Hội nghị biểu dương các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tiêu biểu toàn quốc: Mãi sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Hội nghị biểu dương hơn 300 đại biểu đại diện cho hơn 100 nghìn chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày trên cả nước, những người đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến tham luận tại Hội nghị.

Trân trọng những cống hiến, hy sinh to lớn Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ: 

dsaf

Ðây là dịp chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, thể hiện sự trân trọng, biết ơn của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với người có công với cách mạng nói chung và các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nói riêng. Ðồng thời, hội nghị là dịp để hơn 300 đại biểu tiêu biểu cho tinh thần kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày gặp gỡ, ôn lại truyền thống quý báu của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vĩ đại. Ðể giành được độc lập, tự do, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cách mạng của ta đã bị địch bắt, cầm tù, tra tấn và sát hại một cách dã man. Dưới chế độ nhà tù hà khắc được coi là "địa ngục trần gian" của thời đại văn minh, nhưng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày vẫn luôn nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần chịu đựng, hy sinh gian khổ, đoàn kết, sáng tạo, đấu tranh trực diện với kẻ thù; biến nhà tù của thực dân, đế quốc trở thành trường học cách mạng, nâng cao trình độ chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, mài sắc ý chí đấu tranh. Nhiều đồng chí đã trở thành những nhà lãnh đạo kiệt xuất, những nhà quản lý tài ba, những nhà khoa học xuất sắc của đất nước ta. Tinh thần bất khuất, khí phách kiên cường, quả cảm chịu đựng hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau noi theo, nhất là thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Ðể ghi nhớ công lao to lớn của những người đã hy sinh xương máu vì nước, vì dân, Ðảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi những người có công với cách mạng nói chung, trong đó có các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và thân nhân nói riêng. Ðây không những là trách nhiệm cao cả của các thệ hệ sau đối với thế hệ anh hùng đi trước, mà còn là biểu hiện của đạo lý truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.

Trong lời phát biểu chào mừng hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao thay mặt Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, đại diện cho hàng triệu người có công với nước, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trên cả nước về dự hội nghị. Ðồng chí đánh giá cao và cảm ơn các đơn vị đã có sáng kiến tổ chức hội nghị tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, khúc ruột miền trung, vùng kinh tế trọng điểm, giàu tiềm năng của đất nước.

fdaf

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Thừa Thiên - Huế là địa bàn chiến lược, quan trọng về chính trị, quốc phòng và an ninh. Nơi đây từng là chiến trường ác liệt với nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh thắng các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược. Ðể có niềm vui hôm nay, cùng với cả nước, tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 19 nghìn người đã hy sinh, 855 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 13 nghìn thương, bệnh binh; gần năm nghìn cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày; hơn 50 nghìn đối tượng chính sách. Trong vinh quang chiến thắng, chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn sâu sắc nhất những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha, anh, những người con của mọi miền Tổ quốc đã cống hiến xương máu và cuộc sống của mình vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thay mặt các cơ quan đồng tổ chức hội nghị, Thứ trưởng LÐ-TB và XH Bùi Hồng Lĩnh đọc báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong những năm qua.

daf

Báo cáo nêu rõ: Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc với chủ đề "Biểu dương các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tiêu biểu toàn quốc" được tổ chức tại cố đô Huế là tấm lòng trân trọng của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những hy sinh cao cả của các đồng chí, các bác, các anh, các chị, những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, đại diện cho hàng triệu người có công với cách mạng trên cả nước. Các đồng chí, các bác, các anh, các chị đã kiên cường chịu đựng gian khổ lúc tù đày, là người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Phẩm chất cách mạng và lòng yêu nước thêm một lần nữa được chứng tỏ khi các bác, các anh, các chị tích cực tham gia công tác khoa học; lao động sản xuất giỏi, nâng cao đời sống gia đình và hoạt động xã hội; tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, cống hiến nhiều trí tuệ, công sức cho đất nước, xã hội trong thời kỳ đổi mới; không những làm giàu cho bản thân mà còn tạo điều kiện hỗ trợ đồng đội cũng có cơ hội phát triển.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước và sự quan tâm của toàn xã hội, hệ thống chính sách chăm sóc người có công được ban hành và thực hiện khá toàn diện, có nhiều ưu đãi đối với người có công, trong đó có chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và thân nhân của họ. Ðây không những là trách nhiệm cao cả của thế hệ sau đối với thế hệ Anh hùng đi trước mà còn là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của cả dân tộc. Trong những năm qua, các cấp ủy Ðảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã có nhiều quan tâm chăm lo đời sống người có công, trong đó có các đồng chí hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.  Năm 2010, mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng Quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa" Trung ương đã nhận được sự ủng hộ 290 tỷ đồng. Các cấp, ngành và địa phương đã xây mới 11.202 nhà tình nghĩa, sửa chữa 7.317 nhà với tổng số tiền hơn 401 tỷ đồng. Hơn 94% số xã, phường làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. 100% số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phụng dưỡng và chăm sóc chu đáo, tặng 16.282 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng. Hầu hết các nghĩa trang liệt sĩ quy mô quốc gia và địa phương, các khu tưởng niệm danh nhân, Anh hùng liệt sĩ được xây dựng và tu bổ.

Luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Tại hội nghị, các chiến sĩ cách mạng đã ôn lại những kỷ niệm của một thời đấu tranh bất khuất trong nhà lao của kẻ thù; trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội, hỗ trợ đồng đội cùng vươn lên trong cuộc sống.

Trải qua ba lần vào tù ra khám của thực dân đế quốc, trải qua mọi cực hình tra tấn và mang trên mình án tử hình, nhưng tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ ấy đã khiến kẻ thù phải khiếp nhược. Ðó là đồng chí Lê Quang Vịnh (Thừa Thiên- Huế), con người đã đi vào thơ ca và là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ noi theo. 

 adf

Những ngày đấu tranh trong phong trào học sinh, sinh viên ngay giữa lòng TP Sài Gòn, sào huyệt của kẻ thù, để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ, đòi hòa bình và độc lập cho dân tộc Việt Nam, Lê Quang Vịnh bị địch bắt và đưa ra tòa án xét xử. Tại phiên tòa của đế quốc, người chiến sĩ cộng sản ấy đã biến phiên tòa thành diễn đàn tố cáo chế độ thực dân xâm lược và bè lũ ngụy quyền bán nước. Chế độ ngụy quyền Sài Gòn đã mua chuộc, dụ dỗ Lê Quang Vịnh từ bỏ con đường đấu tranh cách mạng mà anh và các đồng đội đã lựa chọn để được ân xá, đồng chí đã dõng dạc trả lời: Chỉ có con đường đấu tranh giải phóng dân tộc mới đem lại độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc. Biết không thể khuất phục được Lê Quang Vịnh, kẻ thù đã kết án tử hình và đày  anh ra Côn Ðảo. Hơn 15 năm sống trong nhà tù đế quốc, trong đó có tám năm trong phòng biệt giam, mặc dù bị kẻ thù khống chế đàn áp dã man, trải qua tất cả những cực hình tra tấn từ chuồng bò, chuồng cọp, hầm đá, từ khám Chí Hòa, Côn Ðảo... nhưng người chiến sĩ ấy vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng. Trước sức ép của dư luận và tinh thần đấu tranh cách mạng, kẻ thù đã phải giảm án từ tử hình xuống chung thân khổ sai. Ðồng chí chia sẻ, trong những lúc khó khăn nhất, đồng chí  luôn nghĩ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Chính Người đã giúp đồng chí  giữ vững niềm tin vào một ngày nước nhà được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do và giúp đồng chí vượt qua mọi thử thách trước đòn roi của kẻ thù, nguyện sẽ làm theo những điều Bác Hồ dạy.

Có một con người với thân hình mảnh dẻ, giọng nói hiền hòa đặc trưng của người miền trung, nhưng đồng chí đã từng trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù. Chúng coi việc bắt được đồng chí như bắt được một tiểu đoàn quân. Ðó là đồng chí Ðinh Văn Lời (Quảng Nam), nguyên biệt động thành TP Ðà Nẵng, cựu tù Côn Ðảo.

fdafda

Nhiều trận đánh vào cơ quan sào huyệt của Mỹ, ngụy tại Hội An của biệt động có đồng chí tham gia đã làm kẻ địch hoang mang sợ hãi. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, đơn vị của đồng chí đã tiêu diệt hàng chục tên ác ôn khét tiếng có nợ máu với nhân dân, hỗ trợ quần chúng nổi dậy cướp chính quyền và làm chủ toàn bộ TP Hội An. Trong một trận đánh ác liệt, đồng chí đã bị thương và bị địch bắt, đày ra Côn Ðảo. Chúng giam đồng chí trong chuồng cọp tám năm, tra tấn đến chết đi sống lại nhiều lần nhưng không thể khuất phục được khí tiết cách mạng trong con người cộng sản ấy. Sau khi trở về địa phương, với tâm niệm mình còn sức thì còn đóng góp cho xã hội, đồng chí Ðinh Văn Lời tìm cách khôi phục nghề mộc truyền thống tại phố cổ Hội An. Sản phẩm do doanh nghiệp của đồng chí sản xuất được xuất khẩu sang 14 nước trên thế giới, doanh thu đạt hàng tỷ đồng. Ngoài tạo việc làm cho hơn 200 lao động là con thương binh, con liệt sĩ, doanh nghiệp của đồng chí còn hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để nuôi dưỡng và dạy nghề miễn phí cho 150 con em những người lao động nghèo, con em gia đình chính sách và người tàn tật. Không chỉ hăng hái lao động sản xuất, đồng chí còn tích cực tham gia đóng góp ủng hộ các phong trào "Ðền ơn đáp  nghĩa", ủng hộ đồng bào khi bị thiên tai lũ lụt và tham gia nhiều hoạt động xã hội.

Tại hội nghị, bà Trần Cẩm Nhung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần và đầu tư Golf Long Thành (Ðồng Nai), người con của hai chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày năm xưa đã phát biểu ý kiến cảm ơn, tri ân và khâm phục những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Bà Trần Cẩm Nhung chia sẻ, chính cha mẹ bà cũng là chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày trong hai cuộc kháng chiến, nên bà rất hiểu và thấm thía sự mất mát hy sinh của các chiến sĩ cách mạng và gia đình họ. Bản thân bà được miền bắc XHCN nuôi dưỡng tại Trường học sinh miền nam đến khi trưởng thành. Giờ đây, sống trong hòa bình và có nhiều thành đạt trong sản xuất, kinh doanh, bà đã cùng tập thể Công ty Golf Long Thành có nhiều hoạt động "Ðền ơn đáp nghĩa" giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

dafa

Mang theo ký ức hào hùng không thể nào quên về những năm tháng sống, chiến đấu ngay trong nhà tù đế quốc, đồng chí Vũ Minh Tằng (Nam Ðịnh) tâm sự: Năm 1962, đồng chí tình nguyện lên đường tòng quân đánh Mỹ, với mong ước được cầm súng chiến đấu tiêu diệt quân thù, góp phần giải phóng miền nam thống nhất Tổ quốc. Tại chiến trường Quảng Ngãi, do có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, đồng chí đã hai lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

 fadfdsa

Khi bị địch bắt, ngay trong nhà tù đế quốc, đối đầu với tên giám thị Bảy Nhu khét tiếng với những đòn tra tấn dã man, nhưng đồng chí đã cùng đồng đội đấu tranh không lùi bước trước kẻ thù, khiến bọn chúng phải khiếp sợ. Là Bí thư chi bộ phòng giam, đồng chí đã lãnh đạo anh em đấu tranh với kẻ thù và cùng với Ðảng bộ nhà lao tổ chức đào hầm vượt ngục. Mặc dù cuộc vượt ngục không thành công, nhưng đã khơi dậy trong các chiến sĩ tinh thần không chịu khuất phục, đấu tranh đến cùng để trở về với đồng đội, tiếp tục chiến đấu. Với những thành tích trong chiến đấu, trong lao tù, đồng chí đã được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất. Ðược Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam tặng Huân chương Giải phóng hạng nhất. Trong quá trình tham gia chiến đấu ở chiến trường miền nam cũng như trong lao tù, đồng chí luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tin tưởng vào chiến thắng dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhất định thành công.

Ðến từ thành phố mang tên Bác, đồng chí   Phan Ngọc Ðoàn nay đã bước sang tuổi 82, 59 tuổi Ðảng nhưng cụ vẫn nhớ như in những kỷ niệm của những ngày chiến đấu bất khuất ngay trong lòng kẻ thù.

 faaaa

Năm 1945, người con gái của đất thành đồng Phan Ngọc Ðoàn đi theo cách mạng, gia nhập Ðảng Cộng sản Việt Nam; tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc, Mặt trận Việt Minh hoạt động ngay trong lòng địch. Năm 1952, trên đường đi công tác đồng chí bị địch bắt. Trải qua các nhà tù Tân An, Phú Lâm, Hạnh Thông Tây, Vũng Tàu, bị địch tra tấn tàn bạo, nhưng người con gái ấy vẫn giữ vững khí tiết của người cách mạng, không khai báo, bảo đảm an toàn cho các cơ sở cách mạng và nơi  nuôi giấu cán bộ. Những ngày sống, chiến đấu trong nhà tù thực dân đế quốc, đồng chí luôn xác định, địch đàn áp, đánh đập tù nhân ác liệt thì ta chỉ còn con đường đấu tranh để thực hiện câu: Sống vĩ đại, chết vinh quang. Sau khi ra tù, đồng chí  trở về đơn vị cùng với đồng đội tiếp tục chiến đấu thầm lặng trong Ban An ninh T4 Sài Gòn cho đến ngày nước nhà thống nhất. Sau nhiều năm công tác tại Công an TP Hồ Chí Minh với cương vị Phó phòng Trinh sát ngoại tuyến, trở về với đời thường, đồng chí tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội, tham gia xây dựng, củng cố cơ sở Ðảng ở địa phương.

Mãi là tấm gương để thế hệ trẻ học tập, noi theo

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhiệt liệt biểu dương những tấm gương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tiêu biểu. Ðồng chí nhấn mạnh, với tinh thần anh dũng, kiên cường, được tôi luyện thử thách qua các nhà tù đế quốc, nhiều đồng chí đã phấn đấu vươn lên trở thành những nhà lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước và của các địa phương, có những đồng chí là nhà khoa học, nhà quản lý giỏi, mẫu mực trong công tác, lao động, sản xuất và sinh hoạt ở địa phương. Thành công của các đồng chí là nguồn động viên khích lệ những người chung quanh, đồng thời cũng góp phần chia sẻ trách nhiệm cộng đồng.

ffff

Ðồng chí Lê Hồng Anh khẳng định, Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhớ và biết ơn sự hy sinh của các chiến sĩ bị địch bắt tù đày vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chăm sóc người và gia đình có công với cách mạng là một việc làm quan trọng, không chỉ là vấn đề đạo lý mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, mang tính nhân văn, có ý nghĩa lâu dài trong đời sống xã hội Việt Nam. Những chế độ, chính sách của Ðảng, Nhà nước thực hiện cũng chỉ đền đáp được phần nào những hy sinh mất mát to lớn mà các đồng chí và gia đình đã chịu đựng trong cuộc sống. Trong đó, có nhiều đồng chí còn mang những di chứng bệnh tật do những trận đòn tra tấn dã man của nhà tù đế quốc và nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Ðồng chí tin tưởng, các chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm của mình cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI đề ra.

Ðồng chí đề nghị, sau hội nghị này, các cấp, các ngành và địa phương cần đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những tấm gương tiêu biểu, tạo thành phong trào sâu rộng toàn dân quan tâm chăm sóc người và gia đình có công với cách mạng và động viên các đối tượng chính sách, người có công vượt khó vươn lên trong cuộc sống, làm giàu cho gia đình và đóng góp cho xã hội.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Ðào Duy Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam phát biểu ý kiến, nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, "Uống nước nhớ nguồn", "Ðền ơn, đáp nghĩa" là truyền thống, là đạo lý của dân tộc ta. Công tác chăm sóc người có công với cách mạng, trong đó có các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ngày càng có hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm cuộc sống vật chất, tinh thần ổn định và không ngừng phát triển.

aaaa

Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không ngừng phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn", "Ðền ơn, đáp nghĩa" của dân tộc, nêu cao trách nhiệm chính trị, tình cảm cách mạng, nghĩa tình đồng đội sâu nặng, thủy chung của Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua khó khăn gian khổ, góp phần cùng nhân dân cả nước thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương quân đội. Bằng trách nhiệm, lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đối với những người có công với cách mạng, Quân đội đã tham gia có hiệu quả phong trào "Ðền ơn, đáp nghĩa". Trong thời gian tới, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Quân đội tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa phong trào "Ðền ơn, đáp nghĩa"; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đối với mọi cán bộ, chiến sĩ, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, ý chí tiến công, quyết tâm xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, xứng đáng với sự tin yêu của Ðảng, Nhà nước và nhân dân.

Phát biểu ý kiến tổng kết hội nghị, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, thay mặt các cơ quan đồng tổ chức hội nghị nêu rõ, việc tổ chức hội nghị là một trong số rất nhiều hoạt động thể hiện sự trân trọng, biết ơn của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người có công với nước nói chung và các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nói riêng. Hội nghị cũng đã làm sâu sắc thêm những kết quả của phong trào: "Ðền ơn, đáp nghĩa" của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đối với những người có công với nước.

Qua các ý kiến phát biểu, càng cảm phục những tấm gương tiêu biểu của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày có mặt tại hội nghị hôm nay. Ðó là những người đã từng cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc trước đây và hiện nay đang không ngừng tiếp tục cống hiến cho công cuộc cách mạng của Ðảng và dân tộc, góp phần xứng đáng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng.

Nghe các ý kiến phát biểu tại hội nghị, chúng ta càng thấm thía, trân trọng sự hy sinh, cống hiến to lớn của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và càng thấu hiểu, chia sẻ những nỗi nhọc nhằn, vất vả của các anh, các chị; đồng thời càng thêm khâm phục ý chí vượt khó, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên vì cuộc sống tốt đẹp hơn của các chiến sĩ cách mạng trong thời gian qua. Chúng ta nhận thấy, đây thật sự là những tấm gương sáng, những nhân tố mới, điển hình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ðồng chí Thuận Hữu khẳng định, công tác người có công với cách mạng và phong trào "Ðền ơn, đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" luôn là một trong những đề tài thu hút tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó có Báo Nhân Dân. Từ nhiều năm nay, các ấn phẩm của Báo Nhân Dân đã dành cho công tác tuyên truyền về chủ đề này vị trí thật xứng đáng. Cùng với công tác tuyên truyền, hằng năm Báo Nhân Dân cũng đã có nhiều hoạt động cụ thể như tặng nhà tình nghĩa phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhận đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ... nhằm góp phần giúp đỡ các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu cải thiện và nâng cao mức sống như các Nghị quyết của Ðảng đã đề ra.

Theo Nhandanonline

 

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)