đồng loạt tăng 3%. Giá sữa bột tại các siêu thị thường cao hơn giá ở chợ, đại lý từ 15.000 - 20.000đ/hộp. Tại hệ thống siêu thị Co.op mart sữa bột Friso loại 1,5kg có giá 342.000đ/hộp, cao hơn 20.000đ/hộp so với giá tại các đại lý. Đại diện SaiGon Co.op cho biết, mặt hàng tăng mạnh nhất trong thời gian gần đây là các hàng hóa nhập khẩu hoặc các sản phẩm nhập nguyên liệu từ nước ngoài, tiêu biểu là rượu, đồ hộp tăng từ 3 - 5%. Nguyên nhân là do giá USD và giá vàng trên thế giới đang tăng mạnh.

Giá tăng, phải mua với số lượng ít hơn. Ảnh: Dương Tuyết

Giải thích cho việc nhiều mặt hàng nhu thiết yếu nằm trong cam kết bán giá thấp nhất so với thị trường của hệ thống siêu thị BigC cũng rục rịch tăng giá, bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại hệ thống siêu thị BigC - cho biết: “Người quyết định giá không phải nhà phân phối mà là các nhà sản xuất, những nơi cung cấp nguồn hàng. Họ có hàng chục lý do để yêu cầu nhà phân phối tăng giá bán sản phẩm, từ mưa lũ, đến giá xăng, giá vàng, giá USD tăng... Nhà phân phối chấp nhận việc tăng giá nếu nhà cung cấp sản phẩm có những chương trình khuyến mãi kèm theo. Để đảm bảo làm đúng cam kết bán với giá thấp nhất, cũng có DN phải cắn răng chịu lỗ. Chẳng hạn như bánh mì Baguette của hệ thống siêu thị BigC, doanh nghiệp phải chịu lỗ khi giảm giá từ 3.900đ/ổ xuống còn 3.400đ/ổ, trong khi giá bột mì trên thế giới đang tăng mạnh.

Lương lỗi hẹn với giá!

Đứng tần ngần trước quầy rau quả của siêu thị Co.op mart, đường Cống Quỳnh, quận 1,  chị Thu Mười ở địa chỉ 47 Nguyễn Thông, quận 3 là Giám đốc Công ty Đại Hồng Phúc cho biết: “Thời buổi lạm phát, công ty làm ăn không sinh lời, giá cả thì tăng đến chóng mặt, nhân viên than thở lắm nhưng công ty cũng không thể tăng lương được. Bản thân mình là giám đốc, mình còn đau đầu với chi tiêu hằng ngày thì nhân viên lương hơn 2 triệu đồng/tháng kêu la cũng phải”. Là công ty gia đình gồm 4 thành viên, lúc đầu chị Mười còn cho nhân viên ra ăn ngoài quán, nhưng từ khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, chị phải tự đi mua thực phẩm nấu buổi trưa cho nhân viên. Chị chia sẻ: “Mình phải chịu cực một chút, không tăng lương cho nhân viên thì cũng phải đảm bảo được một bữa ăn đàng hoàng”.

Dạo qua chợ An Lạc, nhiều bà nội trợ cầm mớ cải xoong lên xem hồi lâu đắn đo lại chuyển qua mua bó rau muống. Cô Võ Thị Tuyết - Phó ban Quản lý chợ An Lạc - vừa trả tiền bó rau, vừa chia sẻ: “Lương chỉ hơn 2 triệu/tháng cầm cự cả năm nay không tăng, vậy mà chỉ trong tháng 10 thôi cái gì cũng tăng vèo vèo, ngày trước rau muống 3.000đ/bó đi chợ một ngày 50 ngàn, giờ 5.000đ/bó cũng chỉ đi chợ từng ấy tiền. Thay vì mua xà lách 30.000đ/kg tôi chuyển sang mua rau muống, chắt chiu còn mua những thứ khác mới tạm đủ”.

Vào những ngày công nhân của Khu công nghiệp Tân Tạo, Tân Bình nhận lương, siêu thị BigC An Lạc nhộn nhịp hẳn, vì công nhân tranh thủ đi mua hàng khuyến mãi, hàng giảm giá. Chị Nguyễn Ngọc Oanh - công nhân Khu công nghiệp Tân Tạo - cho biết: “Lương chỉ gần 2 triệu/tháng, đi siêu thị cũng chỉ để ngắm đồ, xem cái nào đẹp thì dành dụm tiền để khi nào về tết sẽ mua. Trước tụi em đã ít mua thịt, giờ thịt tăng giá lại càng ít mua, chỉ mua rau nhưng mấy tuần nay rau cũng không đủ tiền để mua”.

Ông Trần Ngọc Ẩn - phụ trách giá cả thị trường chợ An Lạc, Q.Bình Tân - cho biết: “Chúng tôi có niêm yết giá cho các tiểu thương và vận động bán đúng giá, nhưng giá cả hàng hóa còn tùy thuộc vào nguồn cung, các điều kiện vận chuyển nên việc giá tăng cũng không thể nào kiểm soát được”. Hầu hết các chợ và siêu thị cũng không đảm bảo được rằng trong thời gian tới lượng giá hàng hóa có ổn định hay không, khi Tết Tân Mão đến gần và lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp phân phối cũng đã hết.

UBND TPHCM chỉ đạo tiếp tục bình ổn giá

Ngày 4.11, tin từ Văn phòng UBND thành phố cho biết, nhằm tiếp tục bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế sự gia tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11.2010 trên địa bàn TP, UBND TP đã chỉ đạo Sở Công Thương tiếp tục theo dõi và đánh giá diễn biến thị trường; đảm bảo cân đối cung cầu và điều tiết hàng hóa kịp thời...

Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc chuẩn bị của các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá; đưa mặt hàng thủy hải sản vào thị trường để cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân TP; phối hợp với UBND các quận, huyện để bố trí các địa điểm bán 8 mặt hàng bình ổn tại các chợ truyền thống, địa điểm ngoài chợ truyền thống... Chi cục Quản lý thị trường TP cần xây dựng kế hoạch triển khai kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Tân Mão, trong đó lưu ý đối với hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá thời hạn sử dụng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.    

Ngọc Huân

  • Theo Lê Tuyết - Ánh Dương (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)