MTTQ Việt Nam góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng

Các đại biểu dự Hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam hoan nghênh những nội dung mới được bổ sung trong các dự thảo văn kiện lần này.  

Đồng chí Tô Huy Rứa (thứ 3 bên trái) cùng các vị đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: mattran.org.vn

Tại Hội nghị (tổ chức ngày 5/10), thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, giới thiệu nội dung cơ bản của Dự thảo các văn kiện và nhấn mạnh, việc công bố Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần làm cho văn kiện trở thành sản phẩm kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Đồng chí Tô Huy Rứa khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn trân trọng các ý kiến đóng góp của MTTQ và mong các đại biểu phát huy tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm đóng góp nhiều ý kiến về những vấn đề cụ thể nêu trong các Dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.

Hầu hết ý kiến của đại biểu đều thống nhất với những nội dung cơ bản thể hiện trong các Dự thảo văn kiện, đồng thời hết sức phấn khởi, hoan nghênh những nội dung mới được bổ sung trong các Dự thảo văn kiện lần này.

Về những nội dung cần được làm rõ, xem xét một cách thấu đáo và tiếp thu nghiêm túc để bổ sung hoàn thiện các Dự thảo văn kiện, các đại biểu cho rằng, mục tiêu và định hướng cơ bản của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là hướng đi lên vững chắc. Các đại biểu đề nghị cần cụ thể hơn nữa về các mục tiêu cần hướng tới, đặc biệt là vấn đề giáo dục phải được cụ thể hóa bằng giải pháp cụ thể, khả thi, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của CNH – HĐH.

Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nêu vấn đề tạo lập và phát huy các động lực của sự phát triển đất nước, đây được xem như là các yếu tố nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng con người.

Việc quan tâm tạo lập và phát huy các động lực của sự phát triển đã được nêu ra trong các văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng và trong Dự thảo văn kiện Đại hội XI cũng đã được đề cập, nhưng chưa nhấn mạnh và làm rõ nội dung và tính chất mới của các động lực; chưa thể hiện rõ mối liên hệ và tác động qua lại giữa các động lực; chưa xác định trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận trong hệ thống chính trị và chưa phân công tổ chức nào chủ trì phối hợp việc phát huy các động lực của sự phát triển trong thời kỳ đổi mới đất nước…

Theo GS TS Nguyễn Lân Dũng, Báo cáo Chính trị đã thẳng thắn nêu những tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, đó là công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về Đảng cầm quyền, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm, thiếu cơ chế, chính sách để thực sự phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện, sử dụng người tài…

GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, như vậy là Đảng đã thực sự làm theo những lời căn dặn của Bác Hồ. Vấn đề đặt ra cho Đại hội XI là cần có biện pháp khắc phục nhanh chóng và có hiệu quả những tồn tại.

  • Theo Tùng Lâm (mattran.org.vn)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)